"Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm"

 

Bác Hồ với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) năm 1955.
Bác Hồ với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) năm 1955.

Chính bản thân Người là hiện thân của tấm gương đạo đức trong sáng, được kết tinh bởi tinh hoa văn hóa Việt Nam, bởi nhân cách cao cả mà bình dị, kiên cường mà nhân hậu, bao dung của con người Việt Nam. Đó là một trong những nét làm nên phong cách Hồ Chí Minh.

Phong cách Hồ Chí Minh tự nhiên, nhưng có sức cảm hóa kỳ diệu, một phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn liền lý luận với thực tiễn; ứng xử văn hóa, tinh tế, nhân văn, thấm đậm tình yêu nhân dân; sống thanh cao, giản dị; quần chúng, dân chủ, nêu gương,...

Chỉ xin đề cập phong cách quần chúng của Bác cũng đủ thấy con người Hồ Chí Minh vĩ đại mà gần gũi. Phong cách ấy xuất phát từ tư tưởng lớn là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG H.2000. Tập 4, tr.161). Vì mục tiêu, lẽ sống ấy, Bác đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, tìm con đường cứu nước, cứu dân; sáng lập ra Đảng ta để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh đến bến bờ vinh quang.

Luôn luôn hướng về nhân dân, phục vụ nhân dân, Người cho rằng, “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân”; (SĐD, Tập 4, tr. 56). Mọi công việc của Đảng phải luôn giữ nguyên tắc và liên hợp chặt chẽ với nhân dân; nếu không, chẳng những không lãnh đạo được nhân dân mà cũng chẳng học được nhân dân. Làm theo cách của quần chúng, việc gì cũng hỏi ý kiến, cũng cùng quần chúng bàn bạc, nhất định thành công. Cho rằng trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, Người coi nhân dân là lực lượng to lớn nhất để làm nên thành công của cách mạng. Do vậy, Người nhắc cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học hỏi quần chúng, chăm lo, quan tâm đến quần chúng và chính bản thân Người là hiện thân của sự mẫu mực quan tâm đến dân, lo cho dân. Những ngày cuối đời trên giường bệnh, Người vẫn thường xuyên hỏi thăm đồng bào miền nam ruột thịt. Đi thăm, làm việc tại địa phương nào, trước hết Người cũng ân cần hỏi chuyện nhân dân,... Chuyện Người cùng một số đồng chí cảnh vệ thực hiện một chương trình riêng, đến thăm gia đình chị Tín, một hộ nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội vào đêm Giao thừa năm 1960 mỗi khi nghe kể lại vẫn vô cùng cảm động. Đêm Giao thừa rồi mà chị Tín vẫn phải đi gánh nước thuê để sáng mồng một Tết có cơm cho bốn đứa con. Người đã ân cần hỏi chuyện năm mẹ con chị Tín khá lâu. Ngay đêm hôm đó, nói chuyện với một số đồng chí trong Bộ Chính trị đến chúc Tết, Người kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín, rồi nói: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”. (Thư ký Bác Hồ kể chuyện. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 89).

Chăm lo cho dân, lo ngại cán bộ xa dân, hạch sách dân đã được Bác Hồ cảnh báo rất sớm. Khi viết thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, ngày 1-3-1947, Người chỉ rõ: “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi” (SĐD, Tập 5, tr.72). Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3-2-1963), Người lại nhấn mạnh: “Không đi sâu đi sát phong trào, không nắm được tình hình cụ thể của ngành hoặc của địa phương mình, không gần gũi quần chúng và học hỏi kinh nghiệm của quần chúng. Thích ngồi bàn giấy hơn là đi xuống cơ sở để hiểu đúng thực tế, kiểm tra việc thi hành chính sách, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thích dùng mệnh lệnh hành chính hơn là kiên nhẫn giáo dục quần chúng một cách có lý, có tình. Do đó mà đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ có khi không thấu đến quần chúng hoặc bị thi hành lệch lạc, kết quả là đã hỏng công việc lại mất lòng người”. (SĐD, Tập 11, tr 24).

Tin dân, lấy dân làm gốc, chăm lo cuộc sống nhân dân là bài học lớn vô cùng quý báu có chiều sâu trong lịch sử. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã nói, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác và luôn hành động vì mục đích cao cả ấy. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng còn không ít vấn đề đặt ra, như tệ tham nhũng, tiêu cực. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân,… NGHỊ quyết T.Ư 7 khóa XI về công tác dân vận, một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. Hiện nay, vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân,... Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 05, nêu rõ, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Chỉ thị cũng yêu cầu, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng ta. Nhớ về Bác Hồ muôn vàn kính yêu, tỏ lòng biết ơn sâu nặng đối với Người, chúng ta nguyện làm theo lời Người căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm” (SĐD, Tập 4, tr.56).

 

Bắc Văn/Nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website