Đáp ứng mong mỏi chín lần Bác Hồ về thăm Đất Tổ

 

Bác Hồ về thăm Đền Hùng năm 1962 (tư liệu).
Bác Hồ về thăm Đền Hùng năm 1962 (tư liệu).

Trong chín lần Bác về thăm Phú Thọ đều là những mốc thời gian quan trọng của cách mạng cả nước nói chung, của nhân dân Phú Thọ nói riêng, đặc biệt là chuyến thăm Đền Hùng năm 1954 và thăm Đảng bộ tỉnh Phú Thọ năm 1962.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, trên đường từ Chiến khu Việt Bắc về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đền Hùng. Ngày 19-9-1954, tại Đền Giếng, Bác đã nói chuyện và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, tránh sa ngã, cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường”, đặc biệt, Người nhấn mạnh:“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là lời dặn dò tâm huyết của Bác, không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô, mà còn xác định ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong bối cảnh hiện nay lời dạy của Bác về lòng yêu nước và sự đoàn kết toàn dân một lòng, toàn dân một ý chí trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.

Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trong hai ngày 18 và 19-8-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ. Nói chuyện với hơn ba vạn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc trong Tỉnh, Người căn dặn: “Bác tin rằng Đảng bộ Phú Thọ sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân tỉnh ta tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Đảng đã giao phó, trở nên tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, làm nền tảng vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà". Những năm qua, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh chung sức đồng lòng, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một tỉnh “tiên tiến” như niềm tin và sự mong mỏi của Người.

Khắc ghi lời căn dặn của Người, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ luôn đoàn kết, lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành được những thành tựu to lớn. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị thấp kém; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay, kinh tế của Phú Thọ duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2015, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 3.500 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Phú Thọ đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I và kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được chú trọng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ vượt bậc, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng còn 14,5%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 80,5%; 90 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được chú trọng, “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận và vinh danh. Chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,89%, đưa Phú Thọ ra khỏi tỉnh nghèo. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, hết năm 2015 có một huyện và 60 xã đạt, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới... Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND các cấp được nâng cao. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy.

Đặc biệt, Phú Thọ đã tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với công tác khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các cấp ủy đã đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể. Nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng bám sát điều kiện thực tế, chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với từng đối tượng, vị trí công tác. Qua thực tiễn, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được các cấp ủy biểu dương, khen thưởng. Ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được nâng lên rõ rệt. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở được xem xét, giải quyết góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Bước vào giai đoạn mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn khắc ghi lời Bác dạy khi về thăm. Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, lao động sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đưa Phú Thọ trở thành tỉnh “tiên tiến” như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong năm 1954 tại Đền Hùng (tư liệu).
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong năm 1954 tại Đền Hùng (tư liệu).

 

PHẠM LAM HỒNG (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ)

Nguồn: Báo Nhân Dân


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website