Không chấp nhận đói nghèo, nỗ lực vượt khó, vươn lên trên mảnh đất quê hương thứ 2 của mình, trong suy nghĩ của ông Phạm Văn Tân (thôn 1, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) thì đó là việc làm thiết thực nhất để học tập và làm theo lời Bác Hồ căn dặn “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”.
“Tôi rời quê hương Lạng Sơn theo diện di dân tự do đã mấy chục năm rồi. Điểm đến đầu tiên của tôi là huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai. Tại đây, tôi trồng cà phê để phát triển kinh tế. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà mô hình cà phê của tôi không phát triển, dẫn đến thua lỗ, thất bại. Cuối năm 2016, tôi quyết định đến với thôn 1, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai. Với số vốn ít ỏi dành dụm trong những năm qua, tôi quyết định mua một khoảnh đất nhỏ để canh tác, trồng trọt” - ông Phạm Văn Tân kể lại câu chuyện của bản thân mình.
Bắt đầu lại từ đầu, gia đình ông Tân thuộc đối tượng hộ nghèo trên địa bàn. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, ông Tân được tiếp cận vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Nhờ đó, ông có nguồn kinh phí để đầu tư, phát triển kinh tế hộ gia đình.
“Ngày đó địa bàn xã Ia Dom nói riêng và huyện Ia H’Drai nói chung chủ yếu trồng cây cao su, điều, mì. Tuy nhiên, theo chủ trương mới của địa phương, tôi đã mạnh dạn đi đầu trong việc phát triển cây ăn quả. Qua tìm hiểu về khí hậu, thổ nhưỡng, tôi quyết định canh tác 2 loại cây ăn quả chính là cam và quýt đường” – ông Tân nhớ lại.
Khoảnh đất của gia đình ông Tân khá dốc, ít màu mỡ hơn những nơi khác. Tuy nhiên, với kinh nghiệm gắn bó với trồng trọt lâu năm của mình, ông Tân tin rằng, bản thân có thể cải tạo đất nơi đây trở nên màu mỡ, tốt tươi. Nghĩ là làm, ông Tân bón lót bằng các nguồn phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh... để cải tạo và tăng độ phì cho đất. Ngoài ra, ông sử dụng các loại chất thải nông nghiệp như rơm, rạ, mùn trấu… để tạo phân hữu cơ vi sinh. Sau đó, ông mới bắt tay vào công việc đào hố để trồng cây.
Nhằm đảm bảo cho mô hình của mình phát triển tốt nhất, bản thân ông Tân đã lặn lội vào tận miền Tây tìm mua nguồn giống tốt; tham quan, học hỏi các mô hình trồng cam và quýt đường thành công. Sau nhiều tháng mày mò, tự tìm tòi, học hỏi, ông Tân đã đủ tự tin để về canh tác mô hình của mình.
Ông Tân chăm sóc mô hình kinh tế của gia đình. Ảnh: TT
Ông Tân chia sẻ: Tôi khởi đầu từ 500 gốc cam và quýt đường. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, tôi nhận ra bản thân đã không tính đến yếu tố địa hình, thổ nhưỡng. Bởi với độ dốc của đất khoảng 70 độ, thì mỗi hàng cây phải cách nhau ít nhất 6m. Tuy nhiên ở đây, tôi lại ham tận dụng quỹ đất, mỗi gốc trồng cách nhau 4m. Nhận ra sai lầm, tôi đành phải giảm bớt số lượng để vườn cây có thể phát triển. Ngày nối tiếp ngày, tôi cứ thế chăm sóc, theo dõi kỹ lưỡng, chẳng mấy chốc vườn cam và quýt đường của tôi đã phát triển khỏe mạnh cho nguồn thu ổn định.
Bấm tay nhẩm tính, ông Tân cho biết, mỗi cây cam năm thứ 6 sẽ cho thu khoảng 40kg quả. Với 200 gốc cam, có nguồn thu khoảng 60 triệu đồng (đã trừ chi phí). Tương tự với cây quýt đường, hiện tại ông đang có khoảng 100 gốc. Trung bình một năm, trừ chi phí ông thu khoảng 30 triệu đồng.
Ông Tân cười vui vẻ: Hai năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát, vườn cam của tôi vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Mỗi khi chớm vụ mùa thu hoạch, thương lái và các hộ gia đình trên địa bàn đã đặt trước. Nhờ vậy, tôi không cần lo về đầu ra sản phẩm, mà chỉ tập trung chăm sóc, canh tác cây trồng thật tốt để xuất ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất.
Nhờ nguồn thu từ vườn cây ăn trái, ông Tân đầu tư thêm 7 sào đất để trồng điều. Lấy công làm lãi, ông tự làm đất, bón phân, làm cành…, nhờ vậy, chi phí đầu tư giảm đáng kể. Đất không phụ công người, vườn điều của ông cũng dần trở nên tươi tốt, phát triển ổn định. Trung bình một năm, vườn điều đem về cho ông khoảng 30 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Ông Tân phấn khởi: Từ nguồn thu nhập của bản thân, gia đình tôi đã có tiền để trang trải và sắm sửa thêm vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Giữa năm 2020, tôi đã đề nghị xã cho tôi xin thoát nghèo, để dành suất hỗ trợ đến những hoàn cảnh khó khăn hơn. Thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng thêm nữa vườn cây ăn quả của mình, để không chỉ thoát nghèo, mà còn vườn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương thứ hai này.
Ông Vi Văn Hùng - Phó Chủ tịch xã Ia Dom đánh giá: Ông Phạm Văn Tân là một trong những nông dân gương mẫu, đi đầu trong việc phát triển cây ăn trái trên địa bàn xã. Với ý chí, nghị lực ông đã xây dựng hiệu quả mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Ông là tấm gương sáng xứng đáng để bà con trên địa bàn học tập, noi theo.
Tất Thành
Theo https://www.baokontum.com.vn