Hành trình theo dấu chân Bác kỳ 3

 

“Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác/Lên những tầng cao, thẳng cánh bay”

Khi thực hiện kỳ cuối của ký sự “Hành trình theo dấu chân Bác”, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hữu Điền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, người đã chứng kiến quá trình xây dựng và phát triển Phú Thọ từ những ngày đầu tái lập, đặc biệt là những năm toàn tỉnh vận dụng lời dạy của Bác Hồ trong thực hiện đường lối đổi mới. Trong suốt cuộc trò chuyện, người cán bộ lão thành cách mạng luôn nhắc lại: “Đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ, Bác luôn là Người được kính yêu nhất, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, đưa người Đất Tổ cùng cả nước vượt qua muôn vàn gian khó, để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay”.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Điền
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Điền

Ông chậm rãi kể: Bác Hồ về thăm Phú Thọ 9 lần, với tôi có 3 lần quan trọng nhất. Lần thứ nhất là ngày 18, 19/8/1954, Bác từ “Thủ đô gió ngàn” (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về Phú Thọ, thắp hương viếng các Vua Hùng và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong, giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô. Tại đây Người đã nói câu nói bất hủ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lần thứ hai,nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 18 và 19/8/1962, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Tại sân vận động thị xã Phú Thọ, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua trong toàn tỉnh. Người căn dặn: “Bác tin rằng Đảng bộ Phú Thọ sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân tỉnh ta thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Đảng đã giao phó, trở nên tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”. Và lần thứ ba vào ngày 13/4/1959, Bác Hồ về thăm công trường xây dựng Khu Công nghiệp Việt Trì. Người nói một câu rất sâu sắc: “Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả nước… Bác mong các cô, các chú cùng thi đua xây dựng sao cho các nhà máy được ra đời để hoạt động càng sớm càng tốt, để ta có được những sản phẩm tự lực cánh sinh mà xưa nay vẫn phải mua của nước ngoài”…

Khắc ghi lời Bác, quân và dân Phú Thọ nói chung, giai cấp công nhân Việt Trì nói riêng đã hăng hái thi đua lao động sản xuất với nhiều phong trào thiết thực cụ thể, đã sớm hoàn thành xây dựng Nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao và Khu công nghiệp Việt Trì - đứa con đầu lòng của miền Bắc XHCN.

Khi giặc Mỹ “leo thang” đánh phá, Việt Trì là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân Mỹ, những người công nhân vẫn “tay búa, tay súng”, quyết tâm bám máy vừa sản xuất vừa đánh giặc. Có những người đã hy sinh ngay trên dàn máy trong ca đang sản xuất như Liệt sỹ Nguyễn Thị Thông với khẩu hiệu “Quyết hy sinh cho dòng điện không bao giờ ngừng”. Hay tấm gương hy sinh của các cô gái thanh niên xung phong (TNXP) canh giữ cầu phao Việt Trì. Lúc bấy giờ giặc Mỹ đánh sập cầu Việt Trì, ta phải bắc cầu phao qua sông Lô. Do điều kiện khó khăn, cầu phao lúc ấy thô sơ, các tấm phao được làm bằng các khoang sắt mỏng manh, lắp ghép với các thuyền và tấm gỗ thủ công. Hằng ngày, các cô gái TNXP phải trực 24/24 giờ tát nước để cầu không bị chìm, nhất là mỗi lần xe đi qua phải nhanh chóng dùng sức tát nước để thông tuyến cho xe khác đi qua.

Tôi còn nhớ, vào một buổi chiều tháng 11/1966, máy bay Mỹ ném bom đánh nhà máy bông nhân tạo Bạch Hạc và đánh cả vào nhà dân, gây thiệt hại rất lớn. Tối đó, đồng chí Trần Lưu Vỵ (Bí thư Tỉnh ủy khi đó) sang thị sát, thăm đồng bào và chỉ đạo giải quyết hậu quả. Khi ấy, đại đội phó dân quân tự vệ có nhiệm vụ đưa Bí thư đi thị sát. Lúc qua cầu, các cô gái TNXP chào và nói chuyện vui vẻ với đoàn. Khi chúng tôi vừa sang bên kia sông thì máy bay Mỹ quay lại đánh chìm phao và các cô gái TNXP kíp trực đã hy sinh. Điều đáng khâm phục là dù đau thương như vậy, nhưng khi đoàn thị sát bên Bạch Hạc về thì những chiếc phao khác lại được dựng lên bởi bàn tay của các cô gái TNXP khác để nối lại cây cầu. Có thể nói, đây là những tấm gương hy sinh rất anh dũng để thực hiện lời dạy của Bác. Đây cũng chính là tình cảm rất sâu sắc của Nhân dân Phú Thọ với Bác.

Đó là trong thời chiến, còn trong thời bình, tư tưởng vĩ đại, bản Di chúc bất hủ, đạo đức trong sáng và đặc biệt là những lời dặn dò tâm huyết của Người trong mỗi chuyến Bác về thăm tỉnh ta vẫn luôn vang vọng, thấm sâu trong lòng mỗi người dân, trở thành hành trang, động lực và sức mạnh to lớn để Đảng bộ và nhân dân Đất Tổ nỗ lực làm theo. Những lời căn dặn, nhắc nhở của vị cha già dân tộc vẫn còn nguyên giá trị và đã được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động thiết thực để toàn Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh chung sức phấn đấu, không ngừng xây dựng Phú Thọ thành tỉnh giàu mạnh.

Trong hành trình hơn 30 năm vận dụng sáng tạo lời dạy của Người vào hoàn cảnh của địa phương và hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đặc biệt từ năm 1997 khi Phú Thọ tái lập, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và có những bước tiến quan trọng trên con đường xây dựng, phát triển. Tỉnh ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Lời căn dặn của Bác năm xưa tại sân vận động thị xã Phú Thọ trước ba vạn cán bộ, đảng viên và nhân dân còn nguyên vẹn tính thời sự: “Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy, mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu. Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no cho nhân dân. Để lãnh đạo tốt các cấp phải thật đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” và phê bình, tự phê bình để không ngừng tiến bộ”. Trong những năm qua, chuyển biến rõ nét nhất trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở tỉnh ta đó là ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức; tác phong làm việc của cán bộ sâu sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; đảng viên đã mạnh dạn thể hiện chính kiến; tình trạng thờ ơ, xuôi chiều, thiếu trách nhiệm từng bước được khắc phục. Qua đó, niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, chính quyền đã tăng lên rõ rệt và đã góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Và đây cũng là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá giúp cho Đảng bộ tìm ra những giải pháp quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế­ - xã hội. Kinh tế tăng trưởng, bộ mặt từ thành thị tới nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Trong suốt những năm qua thực hiện lời dạy của Bác khi về thăm Phú Thọ, từ một tỉnh trung du miền núi, với nền sản xuất tự cấp tự túc, trình độ canh tác lạc hậu, công nghiệp chậm phát triển, đến nay Phú Thọ đã trở thành một trong những tỉnh phá triển khá của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Chia tay với nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Điền, chúng tôi luôn văng vẳng bên tai lời tâm sự của ông: “Tư tưởng Hồ Chí Minh, những lời dạy sâu sắc của người đã dẫn dắt cho dân tộc Việt Nam và những người con Đất Tổ giành thắng lợi to lớn trong những năm tháng đã qua, cũng mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho những con Lạc cháu Hồng trên quê hương Đất Tổ vươn lên tầm cao mới”.

Lời kết

Hành trình theo chân Bác trên mảnh đất Phú Thọ, được gặp gỡ những người cao tuổi như cụ Lựu, cụ Bình, cụ Vạn và rất nhiều nhân chứng cao tuổi khác thực sự đã đem lại nhiều cảm xúc ý nghĩa đối với chúng tôi. Dù thời điểm nào, chúng tôi tin rằng trong lòng người Đất Tổ vẫn luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ làm điểm tựa tinh thần. Và xin kết lại bài viết bằng lời thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác/Lên những tầng cao thẳng cánh bay”.

Hương Giang – Khánh Trang

Theo Báo Phú Thọ


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website