Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin cả nước.
Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo lãnh đạo cách mạng nước ta đi đến Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhớ lại sự kiện trọng đại này, ta lại nhớ những dòng thơ trào dâng cảm xúc của nhà thơ Tố Hữu: “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/ Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi” (“Theo chân Bác”).
Tháng 5/1941, tại Pác Bó, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã quyết định cần giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc bởi “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn nǎm cũng không đòi lại được”1. Điều này đã cho thấy sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Bác trong giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng
đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (Ảnh tư liệu)
Nhờ việc hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, vạch ra được những chính sách cụ thể, sát hợp nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc nên Đảng và Bác đã tập trung được các lực lượng cách mạng, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ… cùng đoàn kết trong Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc rộng rãi, vững chắc góp phần quyết định vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Thành lập Mặt trận Việt Minh là một sáng tạo đặc sắc của Bác, thể hiện rõ nét tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người. Ðảng lãnh đạo Mặt trận bằng cách đưa quan điểm, chính sách vào các đoàn thể và hoạt động của Mặt trận và thông qua các đảng viên tham gia Mặt trận và đoàn thể.
Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, cần thiết phải thúc đẩy xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang để đi tới tổng khởi nghĩa. Ngày 22/12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, phát triển mạnh mẽ các đội vũ trang ở địa phương, phối hợp tác chiến, thúc đẩy đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của quần chúng. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, mang bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”: “Trung với nước, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”, góp sức cùng với dân tộc bách chiến, bách thắng.
Trước tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, Đảng ta đã có những quyết sách nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính, hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra 3 nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời.
23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”2. Lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng và lời kêu gọi của Bác như lời hịch non sông thúc giục lòng người ra trận. Đồng bào trong cả nước đã đồng loạt đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, đoàn kết tạo thành “một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc (Ảnh tư liệu)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân.
Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình rợp bóng cờ, hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”3.
“Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình
Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!
Người đứng trên đài, lặng phút giây
Trông đàn con đó, vẫy hai tay
Cao cao vầng trán... Ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây!
Người đọc tuyên ngôn.... Rồi chợt hỏi:
"Đồng bào nghe tôi nói rõ không?"
Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi
Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!
Cả muôn triệu một lời đáp: "Có!"
Như Trường Sơn say gió biển Đông
Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ
Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông.
Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa
Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta
Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!
(“Theo chân Bác”, Tố Hữu)
Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập của một chế độ xã hội mới - chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Châu Á. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân phong kiến, trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Cách mạng Tháng Tám thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó cũng là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta: Gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thắng lợi này cũng cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị.
Mùa thu Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, mở ra một trang sử mới, trang sử hào hùng nhất suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Từ dấu mốc chói lọi đó của Cách mạng Tháng Tám, tiếp bước theo con đường đã chọn, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân bước vào một cuộc trường chinh mới, đấu tranh giành độc lập trước nạn xâm lăng của thực dân, đế quốc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng và hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đã 75 năm trôi qua kể từ khi diễn ra Lễ độc lập đầu tiên, Quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử cho đến ngày nay. Nơi đây đã chứng kiến bao sự kiện lớn đánh dấu những bước trưởng thành của cách mạng nước nhà trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong suốt những năm qua, Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình lịch sử thường xuyên được chọn là nơi tổ chức các cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt chính trị văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống, đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhớ Bác kính yêu, chúng ta không khỏi tự hào về những năm tháng hào hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Phát huy tinh thần và những giá trị của cách mạng tháng Tám, mùa Thu năm nay, cả nước ta đang đồng sức, đồng lòng để kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19. Tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và ánh sáng soi đường của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng dịch COVID-19, ổn định đời sống, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong những ngày mùa Thu lịch sử này, do điều kiện tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, rất nhiều người con đất Việt ở những miền quê xa không thể trực tiếp đến được với Thủ đô để vào Lăng viếng Bác nhưng triệu triệu trái tim của đồng bào cả nước trên khắp mọi miền Tổ quốc vẫn đang cùng hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ kính yêu đang yên nghỉ với tất cả tấm lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người và lời hứa quyết tâm đoàn kết, tin tưởng, nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. 75 mùa Thu đã đi qua nhưng giữa Ba Đình lịch sử hôm nay dường như vẫn còn vẹn nguyên bóng hình và âm vang lời Bác./.
-------------------
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tập 7, tr.122.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.596.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr.3.
Thu Hiền
Theo https://www.bqllang.gov.vn