Luôn có Bác trong tim

Ông Lê Đức Nghi (TP Thanh Hóa) – nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Thanh Hóa (nay là Thành ủy TP Thanh Hóa) – một trong những người may mắn được nghe Bác Hồ nói chuyện trong lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa (20-2-1947).

Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, ông Nghi lúc bấy giờ mới là cậu thanh niên 18 tuổi, dạy chữ cho người dân ở nhà Tế Bần theo phong trào bình dân học vụ. Chiều muộn ngày 20–2–1947, khi vừa kết thúc buổi dạy trên lớp, ông Nghi hay tin có đại biểu Chính phủ vào làm việc, nói chuyện với dân nên vội đến nghe. Nhà Bác Cổ (nay là Công ty CP Phát hành sách Thanh Hóa) đã đông kín người, ông Nghi tìm cho mình một chỗ đứng và chăm chú quan sát.

Ông Nghi vẫn còn nhớ rất rõ khung cảnh hôm ấy, khi những cây đèn măng-sông được thắp sáng lên, người giới thiệu vừa dứt lời thì Bác Hồ xuất hiện. Người mặc áo ba–đờ-xuy, đưa tay vẫy chào trong tiếng hô vang của mọi người. Những tràng pháo tay giòn giã vang lên thể hiện tấm lòng yêu mến, kính trọng mà Nhân dân tỉnh Thanh Hóa dành cho Bác. Ông Nghi trầm tĩnh nói: “Cụ Hồ đến với tỉnh Thanh Hóa không phải để đọc diễn văn, để nói lời hoa mỹ mà để trao đổi tâm tình”.

Bác nói nhiều điều, theo thời gian và giới hạn tuổi tác, ông Nghi không thể nhớ hết. Tuy nhiên, có những điều, những câu mà Bác nói, cho đến tận hôm nay và cả mai sau nữa, ông Nghi vẫn ghi lòng tạc dạ. Ông Nghi kể lại: Trước hết, Cụ Hồ nói: Đây là lần đầu tiên tôi đến Thanh Hóa, tôi thấy đồng bào đến đông đủ thế này thì lấy làm sung sướng lắm.

Trong suốt buổi nói chuyện, Cụ Hồ hỏi nhiều điều. Cụ Hồ hỏi, đại ý:

- Sau bao nhiêu năm làm nô lệ cho thực dân, bây giờ có ai muốn trở lại làm nô lệ không?

- Không, tiếng hô đồng thanh vang lên.

Cụ lại hỏi tiếp: - Đồng bào có muốn tăng gia sản xuất không?

- Có! Quyết tâm! Tiếng hô một lần nữa vang lên mạnh mẽ, rõ ràng.

- Các bạn có muốn giúp đồng bào tản cư không? Có! Quyết tâm!

- Đồng bào có nhất tâm quyết chiến không? - Có! Quyết tâm!...

***

Bác Hồ đến cũng như lúc Bác Hồ rời đi, mọi việc đều chu toàn, kín đáo. Mọi người ở nhà Bác Cổ cũng tự giải tán trong những tiếng trầm trồ ngưỡng mộ và cảm xúc lâng lâng khó tả. “Chẳng ai bảo ai nhưng chúng tôi đều mang trong lòng một ý niệm rằng: Kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ trường kỳ gian khổ. Nhưng chúng tôi cũng có niềm tin sâu sắc vào Đảng, vào Cụ Hồ, tin rằng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Cụ Hồ thì kháng chiến nhất định thắng lợi” – ông Nghi tâm sự.

Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa gói gọn trong 1 ngày nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Lúc bấy giờ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, những khả năng đàm phán hòa bình bị thực dân Pháp xóa bỏ, chúng cố tình xâm chiếm nước ta một lần nữa. Theo Hiệp định sơ bộ ngày 6–3–1946, Thanh Hóa đang là vùng tự do. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã triệt để thực hiện, khẩn trương chuyển mọi hoạt động, công tác sang thời chiến. Lãnh đạo các cấp ủy và chính quyền tỉnh, huyện đã xác định một số địa điểm xây dựng an toàn khu làm nơi đứng chân chỉ đạo kháng chiến khi chiến sự lan tới.

Là tỉnh địa đầu của Trung bộ thuộc Liên khu IV, tiếp giáp với vùng tạm chiến của địch ở Liên khu III, là địa phương đất rộng, người đông, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có địa hình đa dạng, miền núi, trung du, đồng bằng, biển và thềm lục địa... Do đó, Thanh Hóa có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có nhiều điều kiện liên hệ, tiếp xúc với các tỉnh phía Bắc với các tỉnh từ Nghệ An trở vào Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa trở thành cầu nối giữa Liên khu IV với Liên khu III, Liên khu Việt Bắc, kể cả Tây Bắc. Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, thế trận chiến tranh Nhân dân ở Thanh Hóa đã được hình thành nhanh chóng. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân các dân tộc Thanh Hóa trở thành một người lính, sẵn sàng chiến đấu.

Ký ức gặp gỡ, được nghe Bác Hồ nói chuyện tuy ngắn ngủi nhưng mãi là kỷ niệm đẹp, thiêng liêng trong trái tim ông Nghi và nhiều người dân TP Thanh Hóa lúc bấy giờ. Đây cũng là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để ông không ngừng nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, phát triển bản thân, từng bước gặt hái được thành tích đáng tự hào. Ông Nghi đã có 10 năm làm công tác bình dân học vụ, học đại học, sau đó được điều động làm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Tổng đội TNXP 572 ở Lào và phụ trách công tác tuyên giáo của tổng đội, mở con đường 217B từ Thanh Hóa sang Hủa Phăn (Lào) góp phần giúp nước bạn Lào chuyển từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ cộng hòa (1972–1975); công tác tại Ban Tuyên giáo Thị ủy (1976); Ủy viên Thường vụ - Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Thanh Hóa các khóa X, XI, XII (1977–1987)...

Nhìn lại hành trình đã qua, ông Nghi không nói nhiều về những thành tích cá nhân, không tổng đếm giấy khen, bằng khen qua con số. Với ông, việc được phụng sự, đóng góp sức mình cho cuộc sống Nhân dân tốt đẹp hơn, cho sự phát triển của quê hương, đất nước mới là điều cốt lõi, chứa đựng giá trị bền vững. Xuất phát từ nhận thức đó, ông Nghi tiếp tục cống hiến trí lực của mình cho công việc sưu tầm, biên soạn tư liệu, sách. Như một con ong chăm chỉ, cần mẫn, tận tụy, mặc cho thời gian như bóng câu ngoài cửa sổ, ông Nghi vẫn miệt mài với từng tư liệu, sự kiện. Từ đó đến nay, ông đã biên soạn 3 cuốn sách: TP Thanh Hóa từ 1804 đến 1947, TP Thanh Hóa 1947-1994, Lịch sử Đảng bộ TP Thanh Hóa từ 1945 đến 2010 và cuốn sách “Đi tìm huyền sử Việt Nam trên đất Thanh Hóa” phối hợp cùng nhà nghiên cứu Phan Bảo. Ông Nghi nói: Suốt 22 năm công tác trong ngành tuyên giáo, tôi có nhiều điều kiện, cơ hội tìm kiếm, tiếp cận nguồn tư liệu khác nhau. Và cũng chính vì vậy, tôi luôn tâm niệm trong lòng phải có trách nhiệm hệ thống lại những tư liệu ấy một cách khoa học, chính xác nhất. Đó là “tài sản” vô giá mà chúng ta để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - cách mạng – văn hóa của đất và người xứ Thanh qua các thời kỳ”.

93 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, ông Nghi hiện là đảng viên cao tuổi nhất của chi bộ tổ dân phố Tô Vĩnh Diện, TP Thanh Hóa. Tuổi cao, sức khỏe cũng phần nhiều giảm sút nhưng ông Nghi vẫn tích cực sinh hoạt Đảng, luôn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và như mạch nguồn chảy mãi, gia đình ông Nghi có 6 người con trai thì có 5 người là đảng viên, hiện đang công tác ở nhiều ngành, nghề, địa phương khác nhau.

Ông Nghi chia sẻ: Lần đầu tiên Cụ Hồ về thăm Thanh Hóa, Cụ nói nhiều điều về vai trò, trách nhiệm, đạo đức người cán bộ, về kháng chiến, tăng gia sản xuất, giúp đỡ đồng bào tản cư... Trong đó, Cụ Hồ đặc biệt nhấn mạnh: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ trở thành kiểu mẫu. Mục đích của việc xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu là: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng đoàn kết yêu nước. Cách làm là: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”.

“Hơn nửa đời người, tôi luôn nỗ lực, cố gắng, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Cụ Hồ với khát khao được đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lúc sinh thời Cụ Hồ hằng mong muốn” – Cụ Nghi xúc động chia sẻ.

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020) - Những dấu ấn và thành tựu nổi bật”, năm 2020, NXB Thanh Hóa.

Hương Thảo

Theo https://baothanhhoa.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website