Khu tái định cư bản Nà Ón, xã Trung Lý (Mường Lát) mới được đầu tư xây dựng góp phần ổn định đời sống đồng bào nơi đây.
Suốt 75 năm qua, những dòng thư mộc mạc, ân tình mà Bác Hồ kính yêu dành cho đồng bào Thượng du Thanh Hóa mãi còn nồng ấm, vang vọng. Từ bấy đến nay, đáp lại lòng mong mỏi của Người, đồng bào Thượng du đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn, ra sức thi đua, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
Thượng du (theo từ điển Tiếng Việt) có nghĩa là miền rừng núi ở vùng thượng lưu các con sông. Vùng Thượng du Thanh Hóa suy rộng ra bao gồm 11 huyện miền núi, là nơi cư trú và sinh sống của 7 dân tộc chủ yếu: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Đây cũng là địa bàn đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Song, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, cả tỉnh nên những năm qua, vùng dân tộc miền núi Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc đáng mừng.
Nằm ở vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn phía Tây Bắc của tỉnh, huyện Mường Lát đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc như: Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2025; chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ kịp thời cho các tập thể và cá nhân tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc; “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông”; Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông, huyện Mường Lát”... Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện lập và trình phê duyệt các quy hoạch như: Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mường Lát đến năm 2045... Cùng với sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của huyện cơ bản ổn định. Có 18/21 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND huyện quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch, tạo đà cho huyện ngày càng phát triển.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song năm 2021 huyện Cẩm Thủy đã kịp thời tham mưu ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về chính sách dân tộc. Huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ đời sống, dân sinh. Hoàn thành Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cẩm Thủy đến năm 2045 trình UBND tỉnh phê duyệt. Tham mưu xây dựng nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị thị trấn Phong Sơn giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2021, huyện đã hoàn thành công tác rà soát, xác định xã, thôn vùng dân tộc thiểu số miền núi, xã thuộc khu vực I, II, III và thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Thường xuyên kiểm tra các mặt sản xuất, đời sống ở cơ sở và tình hình vùng dân tộc thiểu số. Với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện năm 2021 đã có chuyển biến đáng kể. Có 24/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 13,33%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,8 triệu đồng...
Không riêng Mường Lát hay Cẩm Thủy, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhanh và bền vững đã được Trung ương, tỉnh Thanh Hóa ban hành cho khu vực miền núi, nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế; bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững; chính sách đối với khuyến nông viên thôn, bản; phát triển hệ thống hạ tầng thông tin, truyền thông; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội...
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các ban, sở, ngành tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các huyện miền núi xây dựng các chương trình, dự án, đề án trên địa bàn để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên các vấn đề trọng yếu như: Hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến khích, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt... Đồng thời, phân công các sở, ban, ngành, đơn vị đỡ đầu, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi.
Hiệu quả mà các chương trình, dự án, chính sách đầu tư của Trung ương và tỉnh đem lại được ví như “hoa thơm, quả ngọt” đã tác động không nhỏ tới đời sống, kinh tế - xã hội và làm thay đổi tư duy, nhận thức của đại đa số đồng bào. Nhờ đó, diện mạo vùng dân tộc miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã có những chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu không ngừng được tăng cường, đời sống, sản xuất của đồng bào được ổn định, giảm nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đảm bảo quốc phòng - an ninh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi dậy tiềm năng lợi thế, tạo điều kiện để các huyện miền núi có cơ hội ngày càng phát triển. Kết quả nổi bật là giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn các huyện miền núi đạt 8,8%, tăng 0,3% so với giai đoạn 2011-2015. Quy mô kinh tế của các huyện miền núi năm 2020 đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% quy mô GRDP của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn các huyện miền núi giai đoạn 2016-2020 đạt 58.000 tỷ đồng, bình quân 11.580 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 12,3% tổng huy động vốn đầu tư toàn tỉnh trong cùng giai đoạn. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản giảm; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng (năm 2016) lên 33,1 triệu đồng (năm 2020)...
Không chỉ bằng quyết sách, trách nhiệm mà với tình cảm, tính nhân văn, những khi gặp khó khăn, hoạn nạn bởi thiên tai, dịch bệnh, mất mùa..., đồng bào miền núi luôn nhận được sự đùm bọc sẻ chia của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, cả nước. Những con đường giao thông mới được nâng cấp, những công trình nước sạch, những khu tái định cư, những ngôi nhà Đại đoàn kết... đang hiện hữu từng ngày.
Một mùa xuân mới mang theo bao ước vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa, với sự chung sức đồng lòng cùng các dân tộc trong tỉnh, đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh ta đang phấn đấu đổi mới mạnh mẽ tư duy, nếp nghĩ, cách làm, chủ động, sáng tạo, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đó cũng chính là việc làm thiết thực, ý nghĩa mà đồng bào Thượng du ra sức làm, hằng đáp lại lòng mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.
Ngọc Anh
Theo https://baothanhhoa.vn