Tình thương yêu vô vàn của Bác dành cho thương binh, liệt sỹ

Cách mạng Tháng Tám thành công, dù bộn bề với bao công việc của người đứng đầu chính quyền một đất nước còn non trẻ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ. Trong Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, đăng trên báo Cứu Quốc ngày 7/11/1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Khi được tin con trai Bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ hy sinh, Bác trực tiếp viết thư chia buồn với gia đình, trong thư Bác viết: “Ngài biết rằng, tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột". Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL về chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước ta về chế độ chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ.

Để nhân dân cả nước có dịp bày tỏ lòng biết ơn tới các thương binh và gia đình liệt sĩ, tháng 6/1947, Người đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh toàn quốc. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị đã họp ở Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27/7 hằng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947. Sau 1 năm thành lập, trong thư gửi các thương binh, gia đình có công với cách mạng, Bác viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống…Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà goá. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ… Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ không thể tái sinh”.

  

Bác Hồ với các chiến sĩ. (Ảnh tư liệu)

Cảm thông với những thiệt thòi của thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào chia sẻ với những tâm tư, mất mát lớn của thương binh, liệt sĩ. Người viết: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Người căn dặn: “Chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động, thể hiện tấm lòng nhân ái, bao la của Bác dành cho thương binh, trong đó câu chuyện chiếc điều hòa nhiệt độ trong phòng Bác là một trong nhiều câu chuyện xúc động: Một lần, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm đó, trời nóng, khi đến thăm thương binh nặng phải nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Trên đường về, Bác rất xúc động. Chiếc điều hòa nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao đang công tác nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó, Bác đang ở trong ngôi nhà của Phủ toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng (lúc này Bác chưa chuyển sang nhà sàn). Khi các đồng chí phục vụ lắp điều hòa nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với Thư ký Vũ Kỳ: “Chiếu máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm các cô chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”. Ngay hôm đó, chiếc điều hòa nhiệt độ trong phòng Bác được chuyển đi để lắp phục vụ cho các chiến sĩ bị thương rất nặng.

  

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở trường Thương binh hỏng mắt,
ngày 11/2/1956 (30 Tết Nguyên đán Bính Thân). Ảnh: Tư liệu

Một câu chuyện cảm động khác mà tình cảm và tình thương yêu vô vàn của Người dành cho các thương binh: Mùa Đông, thương anh em rét mướt ở rừng núi, Bác đem chiếc áo lụa của Bác được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm cho các chiến sĩ. Bác thường nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được”, “chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đủ lắm rồi”. Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất. Nhân ngày 27.7 hằng năm, Bác trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh; những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác tặng lại các đồng chí thương binh.

Những món quà của Bác vô cùng quý giá bởi đó là sự quan tâm, chăm sóc, là tình cảm của Bác dành cho thương, bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn làm ấm lòng người chiến sĩ. Đáp lại tình cảm ấy bằng tinh thần và nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã cố gắng trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống, đúng như lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế.

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự liệu rất nhiều công việc cần phải quan tâm và thực hiện ngay trước mắt, cũng như lâu dài, để vừa mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tạo ra những động lực cho con người và xã hội của chế độ mới. Trong những bộn bề nhiệm vụ cần phải thực hiện, Người xác định: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Trong đó, Đảng, Chính phủ và nhân dân cần dành sự quan tâm trước tiên đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ. Người viết : “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ: “mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ: “chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Thực hiện tâm nguyện của Người, trong nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc Hà Giang luôn nâng cao trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng, thể hiện nghĩa tình sâu sắc với gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh và gia đình chính sách. Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ được quan tâm với trách nhiệm và tình cảm, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả thông qua các chương trình tình nghĩa như: Xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo theo Quyết định 1953 của tỉnh Hà Giang; xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vật liệu để xây nhà ở; chăm sóc phụng dưỡng các "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ…

Ngày 27/7 hằng năm là dịp để chúng ta ôn lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các thương binh, liệt sĩ và người có công. Đây cũng là dịp để mỗi người Việt Nam được sống trong hòa bình tri ân hàng triệu con người đã hy sinh, đã để lại nơi chiến trường một phần xương máu và một phần cuộc sống của mình vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân.

Đặng Ngọc Mai (Trường Chính trị tỉnh Hà Giang)

Theo http://www.baohagiang.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website