Hồ Chí Minh - vị dũng sĩ cách mạng

 

Đối với Hồ Chí Minh, không thể có hai ý kiến. Người là vị Anh hùng dân tộc của Việt Nam, một nhà hoạt động mang tầm vóc lịch sử. Trong nhiều năm, trong ý thức của những người đương thời, những từ Hồ Chí Minh và Việt Nam là một.

Sức mạnh nhiều mặt của Người đã được các bạn hữu cũng như những kẻ thù nhận thức và ca ngợi, và mỗi người đều nêu bật lên một đặc điểm nổi bật nào đó trong tính cách của Người. Chẳng hạn Indira Gandhi đã gọi Người là: “Một nhà lãnh đạo vĩ đại và không gì lay chuyển nổi, mặc dù cũng rất mềm mỏng”. Sanvador Allende đối với câu hỏi của nhà báo: Ngài muốn có được 3 phẩm chất gì của các chính khách và ngài định noi gương ai?”; đã trả lời: Tính nhất quán, tính nhân bản và tính giản dị vĩ đại của Hồ Chí Minh”. Còn ở nước Nga, nơi Người đã từng sống nhiều năm, nhân dân ta đã gọi Người một cách yêu mến là “Vị dũng sĩ cách mạng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước năm 1966. Ảnh: tuyengiao.vn

Kẻ thù, lẽ cố nhiên không yêu thích Hồ Chí Minh nhưng đều công nhận sức mạnh và uy tín to lớn của Người. Cao ủy của Pháp ở Bắc Việt 1945-1946 là J. Sainteny đã than phiền trong thiên hồi ký của ông ta: “Thật đáng tiếc là Pháp chưa đánh giá đúng mức con người đó, chưa hiểu được tầm quan trọng và những lực lượng mà ông đại diện”. D. Eisenhower, Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ, trong khi giải thích tại sao Mỹ phá hủy cuộc Tổng tuyển cử 1956 ở Việt Nam và thực hiện việc can thiệp vũ trang ở đây, đã thú nhận: “Chính quyền Mỹ tin chắc rằng nếu như cuộc Tổng tuyển cử tiến hành thì không dưới 80% người Việt Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh”.

Hồ Chí Minh sống và đấu tranh ở một thời đại cách xa chúng ta hàng mấy chục năm, nhưng Người rất hiện đại. Từ đỉnh cao của ngày hôm nay có thể dễ dàng thấy được nhiều nhân tố quan trọng của cái mà ngày nay chúng ta gọi là triết lý của tư duy mới. Và nhân tố chủ yếu nhất trong số đó là sự kết hợp biện chứng giữa mục tiêu dân tộc và mục tiêu xã hội – giai cấp, là sự thống nhất hữu cơ giữa lý tưởng yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Ở nước ta tên tuổi Hồ Chí Minh bao giờ cũng được đặc biệt kính trọng. Nhà yêu nước vĩ đại của Việt Nam đã đặt nền móng và là người phấn đấu không mệt mỏi để vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Xô viết. Trước thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Người đã ở nước ta hơn 6 năm và thật sự xem nước Nga là Tổ quốc thứ hai của mình.

Vào cuối những năm 50, tôi theo học khoa Văn Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó vào những năm 60, làm phóng viên hãng thông tấn TASS tại Việt Nam. Nói chung, tôi đã sống ở Hà Nội hơn 5 năm và trong thời gian đó đã nhiều lần được nhìn thấy và được gặp Hồ Chí Minh.

Có hai đặc điểm trong tính cách của Người khiến tôi sửng sốt – đó là sự giản dị (về bề ngoài Người không khác gì một nông dân bình thường Việt Nam) và cặp mắt sáng rất trẻ và rất sinh động dường như Người mới ở tuổi đôi mươi.

Lần đầu tiên tôi có may mắn được đứng cạnh Người vào mùa Xuân năm 1959 khi sinh viên cùng với nhân dân Thủ đô tham gia trồng cây chung quanh hồ Bảy Mẫu ở Hà Nội. Hoàn toàn bất ngờ, không có bất cứ một sự thông báo nào, Hồ Chí Minh xuất hiện giữa các sinh viên và học sinh, nói đùa một đôi câu và cùng với chúng tôi trồng cây. Từ đó trở đi, khi tôi đến Hà Nội và thăm hồ Bảy Mẫu, tôi lại nhớ tới thời trai trẻ của mình và cái mùa Xuân đầu tiên ấy ở Hà Nội.

Nhưng kỷ niệm làm tôi xúc động nhất với Hồ Chí Minh - đó là Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 22 năm 1961, khi tôi hồi đó đang còn là sinh viên được giao nhiệm vụ dịch nói bài phát biểu của Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên là tôi vô cùng xúc động và do đó đã xảy ra một chuyện lệch pha rất buồn cười. Vốn thông thạo tiếng Nga, Hồ Chí Minh nói mấy câu cuối cùng trong bài phát biểu của mình bằng tiếng Nga, còn tôi lại máy móc đi dịch ra Tiếng Việt.

Vào giữa những năm 60, tôi làm phóng viên thường trú của hãng thông tấn TASS tại Việt Nam và, lẽ cố nhiên, có điều kiện nhìn thấy Hồ Chí Minh và nghe Người nói chuyện tại các cuộc mít tinh và những buổi lễ long trọng. Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất đã đọng lại trong tôi sau lần được tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước được tổ chức năm 1966 tại Hội trường Ba Đình lịch sử.

Sau khi các chiến sĩ ưu tú được trao Huân chương Sao Vàng, Hồ Chí Minh đã đứng dậy từ bàn Chủ tịch đoàn và phát biểu những lời lẽ đầy lòng vị tha nhân ái. Tất nhiên bây giờ tôi chỉ có thể nhớ được đại ý của bài phát biểu đó, song ý nghĩa chủ yếu là: Không thể đánh bại được nhân dân Việt Nam bởi vì kẻ thù càng đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược bao nhiêu thì nhân dân ta càng sản sinh ra những anh hùng sẵn sàng lập công vì Tổ quốc nhiều bấy nhiêu. Và bằng chứng rõ ràng nhất về điều đó là những ngôi sao anh hùng được gắn trên áo những người tham dự Đại hội.

- Còn bây giờ các cháu hãy nhìn Bác và nhìn Chính phủ của chúng ta - Hồ Chí Minh nói với các anh hùng - Bác và các vị trong Chính phủ không được tặng danh hiệu Anh hùng nhưng Bác và các vị trong Chính phủ ta không tiếc sức mình, sẽ làm tất cả để động viên nhân dân đánh bại cuộc xâm lược của kẻ thù. Và đó chính là ưu thế tuyệt đối của chúng ta trước kẻ thù và Bác tin rằng cho dù có khó khăn và thiếu thốn đến mấy, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng.

Lần cuối cùng tôi được nghe Hồ Chí Minh nói vào ngày 17 tháng 7 năm 1966 khi Người phát biểu với nhân dân trên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội. Đó là một bài nói chuyện đáng kinh ngạc về tinh thần lạc quan. Bởi lẽ những lời này được phát đi vào thời điểm khi miền Bắc Việt Nam bị máy bay Mỹ liên tục bắn phá nặng nề, còn ở miền Nam thì nửa triệu quân Mỹ đã được đổ vào.

Tôi còn nhớ rõ cái ngày đó như hôm nay vậy. Trước bài nói của Hồ Chí Minh mấy giờ, gần 50 máy bay tiêm kích và máy bay ném bom của Mỹ lần đầu tiên oanh kích Hà Nội. Trong không khí trên bầu trời thành phố vẫn còn ngửi thấy mùi khói của những đám cháy! Vào những giờ phút khó khăn đó, nhân dân Thủ đô như chưa bao giờ, muốn lắng nghe tiếng nói động viên của vị Chủ tịch nước. Cả nước Việt Nam đang chiến đấu đứng lặng bên loa phóng thanh trên các đường phố và đường làng, bên chiếc đài bán dẫn tại các căn cứ du kích trong rừng sâu và sau tấm rèm khép kín trong ngôi nhà của các chiến sĩ biệt động tại các thành phố bị chiếm đóng ở miền Nam. Và giọng nói điềm tĩnh, pha sắc thái Nghệ An của Hồ Chí Minh đã vang lên: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Và câu nói đã trở thành danh ngôn được Hồ Chí Minh phát biểu trong lời kêu gọi nổi tiếng của mình “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lập tức đã được truyền đi khắp Việt Nam, đã trở thành phương châm trong cuộc chiến tranh giải phóng toàn dân.

Sự nghiệp mà Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả cuộc đời mình - xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất - đã toàn thắng.

Thiết nghĩ, thậm chí một người nhìn xa trông rộng như Hồ Chí Minh, cũng không thể lường hết được vị thế của Việt Nam sau khi cuộc chiến tranh lâu dài đã kết thúc bằng thắng lợi vẻ vang. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước ổn định nhất về mặt chính trị ở Đông Nam Á, là một thành viên có uy tín của ASEAN, một trong những quốc gia đang phát triển được kính nể trên thế giới.

Ngày nay, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động vào bậc nhất trong khu vực.

Thiết nghĩ đó cũng là bức tượng đài có giá trị nhất của Hồ Chí Minh là người đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phục hưng Tổ quốc./.

E. KOBELEV - Tiến sĩ các khoa học lịch sử Nga

(Theo Tạp chí Azia i Afrika)/Lê Vĩnh (giới thiệu và dịch) - Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 377


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website