Người lính Cụ Hồ tiên phong trên "mặt trận" kinh tế

Mô hình trồng cây Ba kích tím dưới tán rừng của cựu chiến binh Phạm Văn Sơn.

 Mô hình trồng cây Ba kích tím dưới tán rừng của cựu chiến binh Phạm Văn Sơn.

Năm 1986, khi đang ở tuổi mười chín, đôi mươi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Phạm Văn Sơn tạm biệt người thân, lên đường nhập ngũ. Ông tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 168, Sư đoàn 3 (Hữu Lũng, Lạng Sơn). Đến năm 1989, ông Sơn phục viên, trở về chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, CCB Phạm Văn Sơn lại gương mẫu đi đầu trên “mặt trận” kinh tế, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Với suy nghĩ, nếu chỉ trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ vài con lợn, con gà thì kinh tế gia đình không thể khấm khá lên được, ông Sơn tích cực khai hoang, trồng được 1,2 ha chè Shan tuyết và đồi keo gần 5 ha, mở rộng chăn nuôi lợn thương phẩm lên 20 – 30 con/lứa (mỗi năm nuôi từ 2 – 3 lứa lợn). Thu nhập của gia đình ngày càng ổn định. Năm 2014, sau khi thu hoạch đồi keo, ông Sơn chuyển hướng sang trồng cây sơn lấy nhựa. Sau từ 2 – 2,5 năm, cây sơn có thể cho khai thác nhựa. Ông cũng thuê thêm 2 lao động địa phương, với mức thu nhập 5 – 6 triệu/tháng, phụ giúp ông công việc thu hái chè, thu nhựa sơn hàng ngày. Mỗi ngày, khai thác nhựa sơn từ 2 – 6 giờ sáng, gia đình ông thu được khoảng 12 kg nhựa sơn, mỗi kg nhựa có giá bán từ 200 – 250.000 đồng/kg. Hơn nữa, việc bảo quản nhựa sơn cũng hết sức đơn giản, chỉ cần đậy kín nắp thùng sơn, không để nước mưa rơi vào thùng. Nhờ đó, mỗi năm thu nhập của gia đình được từ  500 – 600 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, sau chuyến đi thăm bạn bè tại Vĩnh Phúc cuối năm 2018, ông Sơn quyết định vay thêm 200 triệu đồng từ Quỹ tín dụng Vị Xuyên, mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để phát triển mô hình trồng cây dược liệu Ba kích tím dưới cây sơn. Ban đầu, ông mua 20.000 gốc cây Ba kích tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh về trồng, sau hơn 1 năm, ông chọn ra những nhánh to khỏe để giâm hom nhân giống ra 80.000 gốc. Ông Sơn cho biết: So với những nông sản truyền thống, cây Ba kích là cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Cây ưa mát, phát triển tốt dưới tán rừng, phải làm giàn và trồng ở nơi cao ráo, không ngập úng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Để đảm bảo an toàn, gia đình tôi sử dụng hoàn toàn các loại thuốc, chế phẩm sinh học để phòng, trị sâu bệnh hại cho cây. Dự kiến đến cuối năm 2021, cây Ba kích có thể cho thu hoạch dần, mỗi gốc cho từ 3 – 4 kg củ, càng để lâu năm sản lượng càng cao chất lượng dược liệu càng tốt.

Đầu năm 2020, ông Sơn đầu tư vốn, xây dựng thêm chuồng trại, phát triển mô hình nuôi dế, tắc kè. Ông mua 50 khay dế giống từ một cơ sở uy tín tại Hà Nội, mỗi khay có giá 300.000 đồng. Sau khoảng 45 – 50 ngày chăn nuôi, mỗi khay dế giống có thể cho thu 10 kg dế thương phẩm, giá thành từ 120 – 150.000 đồng/kg. Cùng với đó, ông đầu tư 400 triệu đồng, mua 1.000 con tắc kè bố mẹ về nuôi sinh sản. Ông Sơn chia sẻ thêm: Nguồn thức ăn của tắc kè chủ yếu là dế, châu chấu các loại nên có thể tận dụng luôn nguồn dế loại của gia đình để làm thức ăn cho tắc kè. Tắc kè thương phẩm xuất bán với giá từ 250.000 - 350.000 đồng/con, khách hàng mua chủ yếu về gây nuôi sinh sản hoặc làm dược liệu. Đây là mô hình mới nhưng có tiềm năng để phát triển tại địa phương, tôi hy vọng sẽ mở rộng hơn nữa mô hình này trong tương lai không xa.

Không chỉ lao động sản xuất giỏi, CCB Phạm Văn Sơn còn luôn gương mẫu, tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi đầu trong các phong trào của địa phương; đây là tấm gương sáng trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại địa phương.

 

Bài, ảnh: YẾN VŨ

Theo http://www.baohagiang.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website