Người mang lại mùa Xuân cho đất nước

 

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) mùa Xuân năm 1969.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) mùa Xuân năm 1969.

Ngược dòng thời gian trở lại cách đây hơn 100 năm để gặp lại hình ảnh người thanh niên yêu nước Văn Ba - tức Nguyễn Tất Thành năm xưa. Năm 1911, trong bối cảnh nước mất nhà tan, Người quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Người đón mùa Xuân đầu tiên xa Tổ quốc vào năm 1912, trên đất nước Mỹ. Mùa Xuân năm ấy, Người “đi ở cho người ta ở Brooklyn với lương tháng khoảng 40 đô la...”, song vẫn dùng thời gian rảnh rỗi để học tập và đi xe điện ngầm tới thăm khu Háclem của người da đen ở New York. Hai năm sau, Người đón mùa Xuân ở Luân Đôn (Anh) và bốn năm sau đó, Người đón mùa Xuân tại Pa-ri, thủ đô hoa lệ của nước Pháp. Đến năm 1921, tròn 10 mùa Xuân, từ lúc Người rời Cảng Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc - con người mà như nhà thám tử Pháp Ác-nu đã tiên báo trước “gầy gò, mảnh khảnh nhưng sẽ đọc bản cáo chung cho chế độ thuộc địa Pháp và đẩy biên giới của Pháp quốc trở lại hình lục lăng...”. Những mùa Xuân ấy, Người luôn hướng về Tổ quốc cùng với biết bao dự định lớn lao “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”.

Từ lòng nhân nghĩa Việt Nam, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc vươn tới ánh sáng lương tri của thời đại - chủ nghĩa Mác - Lê-nin, “chủ nghĩa chắc chắn nhất, chân chính nhất, cách mệnh nhất”. Mùa Xuân đã nở hoa trong lòng một trí thức đau đáu nỗi lo đời, yêu nhân dân, gắn vận mệnh cá nhân với tiền đồ, tương lai của đất nước, cũng là lúc mùa Xuân cách mạng nở hoa, hé rạng buổi bình minh lịch sử trên dải đất hình chữ S yêu thương. Với niềm tin tưởng và tinh thần lạc quan cách mạng, Người có những mùa Xuân tươi đẹp nhất. Đó là mùa Xuân năm 1923, trên đất Pháp, khi Người viết truyền đơn cổ động mua báo Le Paria (Báo Người cùng khổ), mùa Xuân năm 1924 - Người đến Mat-xcơ-va, quê hương của Lê-nin cũng là quê hương của một mùa Xuân mới - nước Nga Xô viết. Mùa Xuân Ất Sửu 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tên mới là Vương, là Lý Thuỵ ở Quảng Châu (Trung Quốc), mở lớp huấn luyện chính trị “gieo mầm cách mạng cho Tổ quốc Việt Nam”.

Với một nhạy cảm chính trị vô song, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng bước chuẩn bị để đến mùa Xuân năm 1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam tạo sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng Việt Nam, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đối với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mùa Xuân năm 1930 là một mùa Xuân tươi đẹp, sung sướng nhất của Người vì “từ nay đã có Đảng lãnh đạo, cách mạng sẽ thành công”, mùa Xuân cho ra nhiều hoa thơm, quả ngọt. Hành trình đi tới tương lai của đất nước mở ra cánh cửa: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả chắt lọc, lắng đọng hồn thiêng sông núi “bốn ngàn năm ta lại là ta”. Từ đây, “hình của Đảng lồng trong hình của nước”, hành trình của Đảng cũng là hành trình chung của dân tộc. Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức nhân dân và cùng toàn dân không quản hy sinh, không nề gian khổ, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh, qua mọi thử thách hiểm nghèo, dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đến Xuân năm 1941, trong khí trời trong lành của một buổi sáng mùa Xuân, trong hương thơm của hoa rừng biên cương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/Nhớ thương hòn đất, ấm hơi Người/Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi” (Tố Hữu).

Tại Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng), tháng 5/1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Đây là một quyết sách đúng đắn và sáng tạo, một sự chuyển hướng chiến lược cách mạng kịp thời trong tư tưởng chính trị của Đảng ta trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối cách mạng Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự đồng lòng của nhân dân, cách mạng Việt Nam đã giành thắng lợi vang dội trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám đánh dấu một bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc với những mùa Xuân thắng lợi.

Mùa Xuân Giáp Ngọ 1954, cũng là mùa Xuân khởi đầu cho một trang sử vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam với mốc son chói lọi là chiến thắng Điện Biên Phủ. Xuân năm 1960, Xuân “mừng đất nước 15 Xuân xanh; mừng Đảng ta 30 tuổi”. Xuân cho ta niềm tự hào lớn lao về Đảng, như Bác Hồ đã nói tại Lễ kỷ niệm Đảng 30 tuổi: Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/Đảng ta là đạo đức là văn minh/Là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no. Và bắt đầu từ Xuân này, nhân dân ta thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược trên đất nước Việt Nam là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.

Xuân về - đón Tết, trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác không chỉ tôn trọng truyền thống mà còn sáng tạo nét mới, làm cho hương sắc ngày Xuân Việt Nam thêm tươi sáng và tràn đầy sinh lực hơn. Vào mùa Xuân 1960, Người trịnh trọng phát động phong trào toàn dân trồng cây gây rừng tạo nên ngày hội trồng cây mỗi khi Tết đến, Xuân về - một mỹ tục mới nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của nhân loại và góp phần làm cho đất nước bốn mùa là cả một mùa Xuân: Mùa Xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.

Không những thế, lãnh tụ Hồ Chí Minh còn làm thơ mừng Xuân để gửi tặng đồng bào, chiến sĩ. Từ Xuân năm 1942, Bác Hồ đã cho nhân dân, đồng bào những phút giây thiêng liêng đầy tình thân ái. Nhân Xuân mới, nhân Tết cổ truyền dân tộc, Bác Hồ gửi đến mỗi người, mỗi gia đình những vần thơ chúc Tết với những tư tưởng, tình cảm sâu sắc. Những nội dung tư tưởng lớn lao, mang tính thời sự cao trong thời khắc trọng đại, dễ dàng đến với trái tim của mỗi người dân, làm cho vị lãnh tụ càng trở nên gần gũi và những vần thơ trở thành những bức thông điệp mang tầm vóc của dân tộc với tính chất dự báo rất lớn. Suốt mấy chục năm liền, việc Bác đọc thơ mỗi dịp Xuân về đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục truyền thống của dân tộc, thiêng liêng như lời non nước. Đó là chưa kể những bài thơ Xuân Người viết cho bè bạn như: Thơ Tặng Bùi Công, Cảnh rừng Việt Bắc…, hay viết cho chính mình với một niềm lạc quan vô hạn: Sáu mươi tuổi vẫn còn Xuân chán/So với ông Bành vẫn thiếu niên.

Tết Mậu Thân năm 1968 - mùa Xuân của Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân miền Nam, tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chế độ ngụy quyền, buộc địch phải thực hiện chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường. Đây là bước tập dượt quan trọng cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Vì thế, đất nước đón Xuân 1968 với khí thế: Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên!/Toàn thắng ắt về ta.

Và mùa Xuân năm 1975, như một điểm hẹn lịch sử, khởi đầu của một năm mới nhưng là sự kết thúc vẻ vang ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là mùa Xuân của niềm tin tất thắng, sự kết tinh của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong niềm vui của mùa Xuân đại thắng, ta lại bồi hồi xúc động nhớ đến Bác Hồ, nhớ đến lời chúc Tết cuối cùng của Người ở Xuân năm 1969:“Năm qua, thắng lợi vẻ vang/Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to!/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.

Trong giai đoạn cách mạng mới, cả nước hân hoan chào đón Xuân 2017. Đón Xuân mới cùng với kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi người dân đất Việt lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu, Người đã mang lại mùa Xuân cho đất nước. Dân tộc Việt Nam mãi mãi không quên những mùa Xuân theo Bác, theo Đảng lập chiến công tạo nên những bản hùng ca trong lịch sử dân tộc. “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn” (Tố Hữu). 

Bảo Khánh

Theo Báo Cao Bằng


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website