Huyền thoại về người vẽ bức chân dung Bác Hồ bằng máy đánh chữ

 

Bức họa chân dung Bác Hồ do ông Lê Ngọc tạo hình bằng chiếc máy đánh chữ mừng Ngày sinh nhật Bác Hồ sang tuổi 61 (19-5-1951), nay đã được 64 năm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, “kỷ vật kháng chiến” đã trở thành “huyền thoại” vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.

Trước năm 1945, ông Lê Ngọc từng học Trường trung học Gia Long (Hà Nội). Vốn là người thích tự lập, thế nên, trong những năm học sinh, ông vừa học chữ ở trường, vừa học thêm đánh máy chữ buổi tối ở phòng Thương mại. Khởi nghĩa tháng 8-1945 bùng nổ, ông tham gia lớp sinh viên cứu quốc. Khi toàn quốc kháng chiến, do điều kiện gia đình ông không đi tản cư khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Ông bảo, bất cứ ở đâu, khi lòng mình đã hướng về Đảng, về Bác Hồ thì mình có nhiều cách để cống hiến. Và ông mua một ít máy đánh chữ cũ, mở trường dạy đánh máy. Ông đã quyết tâm làm gì đó cho cách mạng.

Từ đó, Lê Ngọc được biết đến là ông “vua máy chữ” khi mở trường dạy đánh máy chữ đầu tiên của người Việt tại 24 Hàng Rươi (Hà Nội), nơi ông vừa làm hiệu trưởng, vừa làm giáo viên duy nhất. Sau đó, trường chuyển về 39B phố Hàng Bài. Thế nhưng, thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Hà Nội trong vòng vây thực dân Pháp, mua một máy đánh chữ cũ cũng phải đăng ký, bị kiểm soát gắt gao thì lớp học đánh chữ của ông vẫn duy trì và đào tạo cho nhiều lớp thế hệ, hàng nghìn người đánh máy chữ thành thạo. Hơn thế nữa, lớp dạy học đánh máy chữ của ông còn là cơ sở liên lạc của Thành ủy Hà Nội kháng chiến.Bức họa chân dung Bác Hồ do ông Lê Ngọc tạo hình bằng chiếc máy đánh chữ mừng Ngày sinh nhật Bác Hồ sang tuổi 61 (19-5-1951), nay đã được 64 năm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, “kỷ vật kháng chiến” đã trở thành “huyền thoại” vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.

Trong những dòng hồi ký của mình, ông viết: “Năm 1947, anh Hướng còn gọi là Tư Coóng hoạt động trong phong trào học sinh – sinh viên Hà Nội đến gặp ông đề nghị giúp đỡ cách mạng. Anh sẽ đánh máy truyền đơn kêu gọi nhân dân chống thuế, chống giặc bắt lính,… Từ đó, ở đường dây do anh phụ trách, tôi cùng các anh Thàng (Trúc Bạch), chị Thanh (Đống Đa), anh Sơn (Hoàn Kiếm), anh Hiến, chị Khiêm, chị Thái…đã làm việc cho kháng chiến trong nội thành. Tiếc rằng, trong đội ngũ ấy, nhiều người đã hi sinh. Anh Tư Coóng bị giặc bắt đày Côn Đảo, khi vượt ngục anh đã hy sinh trên biển. Anh Thàng hy sinh ở trại giam Hỏa Lò vì bị “nhục hình”. Những tấm gương quả cảm vì Tổ quốc đã tiếp lửa cho những thế hệ sau viết lên dòng chữ: “Quyết tâm đánh thắng giặc”. Chính những năm tháng gắn bó với phong trào học sinh, sinh viên Hà Nội từ năm 1947, đến năm 1950 – 1951 thì ông Lê Ngọc thực sự tham gia vào những hoạt động kháng chiến chống Pháp bằng cách dùng máy đánh chữ riêng đánh truyền đơn, tài liệu cho tổ chức kháng chiến.

Hình ảnh ông Lê Ngọc vẽ chân dung Bác Hồ “huyền thoại” bằng máy đánh chữ.
Hình ảnh ông Lê Ngọc vẽ chân dung Bác Hồ “huyền thoại” bằng máy đánh chữ. Ảnh gia đình NVCC

Năm 1952, địch khủng bố nhân dân nội thành ác liệt, hưởng ứng mệnh lệnh của cấp trên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo niềm tin cho kháng chiến thắng lợi, đặc biệt phải chú trọng tuyên truyền cho dịp kỷ niệm 61 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1951). Lúc bấy giờ, trong tay ông có cuốn sách nói về cách dùng máy chữ tạo nên những bức ảnh nghệ thuật có nét đậm, nét nhạt, có hình khối khác nhau. Thế là, ông quyết định dùng máy chữ để đánh máy chân dung Bác Hồ. “Ý tưởng thì có nhưng trong tay tôi không có một tấm ảnh Bác Hồ để mô phỏng theo được. Tôi báo cáo cấp trên xin gửi cho tôi một tấm ảnh chân dung Bác. Vài ngày sau, tấm hình của Bác được cắt trong một bài báo in tại Việt Bắc được đưa đến”. Sau khi nhận được ảnh, vì tấm ảnh nhỏ nên ông đã nhờ một người bạn thân là họa sĩ Mạnh Quỳnh phác lại trên một trang giấy. Trong đêm ấy, tại nhà họa sĩ Mạnh Quỳnh, ngoài cửa rậm rịch tiếng giày đinh của lính Pháp, họa sĩ chuyển hình xong. Về nhà, ông dặn vợ ngồi trước cửa canh chừng rồi cắm cúi suốt 6 tiếng đồng hồ trong buồng kín để đánh máy ảnh Bác Hồ. Tấm ảnh đầu tiên không thành công, ông phải làm lại. Tới lần thứ hai thì đạt yêu cầu. Bức ảnh được chụp và in ra nhiều bản, ông Lê Ngọc kể lại.

Khó ai tin được, từ chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, vừa đánh vừa sửa đó, ông Lê Ngọc đã tạo nên chân dung Bác Hồ chỉ bằng những ký tự và dấu chấm, dấu phẩy. Bức họa chân dung đặc biệt, hiếm hoi trong cơ sở cách mạng ngày ấy đã được in ra làm truyền đơn, khẩu hiệu ủng hộ kháng chiến, làm mẫu cho các bạn nữ sinh Hà Nội đan áo ấm gửi tặng các chiến sĩ ngoài vùng kháng chiến và đến nay, bức họa đã trở thành “huyền thoại”. Năm 1955, kháng chiến thành công, Bác Hồ và Chính phủ về Hà Nội và tấm ảnh Bác Hồ đánh máy của ông đã được chụp lại và là “kỷ vật kháng chiến” tặng cho nhiều đồng chí đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc khi sang thăm Việt Nam.

Bức hình Bác Hồ vẽ bằng máy đánh chữ có thần thái hiện qua các kí tự dấu chấm, dấu phẩy, nét đậm, nét nhạt đã trở thành tư liệu quý cho nhiều báo chí đăng tải thời đó. Ngoài sử dụng máy đánh chữ tạo ra bức tranh chân dung Bác Hồ, lãnh tụ Lê-nin, Phi-đen Ca-xtrô, Lu-mum-ba, Mao Trạch Đông, riêng tác phẩm đánh máy chữ chân dung lãnh tụ Lê-nin đã được giải thưởng của Hãng thông tấn Novotsti (Nga)…. Một số tác phẩm của ông đã được các báo quốc tế giới thiệu xem đây là một nghệ thuật độc đáo.

Cũng tại những năm tháng hoạt động cách mạng, chính ông cũng là một trong những hạt nhân quan trọng đóng góp thành công cho Chiến dịch Biên giới 1950 bằng việc tham gia trong việc sử dụng luật mật mã theo quan điểm khoa học đầu tiên do đồng chí Quang Đạm chế tác mật mã về kỹ thuật quân sự cho Ban Cơ yếu Chính phủ để đánh truyền đơn tuyên truyền, ủng hộ cách mạng của phong trào sinh viên Hà Nội. Chính những truyền đơn, thư kháng chiến bằng luật mật mã của Việt Nam đã khiến cho những kẻ địch bực bội vì tìm các phương án so chữ “ ngang, dọc, chéo, lùi trên, lùi dưới”, vẫn không làm sao giải mã được các bí mật của ta.

Mải mốt đi tìm những sáng tạo nghệ thuật từ những chiếc máy đánh chữ, ông Lê Ngọc không quên công việc cần mẫn của một ông giáo dạy máy đánh chữ. Hàng nghìn học trò được đào tạo qua những lớp đánh máy chữ đã góp phần truyền bá chữ Quốc ngữ trong lớp bình dân học vụ thời kỳ kháng chiến. Sau khi thống nhất đất nước, theo yêu cầu và tín nhiệm của ngành Công an, ông đã nhận trách nhiệm đào tạo lớp đầu tiên cho 2.500 cảnh sát viên của toàn miền Bắc nghiệp vụ đánh máy chứng minh thư. Bên cạnh việc dạy nghề, ông Lê Ngọc còn dồn nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để làm sao sử dụng được chiếc máy đánh chữ một cách hiệu quả nhất.

Say mê nghiên cứu và phương pháp đánh máy chữ, ông là tác giả hai cuốn sách “Tự học đánh máy chữ theo phương pháp 10 ngón” và Phương pháp học đánh máy chữ tiếng Nga”. Hồi ấy, Hà Nội chưa có máy chữ tiếng Nga, thế nhưng ông Lê Ngọc lại nghiên cứu phương pháp học đánh máy chữ tiếng Nga. Nghe có vẻ lạ. Nhưng không. Theo ông, vì thông thạo tiếng Pháp nên ông đã tự nghiên cứu từ bộ tiếng Nga sang máy chữ hiện có để hình thành một chương trình học đánh máy chữ tiếng Nga và đã dạy cho 100 học sinh. Ông cũng hoàn thành chương trình dạy đánh máy chữ tiếng Lào, Pháp, Anh,…

Một kỹ sư máy chữ, một ông giáo Lê Ngọc có tiếng ở Hà Nội khi đó, nhưng với gia đình, nếp nhà vẫn được ông gìn giữ trong gia đình “tứ đại đồng đường”. Trong căn gác nhỏ hơn 70m2 trên phố Bà Triệu, Hà Nội bao năm nay, nơi sinh ra và trưởng thành của nhiều thế hệ gia đình ông Lê Ngọc vẫn luôn đầy ắp tiếng cười của cụ, ông bà, cháu chắt,… Đến nay, ông Lê Ngọc đã gần 90 tuổi. Cái tuổi xưa nay hiếm, dù bước chân đã mỏi, mắt đã mờ nhưng lòng nhiệt huyết và sự tận tâm của ông vẫn tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ trong gia đình.

Với riêng ông Lê Ngọc, “chiếc máy đánh chữ” không chỉ sáng tạo văn bản thô, cứng mà còn thể hiện nghệ thuật cảm xúc trân quý của một con người luôn hướng đến cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, một tấm lòng thiết tha hướng về Đảng và Bác Hồ./.

 

Mộc Miên

Theo Báo Pháp luật xã hội


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website