Với ngư dân, cuộc sống mưu sinh của họ luôn gắn liền với biển. Biển mang đến cho họ niềm vui, nỗi buồn theo từng con sóng, con nước thủy triều. Ngư dân ra khơi không chỉ để làm kinh tế mà còn tham gia đắc lực vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Họ thật sự là tai mắt, là cột mốc sống chủ quyền trên biển.
Ngư dân phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi khai thác thủy sản.
Thanh Hóa có bờ biển dài 102km, với 6 huyện, thành phố, thị xã ven biển gồm Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn có lực lượng ngư dân và số lượng tàu thuyền nhiều trong những tỉnh ven biển của cả nước. Ngư dân Thanh Hóa nổi tiếng có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt hải sản xa bờ, trong đó có ngư trường Vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa, Trường Sa.
Đã mấy chục năm gắn bó với công việc khai thác thủy sản trên biển với biết bao nhiêu gian khổ, sóng gió lênh đênh, nhưng ông Nguyễn Văn Mười (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề để làm một công việc khác nhẹ nhàng hơn. Sinh ra ở đây và lớn lên cũng trên mảnh đất này, ông theo cha học nghề biển từ khi còn rất trẻ. Rồi đến khi lấy vợ, sinh con, ông vẫn gắn bó với nghề để nuôi sống gia đình. Khi con cái đã trưởng thành, cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng ngày ngày ông vẫn cùng với những người dân nơi đây ra khơi trong những chuyến biển dài ngày. Ông Mười cho biết: “Tuy tuổi tác đã cao, sức khỏe đã yếu đi, việc đánh bắt cá đối với tôi cũng có phần giảm sút nhưng công việc này đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui cũng như tình yêu, tình đoàn kết, sự gắn bó với anh em, bạn bè nghề biển. Vươn khơi bám biển còn là niềm tự hào khi được sống trên vùng biển quê hương”.
Nhiều năm trở lại đây, tình hình đánh bắt cá bằng các phương tiện mang tính chất tận diệt hoặc lấn chiếm ngư trường diễn ra vô cùng phức tạp. Trước tình hình đó, nhiều ngư dân đã đoàn kết và gắn bó trên các chuyến biển. Họ thường xuyên liên lạc, hỗ trợ cho nhau. Đồng thời kiên quyết đấu tranh tố giác các trường hợp tàu có công suất lớn đánh bắt tận diệt hoặc gây ô nhiễm môi trường biển. Những việc làm này đã được người dân nơi đây nhận thức và coi đó như trách nhiệm của mình. Khi có các tàu cá ở những tỉnh khác đánh bắt sai tuyến, sai vùng hoặc phát hiện những tàu lạ xâm chiếm khu vực biển, các ngư dân kịp thời tố giác, trình báo chính quyền và đồn biên phòng để các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình và kịp thời có biện pháp xử lý.
Phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) hiện có hơn 240 tàu đánh bắt cá công suất lớn, với số lao động làm trên tàu khoảng 2.000 người, nghề khai thác thủy sản đã mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống sung túc hơn. Với những trăn trở làm giàu và vươn ra biển lớn, anh Trần Văn Thuận, phố Thọ Xuân, phường Quảng Tiến đã không chịu dừng bước trước những khó khăn. Sinh ra trong gia đình có truyền thống đi biển, anh Thuận đã mạnh dạn đầu tư con tàu có công suất gần 1.000CV, anh Thuận cùng các chủ tàu khác vẫn đều đặn vươn khơi, có mặt ở hầu khắp các ngư trường như Bạch Long Vĩ, Hoàng Sa, Trường Sa... để đánh bắt cá. Nhờ “lộc biển” ngư dân này không chỉ xây được cơ ngơi nhà cửa khang trang mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động, với mức thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Anh Thuận chia sẻ: “Với tôi biển là nhà, cuộc sống của gia đình tôi gắn liền với biển, nên tôi phải có trách nhiệm bảo vệ “nhà” của mình”. Nhờ sự gan góc, nhiệt huyết, có chí vươn lên làm giàu, với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết bảo vệ chủ quyền trên biển, anh Thuận đã được tổ chức đảng địa phương bồi dưỡng rồi chính thức kết nạp vào Đảng, tham gia chi bộ khai thác thủy sản trên biển thuộc Đảng bộ phường Quảng Tiến.
Sự ra đời của chi bộ khai thác thủy sản trên biển tại phường Quảng Tiến đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng viên vươn khơi bám biển. Trong quá trình vươn khơi khai thác thủy sản, những ngư dân là đảng viên luôn phát huy vai trò gương mẫu trong chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp đỡ ngư dân vượt qua những khó khăn để bám biển, họ được ví như là những “cánh sóng cả” vươn khơi, những “cột mốc sống” bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề biển, trên phương tiện của lão ngư Hoàng Văn Hai (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương) chưa từng thiếu đi hình ảnh của lá cờ đỏ sao vàng. Ông chia sẻ: “Trước mỗi chuyến ra khơi bên cạnh chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, tôi luôn kiểm tra lại lá cờ Tổ quốc được treo ở nóc thuyền, thấy cờ tung bay là phương tiện chúng tôi yên tâm xuất phát cho một cuộc hành trình bám biển. Trong các chuyến ra khơi, tôi nghĩ rằng nghề đi biển không chỉ là sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn có ý nghĩa chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Về các bến cảng như Cảng Hới, Lạch Bạng, Lạch Ghép vào thời điểm các phương tiện đang cập bến chờ thời tiết thuận lợi cho những chuyến đi tiếp theo, sẽ không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những đội tàu sản xuất an toàn trên biển neo đậu san sát và trên nóc là những lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Qua lời kể của ngư dân, chúng tôi được biết, sau mỗi chuyến ra khơi thắng lợi, các chủ phương tiện sẽ mua một lá cờ Tổ quốc mới và được treo ở vị trí cao nhất trên tàu để thể hiện sự biết ơn đối với Tổ quốc đã giúp phương tiện có được “lộc biển” lớn và lá cờ đấy sẽ được ngư dân kéo cao trước mỗi chuyến ra khơi. Điều đấy đã trở thành một phong tục truyền thống của ngư dân vùng biển và được các thế hệ ngư dân tiếp nối thực hiện.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đồng bằng là nhà mà biển là cửa...”, các ngư dân chân chất, mộc mạc mà dũng cảm, ngày ngày noi theo tấm gương của Bác trong từng hành động nhỏ, đoàn kết tạo nên phong trào thi đua trong lao động, sản xuất và một lòng quyết tâm bám biển như là “cột mốc sống” chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Hoàng Lan
Theo https://baothanhhoa.vn