Vĩnh Phúc - vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa đã vinh dự 8 lần được đón Bác Hồ về thăm, động viên và chỉ đạo công việc. Để lưu giữ những tư liệu, hình ảnh quý giá về Bác, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã trân trọng, gìn giữ và không ngừng phát huy giá trị thiết thực của hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan thụ hưởng văn hóa của người dân.
Vĩnh Phúc phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành điểm tham quan, học tập, giáo dục truyền thống đối với các tầng lớp nhân dân.
Tọa lạc giữa trung tâm thành phố, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu Đồi Cao (nay là Bảo tàng tỉnh), phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên là niềm tự hào của người dân Vĩnh Phúc. Nơi đây gắn liền với sự kiện Bác Hồ nói chuyện với gần 2 vạn cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Phúc vào ngày 2/3/1963.
Năm 2013, tỉnh Vĩnh Phúc đặt một tấm bia đá cao hơn 3m tại khuôn viên có khắc dòng chữ “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” để nhắc nhở các thế hệ mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Người, lấy đó làm động lực, mục tiêu phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Những người đến tham quan Bảo tàng tỉnh sẽ vô cùng ấn tượng với cách bài trí khoa học, vừa trang nghiêm, cổ kính song lại vô cùng ấm áp, gần gũi. Bên trong bảo tàng, tại vị trí trang trọng nhất là phần khánh tiết và nhóm tượng Bác Hồ với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc, do họa sĩ Lê Đình Bảo tạo tác năm 2000.
Nhóm tượng gồm 7 nhân vật làm bằng các chất liệu thạch cao, phun nhũ đồng. Bác Hồ ở vị trí trung tâm, xung quanh là các nhân vật đại diện cho các tầng lớp công, nông, binh, trí thức của tỉnh Vĩnh Phúc.
Còn tại không gian trưng bày chủ đề “Vĩnh Phúc trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà (1955-1975)” là hàng loạt tài liệu, hiện vật, hình ảnh vô giá ghi lại những lần Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc.
Hằng năm, Bảo tàng tỉnh tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê và bảo quản các hình ảnh với nhiều chủ đề khác nhau như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc và đổi mới đất nước; Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong 1931-1933; Hồ Chí Minh - đẹp nhất tên Người; những tấm gương bình dị mà cao quý… để phục vụ công tác trưng bày chuyên đề và trưng bày lưu động nhân kỷ niệm các ngày lễ trọng đại, các sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh và dân tộc.
Cũng nằm trên địa bàn phường Ngô Quyền, một công trình khác rất tiêu biểu chính là Nhà lưu niệm Bác Hồ (khu Tỉnh ủy). Năm 2003, nhân dịp Kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Kỷ niệm 40 năm Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (năm 1963), thể theo nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định lấy vị trí ngôi nhà nằm ở trung tâm khu vực trụ sở Tỉnh ủy, đồng thời cũng là nơi được đón tiếp mỗi lần Bác về thăm Vĩnh Phúc để làm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công trình hợp ý Đảng, lòng dân này mang ý nghĩa như một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt tại địa phương. Sự hiện diện của công trình thể hiện lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đối với Người.
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được thiết kế ba gian, mái ngói mũi hài. Trước nhà lưu niệm có đặt lư hương lớn bằng đá đề người dân, du khách đến tham quan có thể thắp hương, tưởng nhớ công lao của Bác và những nhà cách mạng.
Gian chính giữa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên ban thờ ở vị trí cao nhất là bức tượng đồng chân dung Bác Hồ có trọng lượng lên tới 600kg. Hai bên tượng Bác là 2 bản trích về lời căn dặn và hình ảnh ghi lại những hoạt động mỗi lần Bác về thăm Vĩnh Phúc.
Xúc động nhất chính là hình ảnh về tủ hiện vật, nơi trưng bày bộ quần áo kaki giản dị, đôi dép cao su và đặc biệt là chiếc bút máy Bác đã dùng để ký tặng bức chân dung khi Người về thăm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2/3/1963. Dù đã trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng tất cả những kỷ vật của Người vẫn được Vĩnh Phúc trân trọng, gìn giữ nhằm lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Cùng với hai di tích tiêu biểu kể trên, Vĩnh Phúc còn có di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên; xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường; nhà tưởng niệm Bác Hồ tại chùa Hà Tiên, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên… Mỗi di tích đều mang màu sắc riêng, nhưng tất cả đều gắn liền với những kỷ niệm, sự kiện trọng thể trong mỗi lần Bác về thăm tỉnh.
Để bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành điểm tham quan, học tập, giáo dục truyền thống đối với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác bảo tồn, tôn tạo theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, đảm bảo phù hợp, tạo nên sức hấp dẫn riêng cho từng địa điểm. Tổ chức, lan tỏa nhiều hoạt động tri ân, tưởng niệm và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các điểm di tích.
Theo kế hoạch, lộ trình phát triển tổng thể du lịch của tỉnh, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị, công ty du lịch phát triển các tour tham quan hệ thống di tích gắn với các địa điểm nổi tiếng của tỉnh.
Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để du khách tìm hiểu về truyền thống, nét đẹp văn hóa lịch sử của đất và người Vĩnh Phúc cũng như tạo đà để KT-XH ngày càng phát triển, phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc giàu có, phồn vinh như lời căn dặn của Bác khi về thăm Vĩnh Phúc cách đây tròn 60 năm.
Bài, ảnh: Lê Minh
Theo https://baovinhphuc.com.vn