Bắc Quang (Hà Giang) thực hiện xóa mù chữ theo lời Bác dạy

 

Sau xóa mù chữ, chị Triệu Mùi Liều (xã Tân Lập) tự tin sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn để chăm sóc lúa.
Sau xóa mù chữ, chị Triệu Mùi Liều (xã Tân Lập) tự tin sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn để chăm sóc lúa.

Quyết sách ra đời từ thực tế khó...

Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm Hà Giang (tháng 3/1961): “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ”; cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo; giúp hàng nghìn người chưa biết chữ được trang bị hành trang mới – biết đọc, biết viết để nâng cao dân trí, góp sức xây dựng mảnh đất “cửa ngõ” phía Nam không ngừng phát triển.

Theo số liệu khảo sát của cơ quan chuyên môn, năm 2016, trên địa bàn huyện Bắc Quang có 3.651 người mù chữ mức độ 1; hiệu quả XMC chưa cao. Bởi, số người mù chữ nằm rải rác tại các xã, thị trấn; nhiều người mù chữ ngại đi học nên việc vận động người dân ra học lớp XMC tập trung gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, những người tham gia học chủ yếu ở độ tuổi từ 26 – 60, họ đều là lao động chính nên hạn chế thời gian chuyên tâm cho việc học chữ.

Đi liền với khó khăn trên, chính là việc vận động người dạy các lớp XMC tại xã vùng 1 và vùng 2. Vì theo Thông tư liên tịch số 40, ngày 10/4/2013 của liên Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia GD&ĐT, không cho phép chi tiền thực hiện XMC tại các xã vùng thuận lợi, chỉ được chi cho các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nhưng đã hết hiệu lực từ năm 2015. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện theo Nghị định số 20 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 07, ngày 8/3/2013 của liên Bộ GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (Thông tư 07) và các văn bản khác liên quan cần phải đảm bảo điều kiện: Số tiết giáo viên dạy XMC phải là số tiết thừa giờ theo quy định. Hơn nữa, nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia GD&ĐT được Trung ương phân bổ về tỉnh để cấp cho huyện còn hạn chế. Nếu sử dụng nguồn kinh phí này, huyện Bắc Quang chỉ có thể mở được 3 đến 5 lớp XMC - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang Phạm Hồng Thanh cho biết.

Từ thực tế trên, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành Hướng dẫn số 09, ngày 7/10/2016 về việc tổ chức các lớp XMC mức độ 1, năm học 2016 – 2017 (Hướng dẫn 09) theo cơ chế riêng. Trong đó quy định: Thời gian mở lớp tối thiểu từ 3 tháng trở lên. Các lớp học chủ yếu được tổ chức vào buổi tối, học tập trung theo lớp, nhóm hoặc theo gia đình, dòng họ, cộng đồng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia học tập. Mức chi cho 1 học viên hoàn thành XMC 430 nghìn đồng, trong đó, chi cho người dạy 300 nghìn đồng/học viên hoàn thành XMC mức độ 1, chi hỗ trợ mỗi học viên 80 nghìn đồng tiền tài liệu và 50 nghìn đồng tiền thắp sáng, mua giấy bút.

Với phương châm: “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ”, các giáo viên đang đứng lớp, giáo viên nghỉ hưu, người tốt nghiệp THCS trở lên hay đại diện các ban, ngành, đoàn thể, các trưởng thôn... đã tham gia dạy những học trò trong độ tuổi từ 15 đến ngoài 60 những nét bút đầu tiên, giúp họ kiến tạo hành trang mới trên con đường nâng cao dân trí.

…và thành tựu nổi bật

Khi mở lớp XMC tại thôn đặc biệt khó khăn – Nà Ôm, xã Liên Hiệp, hình ảnh các học viên thuộc thế hệ phụ huynh, đầu đội đèn pin, miệng đánh vần, tay viết chữ khiến không ít người xúc động. Rồi tại những địa phương khác, có học viên đã quá tuổi học, những chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái tiếng Việt như trường hợp của em Bàn Văn Nghĩa, sinh năm 2002 (thôn Tân Tạo, xã Việt Vinh), Đặng Thị Quây, sinh năm 1995 (thôn Khuổi Lý, xã Thượng Bình); thậm chí có người tuổi ngoài 60 như ông: Vi Văn Vinh, sinh năm 1953 (thôn Cầu Ham, thị trấn Việt Quang); ông Đặng Văn Tài, sinh năm 1956 (thôn Giàn Thượng, xã Tiên Kiều)… mới bắt đầu học chữ. Song, sự vượt khó của mỗi học viên đã kết tinh thành quả ngọt ngào cho công tác XMC trên địa bàn huyện Bắc Quang.

Qua 2 năm (2016, 2017) thực hiện Hướng dẫn 09, toàn huyện đã mở được 71 lớp XMC với 1.879 học viên tham gia. Trong đó, 1.851 học viên được công nhận hoàn thành chương trình XMC, đạt tỷ lệ 98,5%. Không những vậy, huyện Bắc Quang còn thực hiện vượt chỉ tiêu mở lớp XMC do UBND tỉnh giao, lên đến 56 lớp, giúp 1.366 người biết đọc, biết viết. Qua đối chiếu tiêu chuẩn và điều kiện theo Nghị định 20 của Chính phủ và Thông tư 07 của Bộ GD&ĐT về phổ cập giáo dục, XMC; hiện nay, 23/23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang đạt chuẩn về XMC mức độ 1. Đặc biệt, nếu như kinh phí chi trả theo Thông tư 07 cho 1 người hoàn thành chương trình XMC mức độ 1, trung bình 867 nghìn đồng thì kinh phí chi trả theo Hướng dẫn 09 của huyện Bắc Quang chỉ 430 nghìn đồng. Cùng với đó, các lớp XMC đã phát huy phong trào gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập sâu rộng đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tạo sự tự tin cho học viên khi họ biết đọc, biết viết chữ nhằm tiếp cận thông tin, tri thức để vận dụng trong cuộc sống hàng ngày, từng bước xóa nghèo và nâng cao dân trí…

Khắc sâu lời Bác dạy, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã có quan điểm đúng về vai trò, vị trí của công tác XMC. Từ đó, đề ra chủ trương, biện pháp và kế hoạch đồng bộ triển khai thực hiện công tác XMC, tạo nền tảng cho việc thực hiện thành công Đề án XMC trên địa bàn huyện, giai đoạn 2014 – 2020. Đặc biệt, việc ban hành Hướng dẫn 09 đã tháo gỡ nhiều nút thắt trong việc mở các lớp XMC, giúp hàng nghìn người biết đọc, biết viết để làm ăn tiến bộ và nâng cao dân trí như kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Bài, ảnh: Thu Phương

Theo http://www.baohagiang.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website