Bác Hồ với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của lực lượng Công an Nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và huấn thị tại Hội nghị cán bộ của

lực lượng Công an nhân dân, ngày 29/4/1963

Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi từ biệt thế giới này, Người đã căn dặn: “Ðảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những luận điểm rất quan trọng về đạo đức cách mạng; tính tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; công tác cán bộ; công tác tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra đối với cán bộ, đảng viên mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.  

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên quan tâm rèn luyện đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Người đã suốt đời gương mẫu thực hiện. Nhờ tấm gương cao đẹp của Người và của các lãnh tụ tiền bối xung quanh Người, đa số cán bộ, đảng viên các thế hệ cách mạng đã hình thành được một nếp sống trọng đạo đức, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi trở thành Ðảng cầm quyền, Bác đã nhìn thấy trước hoàn cảnh mới, người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền dễ bị quan liêu, hách dịch, tha hóa, biến chất, Người nói: “Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”(5). Người luôn nhấn mạnh phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xem tham ô, lãng phí, quan liêu... là “thứ giặc nội xâm”, chung quy tất cả những thói hư tật xấu đều do từ chủ nghĩa cá nhân mà ra và cần kiên quyết chống.

Ở nước ta, tệ nạn quan liêu, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, từ lâu đã trở thành quốc nạn. Cũng do tính chất đặc biệt nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, Người đã cùng Đảng ta đề cập nhiều biện pháp kiên quyết phòng trừ những “thứ cỏ dại” và cần “phải diệt tận gốc” loại “giặc ngoại xâm” này. Từ tác phẩm “Đường cách mệnh” Bác viết năm 1927, đến tác phẩm cuối cùng trong Di chúc của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 200 bài nói, viết về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đó là hệ thống những quan điểm, biện pháp hữu hiệu để chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên không phải cứ viết trên trán mình 2 chữ “Cộng sản” là được nhân dân yêu mến, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Với cán bộ, đảng viên trong CAND, Người yêu cầu: vững về chính trị, giỏi về chuyên môn; nghề nào cũng phải học, phải thông thạo. Người nhắc nhở: không thể lãnh đạo chung chung được nữa, chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, phải có tri thức nữa. Ngoài phẩm chất, năng lực, Người còn yêu cầu người cán bộ cách mạng phải có phong cách công tác khoa học, chống chủ quan, khoe khoang, kiêu ngạo, quan liêu đại khái, phô trương, ham chuộng hình thức; chống lối làm việc gặp đâu hay đấy, thiếu kế hoạch, thiếu kiểm tra. Người căn dặn: “Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(6), vì vậy, người cán bộ đảng viên thuộc lực lương CAND phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực và môi trường công tác.

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong CAND hiện nay, theo đó cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, thường xuyên quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(7); nắm vững, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lực lượng CAND, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách. 

Hai là, xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong CAND có đức, có tài. Sinh thời, Người đã nhiều lần chỉ rõ: Cán bộ là những người vừa xây dựng nên chính sách vừa đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng đặt ra. Vì vậy, cán bộ chính là “cái gốc của mọi công việc”. Đảng phải coi xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài là “công việc gốc” của Đảng. Trên thực tế, ở đâu có cán bộ tốt thì ở đó có phong trào tốt và ngược lại thì phong trào sẽ yếu và đi xuống, thậm chí là tạo nên nhiều hệ lụy cho cách mạng. Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung”(8). Việc sử dụng, cất nhắc cán bộ, cũng được Người hết sức quan tâm. Đó là việc xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng xem “người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”, “có đủ đức tài không”? Nếu không, sẽ “không khỏi đem người chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”(9).

 Ba là, mỗi tổ chức cơ sở đảng, chính quyền các cấp cần coi trọng xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả; phương pháp kiểm tra phải đồng bộ từ trên xuống và từ dưới lên nhằm mục đích phát hiện những sai lầm trong tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên trong ngành để kịp thời sửa chữa. Bác chỉ rõ: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(10). Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương,... Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân.

Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng trong CAND mãi mãi thấm nhuần và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, theo đúng lời căn dặn của Người trước lúc ra đi./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, toàn tâp, Nxb CTQG, H.2001, tập 5, tr.251.

(2) Hồ Chí Minh, toàn tâp, Nxb CTQG, H.2001, tập 5, tr.269.

(3) Hồ Chí Minh, toàn tâp, Nxb CTQG, H.2001, tập 5, tr.240.

(4) Hồ Chí Minh, toàn tâp. Nxb CTQG. H. 2001. tập 12, tr.498.

(5) Hồ Chí Minh, toàn tâp, Nxb CTQG, H.2001, tập 6, tr.494..

(6) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 2001, tập 9, tr.293.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016, tr.217.

 (8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, tập 5, tr.313.

 (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, tập 5, tr.314.

 Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, tập 5, tr. 287.

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website