Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong quản lý giáo dục

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2020), ngày 26/8, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Quản lý giáo dục phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục”.

Chủ trì Hội thảo khoa học có các đồng chí: GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Ths. Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc – Tổng biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập – Xuất bản, Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật; GS.TS, Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành nhấn mạnh: Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều thời cơ và cả những thách thức cho đất nước nói chung và cho ngành Giáo dục nói riêng.

Điều này đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo là động lực lớn để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục vào thực tiễn tổ chức, xây dựng nền giáo dục Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa vừa cấp thiết vừa lâu dài.

 

Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Phạm Chí Thành phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đối với công tác giáo dục, trong đó xác định rõ: “Giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu”; thực hiện "nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, giải pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục"; triển khai "giáo dục cho mọi người", "cả nước thành một xã hội học tập",… Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong những định hướng phát triển lớn để hiện thực hoá mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý, các chuyên gia quản lý giáo dục trong những lĩnh vực khác nhau. Mỗi bài tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, theo từng vấn đề cụ thể, có sự kế thừa các kết quả nghiên cứu khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, quản lý giáo dục, đồng thời tiếp cận nhiều nguồn tư liệu mới; và khẳng định những chỉ dẫn về giáo dục của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị định hướng, soi đường cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và công tác quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay.

Tham luận của các nhà khoa học cùng các ý kiến phát biểu, thảo luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục, là nền tảng trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay. Đặc biệt, các tham luận đã tập trung đi sâu, làm rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục; những cống hiến, đóng góp to lớn của Người đối với quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam; sự vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay.

 

 Quang cảnh Hội thảo.

Để góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết trong đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam hiện nay, khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa và nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, có như vậy thì mới thực hiện đúng và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam; đề cao đổi mới nội dung giáo dục. Đổi mới nội dung giáo dục là một phần cốt yếu trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay; giải pháp giáo dục toàn diện. Nói đến giáo dục toàn diện là nói đến nhiều mặt gồm cả trí, đức, thể, mỹ, vốn là nội dung giáo dục của nhiều quốc gia, dân tộc từ xưa đến nay. Cần thay đổi quan niệm cũ về lao động trí óc và lao động chân tay vốn ăn sâu vào tâm lý của nhiều tầng lớp nhân dân ta. Trong những mục tiêu giáo dục, đức và tài luôn được xem là nội dung cơ bản.

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Trung nhấn mạnh, tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục là hệ thống quan điểm phong phú, sâu sắc và toàn diện; đã định hướng cho nền giáo dục Việt Nam phát triển suốt hơn nửa thế kỷ qua, đạt được những thành tựu rất quan trọng. Trong thời kỳ đổi mới, với sự nỗ lực của toàn Đảng và toàn dân, quy mô giáo dục tiếp tục phát triển, hoàn thành mục tiêu mở mang dân trí, đào tạo ra thế hệ công dân tốt, cán bộ tốt thừa kế xứng đáng sự nghiệp cách mạng, làm cho đất nước giàu mạnh và văn minh.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến vai trò của giáo dục, cách thức, phương pháp, nội dung giáo dục mà Người còn quan tâm đến kết quả của quản lý giáo dục. Nói cách khác, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gắn quản lý giáo dục với xây dựng con người Việt Nam toàn diện, vừa có tri thức chuyên môn giỏi, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, vừa có tâm hồn – tức là người có đạo đức và nhân văn”. - GS.TS Phạm Quang Trung bày tỏ.

Ở một khía cạnh khác, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, một người thầy vĩ đại là người thầy có thể truyền cảm hứng cho học sinh của mình và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người thầy vĩ đại nhất trong nền giáo dục của Việt Nam. Di sản Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục thể hiện trong một chỉnh thể, thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Là một nhà giáo dục lỗi lạc, Bác Hồ chính là bậc thầy về phương pháp và một mẫu mực về văn hóa ứng xử. Nổi bật và nổi trội trong di sản Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục là đạo đức và thực hành đạo đức. Đây là nền tảng và hướng đích của giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ em.

 

 Sách trưng bày tại Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, Ban Tổ chức đã trưng bày nhiều ấn phẩm giới thiệu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, quản lý giáo dục... được xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thời gian qua./.

QT

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website