Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - Sự hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Thứ nhất, đó là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Quan điểm này được hình thành từ năm 1921 khi Nguyễn Ái Quốc viết bài Đông Dương cho Tạp chí Cộng sản (La Revue Communiste). Trong đó, Người khẳng định sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương. Nói cách khác, “sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(1). Đến đầu năm 1923, trong Truyền đơn cổ động mua báo Le Paria, Hồ Chí Minh đã viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc...”(2). Trong Đường Kách mệnh (1927), Người khẳng định trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và thành công đến nơi, và cách mạng Nga dạy chúng ta phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin, phải nhờ Đệ tam quốc tế.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh khởi thảo ghi rõ: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đây chính là nội dung độc lập dân tộc đi tới CNXH, sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, giai đoạn từ 1930 đến Cách mạng Tháng Tám, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH có sắc thái riêng. Hồ Chí Minh khẳng định độc lập dân tộc là mục tiêu trước mắt, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Người phân tích rõ Pháp - Nhật không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc. Vì vậy, trước hết phải giải phóng cho được dân tộc khỏi ách của giặc Pháp - Nhật. Nói như thế không phải là Đảng thủ tiêu vấn đề giai cấp đấu tranh. Nhưng đây là giai đoạn phải đặt lợi ích quốc gia trước hết, Tổ quốc trên hết, nên vấn đề đấu tranh giai cấp phải gác lại để giải quyết sau. Nói cách khác, giai đoạn này, CNXH mới ở dạng định hướng tiến lên của độc lập dân tộc nhưng mang lại cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc tính triệt để cách mạng hơn bao giờ hết. Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) nhấn mạnh “không thể làm cách mạng giải phóng rồi ngừng lại mà phải đi đến làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, tức là giai cấp vô sản sẽ bước những bước vĩ đại của lịch sử để tiến lên cách mạng vô sản”. Đây là một trong những lý do cắt nghĩa tại sao trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam không giành được thắng lợi, nhưng từ khi có Đảng lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là minh chứng hùng hồn đầu tiên cho tính đúng đắn của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Thứ hai, về xác định đối tượng của cách mạng

Ngay sau khi tiếp nhận ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tập trung truyền bá học thuyết cách mạng đó vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Người có nhiều bài viết, tác phẩm nổi tiếng như Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh... Những tác phẩm đó chỉ ra tính chất cách mạng Việt Nam là dân tộc cách mạng (không phải tư bản cách mạng, cũng chưa phải thế giới cách mạng, giai cấp cách mạng), tức là “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”. Đến “đêm trước” của Cách mạng Tháng Tám, quan điểm của Hồ Chí Minh về đối tượng cách mạng đã có sự phát triển, thể hiện trong Hội nghị Trung ương 8 (5-1941). Khi bàn về lực lượng phản cách mạng, Nghị quyết khẳng định “cần phải thay đổi chiến lược”. Tức là “cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: Phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”... Trong giai đoạn hiện tại ai cũng biết rằng: Nếu không đánh đuổi được Pháp - Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu muôn đời mà vấn đề ruộng đất cũng không làm sao giải quyết được”(3). Sáng tạo đặc biệt của Hồ Chí Minh và Đảng ta ở Hội nghị Trung ương 8 là thay đổi chiến lược trong việc xác định lực lượng phản cách mạng. Khi nguyện vọng của toàn dân tộc là đánh Pháp đuổi Nhật, giành quyền độc lập thì không thể đưa thêm một nhiệm vụ thứ hai là đánh đổ địa chủ, vì điều đó có hại cho nhiệm vụ thứ nhất. Đưa nhiệm vụ điền địa ra giải quyết tức là phải đánh đổ địa chủ, như thế không thể đoàn kết, tập hợp được toàn thể dân tộc. Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định rõ: “Ngay bây giờ nếu ta nêu khẩu hiệu đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày, như thế chẳng những ta bỏ mất một lực lượng đồng minh, một lực lượng hậu thuẫn trong cuộc cách mạng đánh đuổi Pháp - Nhật, mà còn đẩy lực lượng ấy về phe địch, làm hậu bị quân cho phe địch nữa”(4). Ngược lại, tuy chỉ nêu khẩu hiệu đánh đuổi Pháp - Nhật nhưng nông dân vẫn hăng hái tranh đấu vì trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc họ được hưởng nhiều quyền lợi nhất. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi nhờ xác định đúng và trúng đối tượng của cách mạng là chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai.

Thứ ba, về đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam yêu nước

Tư tưởng này được quy định bởi việc xác định tính chất cách mạng và kẻ thù của cách mạng. Chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc là nhằm giải quyết mâu thuẫn dân tộc giữa một bên là toàn thể dân tộc Việt Nam với bên kia là bọn xâm lược và tay sai của chúng. Hồ Chí Minh phân tích khoa học rằng, “vì bị áp bức mà sinh ra cách mạng, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mạng càng bền, chí cách mạng càng quyết. Công nông bị áp bức nặng nề, tay không chân rồi, nếu thua chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. Vì những cớ ấy, nên công nông là gốc cách mạng, là chủ cách mạng; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông, họ là bầu bạn cách mạng của công nông”. Sách lược vắn tắt nói rõ “Đảng phải lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản; Đảng phải tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư bản bậc trung, đánh đổ các đảng phản cách mạng như Đảng Lập hiến”. Tại Hội nghị Trung ương 8, với nhận thức “quyền lợi của tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng”, Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương “tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông. Địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta”(5). Một trong những thành công lớn của Hồ Chí Minh là lập tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (nói tắt là Mặt trận Việt Minh) với chủ trương “liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại, chiến đấu đánh đổ chủ nghĩa đế quốc phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho nước Việt Nam”. Trong Kính cáo đồng bào (6-6-1941), Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Đồng bào, các bậc phụ huynh, hiền huynh chí sĩ, các bậc phú hào yêu nước, thương nòi, các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương... Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”.

Sức mạnh cách mạng được nhân lên gấp bội bởi mọi lực lượng yêu nước được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh, tạo nên bức tường thành vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là một sáng tạo đặc sắc của Hồ Chí Minh dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Thứ tư, về nền tảng lý luận của Đảng

Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh dẫn quan điểm của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động. Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Quá trình tìm đường cứu nước và chuẩn bị thành lập Đảng là quá trình Hồ Chí Minh nghiên cứu, khảo sát, so sánh các học thuyết trên thế giới. Người đã biết tới lý luận của cách mạng tư sản, cách mạng vô sản, tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Cách mạng Mỹ 1776 và Cách mạng Pháp năm 1789. Trên cơ sở đó, Người đã rút ra kết luận “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất, khoa học nhất là chủ nghĩa Lênin”. Đảng phải lấy chủ nghĩa Lênin “làm cốt”.

Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở tư tưởng của Đảng, trang bị thế giới quan, phương pháp luận cho những chiến sĩ cách mạng. Nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin giúp Đảng giữ vững về nguyên tắc tổ chức, hiểu rõ những vấn đề chiến lược cách mạng. Chủ nghĩa Mác - Lênin làm cho Đảng trở thành trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc. Không nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin giống như người một mắt sáng một mắt mờ, dễ xa rời con đường cách mạng. Đảng không có chủ nghĩa giống như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.

Nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng cần phải nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin theo tinh thần quán triệt những nội dung có tính nguyên tắc thuộc nguyên lý, quan điểm, lập trường cách mạng, những vấn đề về phương pháp luận. Phải nắm lấy tinh thần của Mác - Lênin để vận dụng và phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta là một nước thuộc địa, trên cơ sở đó bổ sung, làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động sẽ không rơi vào chủ nghĩa biệt phái, giáo điều, mà luôn luôn đổi mới và sáng tạo trong mọi hoàn cảnh và tình thế. Bàn về vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi to lớn đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng... chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”(6).

Thứ năm, về phương pháp cách mạng

Ngay từ tuổi thiếu niên, mặc dù rất khâm phục các nhà yêu nước như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của các vị tiền bối. Bởi cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là cách làm “xin Pháp rủ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, đó là cách làm “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng vẫn còn nặng cốt cách phong kiến.

Nhận thức được sự khủng hoảng, bế tắc của các phong trào đấu tranh không chỉ là vấn đề đường lối, tổ chức mà còn là phương pháp cứu nước,Hồ Chí Minh xác định phải đi ra nước ngoài, tìm hiểu, khám phá thế giới, xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta. Đó là tư duy về một phương pháp cách mạng mới.

Sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi, Hồ Chí Minh đã rút ra nhận xét, những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư sản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc, “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp lớn”(7). Và “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể  trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”(8). Hồ Chí Minh hiểu rõ hơn ai hết sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân là một hành động bạo lực phản cách mạng. Vì vậy, chúng ta phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại chúng, theo tinh thần “công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Tư tưởng tự lực tự cường đã được truyền đạt trong các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu thời gian 1925-1927. Trong các bài giảng, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh đến yếu tố cách mạng thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công, phải tranh thủ sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và nhân dân thế giới. Nhưng “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(9). Hồ Chí Minh đã thành công trong việc lập tổ chức vững bền là Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Cách tổ chức Việt Minh có tính chất dân tộc, tạo ra một xung lực dễ hiệu triệu. Phương pháp cách mạng, phương pháp tổ chức của Hồ Chí Minh quy về một điểm: đặt dân tộc quốc gia cao hơn hết. Người nhấn mạnh: “Trong khi đi tổ chức một đoàn thể cứu quốc, điều cốt yếu là không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc”(10).

Tổ chức vững bền, tự lực cánh sinh, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức là những nhân tố tạo nên phương pháp vừa cách mạng vừa khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của nước Việt Nam thuộc địa. Sức mạnh của phương pháp đó đã được nhân lên khi Hồ Chí Minh khôn khéo xử lý các mối quan hệ thời, thế, lực; thiên thời, địa lợi, nhân hòa, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Để đi tới Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh kêu gọi “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”; “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do”. Khi thời cơ đến, nhanh chóng chớp lấy thời cơ nghìn năm có một, phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Giữa tháng 8-1945, Hồ Chí Minh có Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Và chúng ta đã thắng lợi nhờ phương pháp cách mạng khoa học đó.

Như vậy, từ năm 1930, tư tưởng Hồ Chí Minh từng bước được hiện thực hóa, làm chuyển hóa phong trào cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ là người hoạch định đường lối, xây dựng lý luận cách mạng giải phóng dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội mà còn là người tổ chức, kiến tạo phong trào cách mạng, là người tìm đường, mở đường, dẫn đường và thiết kế tương lai. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng đã trực tiếp đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Sự thắng lợi đó là minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh và bản lĩnh Hồ Chí Minh./.

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018

(1), (2), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.28, 461, 416.

(3), (4), (5), (10)  ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập,  t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.119, 120, 112, 125.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.476.

(8) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.33.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.293.

PGS,TS Bùi Đình Phong/Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website