Mô hình “Bếp lửa hậu phương” đang tạo sức lan tỏa, được chỉ đạo nhân rộng tại thành phố.
Nhiều mô hình hay
Ba năm trước, mô hình “Bảo hiểm y tế nghĩa tình cựu chiến binh” của Hội Cựu chiến binh phường I được triển khai. Đây là mô hình do Đảng ủy phường I chỉ đạo thực hiện, vận động đảng viên, cán bộ, công chức, mạnh thường quân hỗ trợ, ủng hộ mua thẻ bảo hiểm y tế tặng cựu chiến binh, cựu quân nhân gặp khó khăn, tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Ông Võ Văn Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường I, chia sẻ: “Qua 3 năm thực hiện, chúng tôi đã vận động và trao 15 thẻ bảo hiểm y tế, với tổng số tiền gần 10 triệu đồng. Những đóng góp này rất thiết thực, tạo được sự đồng thuận, đồng lòng và ủng hộ cao. Qua đó, giúp cho các cựu binh, cựu quân nhân và gia đình họ giảm bớt khó khăn, nhất là những trường hợp bệnh tật”.
Cũng tại phường I, mô hình “Bếp lửa hậu phương” được triển khai 2 năm trước cũng mang lại nhiều ý nghĩa. Từ khi triển khai đến nay, đã có ít nhất 5 trường hợp được thăm hỏi, hỗ trợ. Đặc biệt, năm nay, mô hình được nâng cấp lên một bước với tên gọi “Mái ấm hậu phương”, đã vận động 60 triệu đồng hỗ trợ xây nhà cho 1 gia đình thanh niên hoàn cảnh khó khăn, đang làm nhiệm vụ trong quân ngũ. Đến nay, tổng số tiền vận động để thực hiện mô hình đã trên 100 triệu đồng. Bà Trần Thúy Mai, phụ trách Tuyên giáo, Dân vận Đảng ủy phường I, chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp triển khai mô hình này, vận động gạo, nhu yếu phẩm đến thăm các gia đình quân nhân đơn chiếc, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tổ chức những bữa cơm ấm áp... Qua đó, giúp gia đình các quân nhân giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, vừa kịp thời hỗ trợ, vừa tạo sự gắn kết giữa gia đình với chính quyền địa phương, để quân nhân an tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Đây là hai trong số rất nhiều mô hình điển hình ở các xã, phường trên địa bàn thành phố trong những năm qua. Hai mô hình đang tiếp tục được nhân rộng trong toàn thành phố, để tiếp tục tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Trong 3 năm qua, có trên 370 tập thể, cá nhân được tuyên dương vì có mô hình tốt, cách làm hay. Đặc biệt, để tạo sức lan tỏa, công tác tuyên truyền được đặc biệt quan tâm, để từng bước nâng cao nhận thức trong Đảng bộ, hệ thống chính trị và toàn dân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển khai có chiều sâu, tạo động lực phát triển
Để triển khai hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Thành ủy Vị Thanh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu bám sát định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, vận dụng sáng tạo, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
Mỗi chi bộ, đảng bộ cơ sở đều xây dựng kế hoạch thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình. Từng đảng viên, viên chức đều có bản cam kết, kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chức năng, nhiệm vụ được phân công. Kết quả thực hiện Chỉ thị số 05 là tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hàng năm và cả nhiệm kỳ. Việc học tập và làm theo gương Bác gắn với các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn thành phố, tạo nên sức lan tỏa sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Ông Huỳnh Văn Hưởng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các cuộc thi: Báo cáo viên, thi viết về những tấm gương học tập và làm theo gương Bác, sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật với chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc tuyên truyền còn được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trực quan cổ động, các hội thi, hội diễn được sân khấu hóa bằng những kịch bản gần gũi, dễ hiểu... Từ đó, đưa việc học tập và làm theo gương Bác dần đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn được thành phố cụ thể hóa bằng phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực để thành phố tận dụng tiềm năng, lợi thế phát triển xứng tầm. Nổi bật nhất là thi đua phát triển kinh tế. 3 năm qua, kinh tế thành phố có mức tăng trưởng ổn định với tổng giá trị sản xuất đạt gần 6.720 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Thương mại dịch vụ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 57%, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng trên 33%...
Thành phố còn phát huy tiềm năng kinh tế, gắn với phát triển du lịch, trong đó xây dựng và triển khai đề án phát triển cây khóm, đưa diện tích trồng khóm của thành phố lên hơn 2.390ha. Hiện tại, có gần 30ha khóm trên địa bàn xã Hỏa Tiến, Tân Tiến đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Một số sản phẩm từ khóm được công nhận là sản phẩm OCOP: dưa chua củ hủ khóm, mứt khóm, bánh khóm và rượu khóm, giá trị cây chủ lực đã từng bước được nâng tầm.
Ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi từng bước tận dụng cơ hội để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực để thành phố phát triển toàn diện. Từ đây đến cuối năm, Hậu Giang tổ chức nhiều sự kiện lớn, trong chuỗi sự kiện chào mừng 20 năm thành lập tỉnh. Thành phố sẽ là nơi diễn ra và chúng tôi đang góp sức để từng sự kiện được tổ chức thành công, tạo thêm nhiều cơ hội phát triển mới cho đô thị Vị Thanh”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nền tảng để xây dựng Đảng bộ thành phố thật sự vững mạnh, cũng như động lực để thành phố trẻ phát triển mạnh mẽ ở hiện tại và tương lai.
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ
Theo http://baohaugiang.com.vn