Bà Vân cho biết, khi dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp cũng là lúc sức khỏe và đời sống của người dân bị ảnh hưởng sâu rộng, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhơ lời dạy của Bác, hãy vì tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và làm mọi việc có thể làm được nhằm giảm bớt đau thương cho họ, bà đã vận động gia đình, bạn bè và nhà hảo tâm góp tiền và hiện vật trên 2,1 tỷ đồng để chung tay trong công tác phòng, chống dịch. Không chỉ kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm đóng góp phát hàng ngàn phần quà cho người dân, bà còn tham gia hỗ trợ tiêu thụ 105 tấn khoai lang tím Nhật và 13 tấn rau, củ của nông dân xã Tân Thành, huyện Bình Tân gặp khó khăn về đầu ra trong những ngày giãn cách xã hội. Số lượng nông sản này được bà vận chuyển đến các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… để hỗ trợ, giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn.

Bà Quách Thanh Vân bộc bạch: “Ngoài sự nhiệt tình, có tâm trong sáng, tận tụy với công việc, người làm công tác từ thiện xã hội còn phải tìm tòi, sáng tạo nhiều mô hình thiết thực để giúp cho người dân trong lúc khó khăn. Tôi mong mình còn nhiều sức khỏe để tiếp tục vận động nhiều nguồn lực hơn, cùng với các cấp hội truyền lửa cho những mảnh đời bất hạnh”.

Cũng trong đại dịch COVID-19, nhiều tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo Bác đã nỗ lực đem lại sự bình yên, sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa Vĩnh Long vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ. Bác sỹ Võ Văn Hạnh Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết, đầu tháng 8/2021, Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Vĩnh Long (ICU) chính thức được Bộ Y tế thành lập với sự chi viện của y bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương để thực hiện nhiệm vụ cứu chữa kịp thời các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Những ngày đầu đi vào hoạt động, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn khi số lượng bệnh nhân trở nặng đông nhưng trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực lại hạn chế. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ vẫn nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Bác sỹ Võ Văn Hạnh Phúc, lực lượng y bác sỹ làm việc tại Trung tâm với cường độ rất cao, phải xa gia đình, gửi con cho người thân để phục vụ ngày đêm tại các bệnh viện, có khi gần 3 tháng chưa được về nhà thăm gia đình... Tuy nhiên, xác định đây là ngưỡng cuối cùng để cứu sống bệnh nhân, các y, bác sỹ luôn chạy đua với thời gian, xử lý kịp thời những diễn biến phức tạp của bệnh. Với sự nỗ lực không ngừng, các bác sỹ, điều dưỡng tại Trung tâm ICU tỉnh Vĩnh Long đã chăm sóc, cứu chữa kịp thời cho hơn 1.200 bệnh nhân nặng, nguy kịch. “Mong muốn của người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống dịch là kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Niềm hạnh phúc lớn nhất chúng tôi là nhìn thấy bệnh nhân được cứu sống và ra viện”- Bác sỹ Võ Văn Hạnh Phúc chia sẻ.

Bác sỹ Võ Văn Hạnh Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đa khoa
tỉnh Vĩnh Long đang điều trị cho bệnh nhân. Nguồn ảnh: Báo Vĩnh Long

Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Hòa Quới, anh Trần Minh Sơn được người dân trong ấp nói riêng và trong xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) nhắc đến là một cán bộ trẻ, năng nổ và tận tụy với công việc, hết lòng phục vụ nhân dân với khả năng của mình.

Đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, anh Sơn luôn nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của Chi bộ, của ấp; học và làm theo Bác từ những hành động thiết thực, cụ thể. Trước mỗi buổi họp Chi bộ, anh cùng với các đồng chí trong Chi ủy chuẩn bị tốt các nội dung sinh hoạt, chú trọng nâng cao chất lượng cuộc họp, mọi công việc đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ để đi đến thống nhất, tạo sự đồng thuận cao. Nhiều năm liền Chi bộ ấp Hòa Quới được Đảng ủy xã Bình Ninh xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có đảng viên vi phạm kỷ luật.

Đối với nhiệm vụ Trưởng ấp, anh Sơn nhiệt tình tham gia, anh cùng Ban công tác ấp và các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động người dân cùng các nhà hảo tâm đóng góp để làm đường, xây dựng tuyến đường ánh sáng quang, giữ gìn vệ sinh môi trường… Từ năm 2018 đến nay, cá nhân anh đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà (trị giá 30 triệu đồng/căn) cho những gia đình gặp khó khăn về nhà ở; trao tặng 230 phần quà với trị giá 300.000 đồng/phần cho hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã, góp phần xây dựng xã Bình Ninh trở thành xã nông thôn mới nâng cao.

Vừa qua, trong lúc dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, với tinh thần tương thân tương ái, chăm lo đời sống cho nhân dân, anh Sơn tiếp tục vận động các nhà hảo tâm tặng 20 phần quà trị giá 350.000 đồng/phần, 30 phần quà trị giá 130.000 đồng/phần…

Anh Sơn chia sẻ: Qua nghiên cứu và học tập những nội dung cơ bản của việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi càng thấm nhuần những giá trị nhân văn của tư tưởng và việc làm của Bác. Từ đó, tôi chủ động vận dụng vào việc thực hiện nhiệm vụ của mình để nỗ lực xây dựng Chi bộ, Ban công tác ấp Hòa Quới đoàn kết, vững mạnh nhằm phục vụ cho người dân trong ấp tốt hơn, góp phần xây dựng xã Bình Ninh đạt danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao.

Trong cuộc sống hàng ngày, anh Sơn luôn gần gũi, hòa đồng với bà con trong ấp. Anh thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ người dân, quan tâm, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hoặc những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của bà con để phản ánh với chính quyền xã. Nhờ đó, khi tham gia hòa giải các vụ tranh chấp, xích mích của người dân trong ấp, anh Sơn có những cơ sở, lý lẽ để phân tích hợp tình hợp lý, hòa giải thành công các vụ việc, góp phần giúp cho tình làng nghĩa xóm của bà con trong ấp ngày càng gần gũi.

Tại Tiền Giang, nói về những tấm gương đảng viên nêu gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tiên phong vì cộng đồng như: hiến đất làm đường giao thông nông thôn, vận động đóng góp xây dựng nông thôn mới,… mọi người hay nhắc đến ông Lê Quốc Thượng, đảng viên, Phó Trưởng ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy.

Ông Lê Quốc Thượng chăm sóc vườn mít. Nguồn ảnh: tiengiang.gov.vn 

Triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Lê Quốc Thượng với vai trò là Phó Trưởng ấp, đảng viên đã tích cực đi đầu tuyên truyền, vận động nhân dân trong ấp hưởng ứng chủ trương của nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, cùng đóng góp công sức kiện toàn cơ sở hạ tầng nông thôn, trồng hoa cảnh tạo cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp…

Cụ thể là vận động người dân hiến đất làm đường Nam Kênh Cả Gáo có chiều dải khoảng 2.000m theo chuẩn nông thôn mới, rồi trồng hoa, tạo cảnh quan, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng đảm bảo an toàn giao thông, giải quyết rác thải và ô nhiễm môi trường… trên các tuyến đường nông thôn trong xóm ấp. Để nêu gương, gia đình ông Lê Quốc Thượng tự nguyện hiến 600 m2 đất cho địa phương mở rộng và nâng cấp đường giao thông nông thôn theo chuẩn quốc gia cũng như tích cực góp công lao động, góp tiền để thi công hệ thống điện thắp sáng bảo đảm an toàn giao thông nông thôn.

Nêu gương bằng việc làm cụ thể đồng thời tích cực tuyên truyền sâu rộng về chủ trương xây dựng nông thôn mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước đến tận từng hộ dân, đảng viên Lê Quốc Thượng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, huy động được các nguồn lực nhân dân vì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới giàu đẹp trên quê hương Mỹ Thành Bắc. Kết quả là ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc có 71 hộ dân đều đồng thuận hiến đất để nhà nước tổ chức thi công các tuyến đường Bắc Kênh Cả Gáo, Nam Kênh Cả Gáo chạy qua địa bàn.

Hiện nay, từ chỗ là địa bàn vùng nông thôn sâu nhiều khó khăn, ấp 4 nói riêng và xã Mỹ Thành Bắc nói chung đã thay đổi đến tận gốc rễ, mạng lưới giao thông được kiện toàn kết nối giao thương không chỉ trong xã, trong ấp mà còn khu vực các xã nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang. Từ đó, tạo động lực cho địa phương phát huy tốt các tiềm năng đất đai lao động phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới ngày một giàu đẹp, hiện đại.

Trong đời thường, ông Lê Quốc Thượng cũng là một tấm gương cần cù lao động, chịu thương, chịu khó lập thân lập nghiệp. Với 5.000 m2 đất sản xuất, ông lập vườn trồng mít chuyên canh kết hợp với cất chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái theo mô hình vườn – ao – chuồng (VAC). Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, áp dụng các biện pháp khoa học thâm canh nên vườn mít cho năng suất cao, mỗi năm đạt sản lượng từ 10 tấn đến 15 tấn quả. Trong chuồng nhà, ông luôn duy trì 2 con lợn nái và 3 – 5 con lợn thịt. Ước tính, với mô hình VAC, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng, Nhờ vậy, trong các năm qua, mặc dù điều kiện sản xuất khó khăn nhưng từ sự nhạy bén trong lao động sản xuất, ông đã vượt khó, thoát nghèo, tạo dựng cơ nghiệp bền vững, xây cất nhà cửa khang trang./.