Những tác phẩm hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (phần 1)

 

1. Búp sen xanh

- Tác giả: Sơn Tùng

- Nxb Văn học

- Năm xuất bản: 2009

Tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được viết trong khoảng từ năm 1948 đến năm 1980. Cuốn sách đã khắc họa rõ nét cuộc đời đầy những gian truân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từ lúc mới sinh cho đến khi Người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Nhà văn Sơn Tùng đã viết rất nhiều tác phẩm về Bác, mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng nhưng hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua những câu chuyện đó rất đỗi bình dị, giản đơn. Tuy nhiên “Búp sen xanh” vẫn là tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu, thành công.

Bìa sách “Búp sen xanh” xuất bản năm 2009. Ảnh: Internet
Bìa sách “Búp sen xanh” xuất bản năm 2009. Ảnh: Internet

Tác phẩm được nhà văn chia làm 3 chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”. Nhà văn Sơn Tùng đã làm sống lại cuộc đời và sự nghiệp của Bác giữa một làng quê tuy nghèo khó nhưng giàu truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó nghĩa tình và đặc biệt được sinh ra trong gia đình nho giáo rất nền nếp, gia phong. Bằng cái nhìn biện chứng về mối quan hệ giữa con người với truyền thống lịch sử, văn hóa, tác giả đã miêu tả thành công một tính cách sinh động thuở hình thành nhân cách từ khi là một cậu bé hiếu thảo, thông minh, nhanh nhẹn và ham học hỏi đến một chàng thanh niên tên Nguyễn Tất Thành khôi ngô, đầy nhiệt huyết đến bến cảng Nhà Rồng rời quê hương, gia đình, người thân sang xứ người tìm con đường cứu dân, cứu nước khi mới chỉ 21 tuổi và trở thành lãnh tụ cách mạng giàu nhân cách sau này.

Trong bìa của cuốn “Búp sen xanh”, có một lời đề từ trang trọng của tác giả:“Các bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời…”.

Năm 1983, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết “Lời tựacho lần xuất bản thứ hai của tiểu thuyếtBúp sen xanh”:“Chúng ta có một khẩu hiệu rất đúng, rất hay: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Đúng như vậy, Hồ Chủ tịch sống mãi trong tư tưởng và tình cảm lớn, trong toàn bộ hoạt động cách mạng của nhân dân Việt Nam ta, của mọi người chúng ta. Đồng thời Hồ Chủ tịch cũng sống mãi trong những tác phẩm văn học và nghệ thuật có giá trị diễn tả một cuộc đời đã trở thành lịch sử, những trang sử đẹp nhất và vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam ta.

Đến đây, tôi muốn nói đôi điều về cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, mà nhiều độc giả, nhất là trong giới thanh, thiếu niên ưa thích; và báo chí nước ta đã đăng những bài bình luận và đánh giá mà theo tôi biết, tác phẩm rất chú trọng. Cuốn sách “Búp sen xanh” nêu lên một vấn đề: Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân.”

Nhiều năm trở lại đây, cuốn sách này đã được đưa vào tủ sách vàng của nhiều nhà xuất bản, được in đi in lại nhiều lần, được dịch sang tiếng Anh và được in song ngữ.

2. Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh

- Tác giả: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

- Nxb Công an nhân dân

- Năm xuất bản: 2006

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một trong số ít người có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện nhất về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân
Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân 

và ông Võ Điện Biên, con trai cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dâng cuốn sách lên

 bàn thờ Đại tướng. Ảnh: http://www.nxbcand.vn

 

Những năm tháng hoạt động cách mạng, được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng có điều kiện tiếp thu và vận dụng tư tưởng của Người một cách thấu đáo, không chỉ trên phương diện đấu tranh và hoạt động quân sự, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, góp phần cùng Đảng ta và Nhà nước ta tổ chức lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong nhiều năm, Đại tướng đã dành thời gian, trí lực cho nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học lớn, có giá trị về lịch sử, quân sự, văn hóa, khoa học, giáo dục...

Đặc biệt, bằng tấm lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đại tướng đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của Hồ Chí Minh và vận dụng tư tưởng của Người vào công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Cuốn sách “Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh” là một trong các tác phẩm về vấn đề này.

Cuốn sách tuyển chọn những bài nói, bài viết hay nhất của Đại tướng trong nhiều năm qua, thể hiện tâm huyết của Đại tướng với Đảng, với Nhà nước, dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Công an nhân dân giới thiệu đến độc giả nhân dịp kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí minh và mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 95 tuổi.

3. Hoa Râm bụt

- Tác giả: Sơn Tùng

- Nxb Thông tấn

- Năm xuất bản: 2007

“Hoa râm bụt” là một trong những tác phẩm rất thành công của nhà văn Sơn Tùng viết về Hồ Chí Minh. Mặc dù không phải đề tài là một trường thiên tiểu thuyết - nhưng “Hoa râm bụt”, tác giả đã cho chúng ta tiếp cận với người thanh niên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bìa sách “Hoa râm bụt”. Ảnh: Internet
Bìa sách “Hoa râm bụt”. Ảnh: Internet

Cuốn sách gồm những câu chuyện xuyên suốt như: Đi tìm ẩn tích Hồ Chí Minh, chung một tình thương, những nhân cách…. “Hoa râm bụt” là chân dung một nhân cách, nhà cách mạng, danh nhân văn hóa, một tình bạn lớn Hồ Chí Minh đầy mới mẻ trong lòng bạn bè quốc tế và trong mỗi người dân Việt.

Với cuốn sách quý giá và bổ ích “Hoa râm bụt”, nhà văn Sơn Tùng đã đóng góp được một tiếng nói riêng, có giá trị lớn về tìm hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Anh không miêu tả mặt vĩ đại của Bác. Anh lo tìm hiểu làm sao một con người bình thường như Nguyễn Tất Thành trở thành Hồ Chí Minh… Anh không tìm cái phi thường, ngoại lệ, anh tìm cái chung, cái chữ “Thành” suốt đời không thay đổi của một con người trải qua muôn vàn thay đổi trong muôn vàn hoàn cảnh khác nhau, cực khổ có, vinh quang có, bị hiểu lầm có, được ca ngợi có. Anh không tìm cái gọi là “bản chất lãnh tụ” mà tìm cái gọi là “bản chất tình nghĩa” xuất phát từ tâm thức cha ông “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”… Chỉ có Hồ Chí Minh mới không bao giờ dùng quyền lực với ai, trái lại giữ thái độ chân thành của một nền văn hóa trong thế giới tương lai.

… Sơn Tùng đã viết cho ta thấy chân lý mới của thời đại. Không phải bạo lực, tiền của thay đổi được thế giới mà chính là sự chân thành chính tình nghĩa, sự quan tâm lẫn nhau sẽ giúp mọi người khắc phục được các thành kiến để chấp nhận nhau, đặc biệt chấp nhận sự lựa chọn chung: Đi đến hạnh phúc chung trong hòa bình, hữu nghị, còn trong lối sống mỗi người có lối sống mà mình cho là hợp với mình”. (GS. Phan Ngọc)./.

 

Thu Hiền (tổng hợp)

Theo http://www.bqllang.gov.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website