Hành trình theo dấu chân Bác (Kỳ 2)

 

58 năm ấy…

Khó khăn nhất trong loạt bài viết là việc tìm những nhân chứng được gặp Bác trong lần Người về thăm công trường khôi phục cầu Việt Trì ngày 12/2/1956 và công trường Khu công nghiệp Thụy Vân vào ngày 13/4/1959. Dẫu biết rằng, thời gian tuy không thể xóa nhòa nhưng cũng đã phủ lên một bức màn mờ ảo trên những mảnh đất in dấu chân Người, những nhân chứng lịch sử được gặp trực tiếp Bác hầu hết cũng đã theo Bác đi về với thế giới người hiền. Sau nhiều ngày liên hệ, tìm kiếm mà chỉ nhận được cái lắc đầu, trong lòng chúng tôi bỗng trộn rộn xót xa: Cứ đà này chỉ vài năm nữa sẽ chẳng còn một ai.

Những lúc rảnh rỗi, ông Trần Y thường kể lại kỷ niệm được găp Bác cho các cháu nghe
Những lúc rảnh rỗi, ông Trần Y thường kể lại kỷ niệm được găp Bác cho các cháu nghe

Mang nỗi niềm thổ lộ cùng cô bạn đồng nghiệp, cô bạn bảo biết một nhân chứng lịch sử được gặp Bác 4 lần hiện rất khỏe mạnh. Hy vọng lóe sáng, xin địa chỉ, chúng tôi vội tìm gặp ông Trần Y trong căn nhà ấm cúng tại phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì. Cơn gió lạnh đầu mùa dường như tan biến theo dòng chảy kỷ niệm của người lão thành cách mạng trong những lần gặp Bác. “Gần gũi, sâu sắc, giàu tình yêu thương với dân nhưng lại cực kỳ giản dị, gương mẫu và kiên quyết…” - ông Trần Y chia sẻ cảm nhận về Bác với chúng tôi bằng một giọng nhẹ nhàng và đầy sự kính trọng. Không riêng gì ông, tất cả những người may mắn được gặp Bác mà chúng tôi có dịp tìm đến cũng đều chung một cảm nhận ấy. Những lời kể của họ chính là những nét vẽ sinh động góp vào bức họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Ông Trần Y nhớ lại: Ngày 13/4/1959, tôi vinh dự là một trong những cán bộ Nhà máy Xay thuộc Công ty Xây dựng Việt Trì được thông báo tập trung tại khu vực công trường để gặp lãnh đạo Trung ương về thăm. Chúng tôi cũng không biết là Bác nên gần như công nhân vẫn làm việc như thường lệ. Đang chờ đợi, tôi bỗng thấy một đoàn người đi tới và đồng loạt vang lên tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Lúc này hàng vạn công nhân nhảy lên vui mừng khôn xiết. Tôi may mắn được đứng ở hàng thứ 3 nên nhìn Bác rõ lắm. Bác về với dân như một người cha kính mến đi lâu ngày hôm nay mới trở về với các con thân yêu vậy. Khi Bác cất tiếng, hàng ngàn công nhân bỗng im phăng phắc như muốn nuốt trọn từng lời, từng lời Người căn dặn: “Làm việc phát huy sáng kiến nhé, phải làm sao một người phải làm bằng hai, bằng ba nhé. Các cô chú có đồng ý không?”. Công nhân chúng tôi hô vang “Có ạ”. Rồi Bác hỏi thăm sức khỏe, đời sống của công nhân và căn dặn chúng tôi phải không ngừng học tập để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phục vụ cách mạng và đất nước. Bác gặp và nói chuyện với cán bộ, công nhân chỉ khoảng 15 - 20 phút mà chan chứa tình dân - nghĩa Đảng. Thấm thía lắm các cháu ạ. Những lời căn dặn, những bài học giản dị của Bác đã trở thành hành trang theo suốt cuộc đời của lớp cán bộ, công nhân Công ty Xây dựng Việt Trì chúng tôi không quản gian khổ, hy sinh, vững chí, kiên tâm đi theo con đường Bác chọn.

Ông chia sẻ: Khi Người về thăm, thành phố vẫn còn hoang vu lắm. Giờ Việt Trì được xây dựng đoàng hoàng, to đẹp quá. Nói rồi, ông khoát tay về phía Công viên Văn Lang, ánh mắt không khỏi tự hào vì sự thay đổi nhanh chóng của thành phố ngã ba sông này. Trước đây, Việt Trì được biết đến là một trong những thành phố công nghiệp đầu tiên của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, thì bây giờ Việt Trì tự hào là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc. Tôi không nghĩ rằng, cuộc đời tôi được hưởng thụ không gian văn hóa tuyệt vời như này đâu mà phải đợi đến đời con, cháu của tôi cơ. Ông bảo: Chúng tôi rất phấn khởi trước sự đổi thay vượt bậc này, một thành phố năng động, hiện đại, một thành phố du lịch xanh - sạch - đẹp và văn minh đang dần hiện hữu. Có được điều đó là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của thành phố và đặc biệt là sự đồng thuận rất lớn của người dân.

“Với những ai đã sinh ra, lớn lên và gắn bó một đời với thành phố ngã ba sông hẳn sẽ cảm nhận hết được sự đổi thay rõ nét của mảnh đất này. Hàng loạt các công trình trọng điểm đã được đầu tư, xây dựng trong những năm gần đây. Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Trung tâm thương mại Vincom, BigC, đường Nguyễn Tất Thành, đường Hai Bà Trưng, đường Hòa Phong kéo dài… là những điểm nhấn quan trọng trong tiến trình xây dựng đô thị của Việt Trì” - ông Trần Y chia sẻ.

Sau 58 năm kể từ ngày Bác về thăm, những khu công nghiệp của tỉnh ngày càng hiện đại với nhiều dự án đầu tư có dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến, sản phẩm làm ra không những đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. “Hiện nay, Phú Thọ đã có 7 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với diện tích hơn 2000ha và 22 cụm công nghiệp với diện tích trên 1000ha, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 117 dự án đầu tư vào sản xuất kinh doanh và đầu tư hạ tầng, vốn đăng ký trên 300 triệu USD và trên 8000 tỷ đồng, trong đó có 56 dự án FDI. Các dự án đã đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất kinh doanh” – ông Nguyễn Đức Thiện – Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp cho chúng tôi biết.

58 năm qua, đúng như lời dặn của Bác ngày nào, Việt Trì đã có những khu công nghiệp lớn, sẵn sàng tiến bước vào tương lai với niềm tin vững chắc vào thời kỳ phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi mới.

Về miền ký ức lịch sử

Chúng tôi về thị xã Phú Thọ - nơi mà những ký ức lịch sử thiêng liêng của 54 năm trước, ngày 19/8/1962, người dân thị xã Phú Thọ nói riêng và người dân tỉnh Phú Thọ nói chung tự hào được đón Bác về thăm. Những nhân chứng lịch sử của hơn nửa thế kỷ trước giờ đây đều đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng không khí và niềm xúc động khi được gặp Bác Hồ trong họ vẫn vẹn nguyên.

Nhớ lại khoảnh khắc ấy, bà Phạm Thị Nhiễu, 65 tuổi ở phố Cao Du, phường Âu Cơ - người vinh dự được dâng hoa tặng Bác vào đúng ngày 19/8/1962 nghẹn ngào: “Tôi không bao giờ quên hình ảnh của Bác, đôi mắt hiền từ, cử chỉ thân thương Bác dành cho tôi”.

Bà nhớ rõ: Buổi sáng mùa thu năm ấy, khu quảng trường sân vận động thị xã Phú Thọ, hàng vạn người nô nức từ khắp nơi đổ về từ khi mặt trời chưa ló rạng. Cả sân vận động chật kín người. Tất cả đều chung niềm háo hức mong mỏi được gặp, được nhìn thấy Bác thật rõ, được nghe giọng  nói của Bác. “Bác xuất hiện trên lễ đài với bộ quần áo lụa màu gụ, giản dị và gần gũi. Bác vừa đi vừa tươi cười vẫy chào. “Giây phút ấy tôi và nhiều người bên cạnh đã trào nước mắt. Khi tôi tặng Người bó hoa sen hồng, Người cười thật tươi và dành tặng chúng tôi những nụ hôn trìu mến. Đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ mình trong một giấc mơ khi Bác hiện hữu ở gần quá, thân thiết quá. Tặng hoa xong, chúng tôi đứng trên khán đài nghe Bác nói chuyện với đồng bào, nhân dân, động viên tăng gia sản xuất, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Thọ ngày một giàu mạnh. Kết thúc bài nói chuyện, Bác đến bên xoa đầu, hỏi chuyện học tập, Bác dặn: “Các cháu cố gắng siêng học, chăm làm, xứng đáng với cha ông, xứng đáng là con cháu Vua Hùng để được nhận nhiều phần thưởng của Bác nhé”. Bác đi rồi mà tôi vẫn còn cảm giác hơi ấm bàn tay, ánh mắt hiền dịu của Bác vẫn còn nguyên trên mái tóc, trên má và trong ánh mắt của mình”.

55 năm đã trôi qua, kỷ niệm về những giây phút được gặp Bác không thể nào quên cùng lời căn dặn được bà Nhiễu khắc cốt, ghi tâm. Bà chia sẻ: “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tôi càng thấm thía về nhân cách của một con người Việt Nam vĩ đại nhất, toát lên ở từng câu chuyện đời thường ngắn gọn, từ những ứng xử, từ y phục dáng đi, ánh mắt, nụ cười, giọng nói xiết bao thâm thúy mà nhân hậu. Những kỷ niệm ấy đã đi theo tôi suốt cuộc đời”.

Bà đã chọn cho mình nghiệp trồng người và tự nhủ phải cố gắng hết sức theo đuổi một chữ “tâm” dành cho học sinh, là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Trong mỗi bài giảng, mỗi câu văn dạy học trò của mình bà luôn giáo dục các em về truyền thống của đất nước, về tấm gương cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc chuyển sang làm công tác quản lý và đến giờ khi đã về hưu, bà cũng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, gương mẫu trong cuộc sống, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Thị xã Phú Thọ đã và đang tiếp tục thực hiện ý nguyện
Thị xã Phú Thọ đã và đang tiếp tục thực hiện ý nguyện 

và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quy hoạch, xây dựng một thị xã xứng tầm

 

55 năm qua, trên mảnh đất thị xã đã diễn ra biết bao sự kiện lịch sử, bao biến cố thăng trầm… nhưng ý nguyện và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quy hoạch, xây dựng một thị xã xứng tầm đã, đang và tiếp tục được thực hiện. Những thay đổi tích cực và rõ nét nhất diễn ra trong khoảng 10 năm trở lại đây khi thị xã Phú Thọ đặt mục tiêu trở thành đô thị loại II. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, thị xã đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Công tác xây dựng và chỉnh trang đô thị có chuyển biến rõ rệt, kiến trúc và cảnh quan đô thị đã được quan tâm đầu tư phát triển.

Con đường xây dựng thị xã sớm trở thành thành phố phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh dù còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân thị xã Phú Thọ luôn tự hào với truyền thống và những thành tích đã có, thấy rõ vinh dự, trách nhiệm xây dựng và phát triển thị xã vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, xứng đáng với đô thị có lịch sử lâu đời nhất trên quê hương đất Tổ./.

Hương Giang - Khánh Trang

Theo Báo Phú Thọ


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website