Xuyên suốt trong các tác phẩm từ Yêu sách tám điểm, Bản án chế độ thực dân Pháp, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Chương trình Việt Minh đến Tuyên ngôn độc lập ta thấy toát lên tư tưởng về quyền con người, quyền dân tộc của người Việt Nam. Đối với cách mạng Việt Nam, đến năm 1941, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết định chuyển hướng chiến lược “quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử tồn vong của quốc gia, dân tộc”, góp phần quan trọng vào chỉ đạo thắng lợi cách mạng Tháng Tám 1945. Ngày 2-9-1945 lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố quyền tự do của người dân, quyền độc lập của đất nước.
|
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. (Ảnh: TTXVN) |
1.Chương trình Việt Minh tuyên bố các quyền cá nhân của con người Việt Nam
Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Tháng 5-1941, trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn trên thế giới, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Theo sáng kiến của Người, Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Có thể nói, quyết định thành lập Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của Người và Ban Thường vụ Trung ương Đảng, vì: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(1). Dân tộc giải phóng thì giai cấp mới được giải phóng, từ đó cá nhân con người mới có quyền tự do và thụ hưởng các quyền con người khác. Ngày 25-10-1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nói rõ tôn chỉ, mục đích của mình: “Liên hiệp hết thảy tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(2).
Chương trình Việt Minh nêu các chính sách để thực hiện quyền con người ở thuộc địa sau khi giành được độc lập.Bản Chương trình vạch rõ, sau khi đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội bầu ra, thực thi các chính sách tiến bộ về quyền con người.
Về Chính trị, thực hiện phổ thông đầu phiếu, ban hành các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, tổ chức quân đội cách mạng, tịch thu tài sản của địch, ân xá tội phạm, thực hiện nam nữ bình đẳng và quyền dân tộc tự quyết, đoàn kết các dân tộc thuộc địa.
Về Kinh tế, bỏ thuế thân và các thứ thuế do Pháp - Nhật đặt ra, đặt thuế mới rất nhẹ và công bằng, quốc hữu hóa ngân hàng của đế quốc, mở mang công nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển thủy lợi, đê điều để nông nghiệp phồn thịnh…
Về Văn hóa giáo dục, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân và chính sách xã hội, hủy bỏ nền giáo dục nô lệ, xây dựng nền giáo dục quốc dân, dùng tiếng mẹ đẻ để dạy học, cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học, lập trường chuyên nghiệp, khuyến khích và giúp đỡ trí thức, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện ngày làm 8 giờ, bài trừ thất nghiệp, mại dâm, chăm sóc y tế cho nhân dân…
Về Ngoại giao, hủy bỏ tất cả các hiệp ước mà Pháp đã ký với các nước, tuyên bố các dân tộc bình đẳng, tán thành hòa bình, chống xâm lược, đoàn kết các dân tộc bị áp bức trên thế giới…
Chương trình Việt Minh sau được đúc kết lại thành 10 chính sách lớn (3), thực hiện ở khu giải phóng Việt Bắc và được Đại hội quốc dân thông qua tháng 8-1945 tại Tân Trào, trở thành chính sách cơ bản của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng tháng 8-1945, có vai trò và ý nghĩa quan trọng như Hiến pháp lâm thời của nước Việt Nam mới. Chương trình Việt Minh cũng chỉ rõ sau khi giành độc lập sẽ thành lập Chính phủ nhân dân, Chính phủ ấy do quốc dân bầu ra và thi hành các chính sách mang lại quyền lợi cho dân, làm cho đồng bào được tự do, hạnh phúc.
Với các nội dung thực thi quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, có thể coi Chương trình Việt Minh là một trong những Tuyên ngôn về quyền con người ra đời sớm trong lịch sử nhân loại theo tinh thần cách mạng, khoa học và nhân văn cao cả. Đây cũng là một trong những văn kiện nền tảng giúp cho sự ra đời của Hiến pháp Việt Nam năm 1946, chỉ một thời gian ngắn sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.
Ra đời trước Tuyên ngôn về con người của Liên hiệp quốc, Chương trình Việt Minh đã phản ánh một tầm nhìn thời đại, một tư duy sắc sảo về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
2. Đến Tuyên ngôn độc lập - quyền con người được nâng lên thành quyền dân tộc thiêng liêng
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới và nhân dân: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập” (4) .Trước toàn thế giới, Tuyên ngôn Độc lập như là hòn đá tảng pháp lý đầu tiên khẳng định cả trên nguyên tắc, cả trên thực tế, quyền sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
- Tuyên ngôn nêu rõ bộ mặt thật của thực dân Pháp ở Đông Dương
Ngay từ những năm 1920, trong các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo một cách gay gắt tội ác vi phạm nhân quyền: “Chưa có bao giờ ở một thời đại nào, ở một nước nào, người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách độc ác trơ tráo đến thế”(5). TrongTuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo sự vi phạm nhân quyền của đế quốc, phong kiến tay sai bất chấp lẽ phải, lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để nô dịch nhân dân ta trong hơn 80 năm. Sự kiện 2 triệu người Việt Nam chết đói năm 1945 là một sự thực lịch sử không thể chối cãi được về sự vi phạm nhân quyền của thực dân, đế quốc.
Tuyên ngôn độc lập còn vạch rõ bộ mặt phản bội của thực dân Pháp. Từ năm 1940, Pháp đã dâng Đông Dương cho Nhật, làm cho dân ta chịu hai tầng xiềng xích “một cổ hai tròng”. Đến ngày 9-3-1945, Nhật tước khí giới Pháp, quân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Chúng chẳng những không “bảo hộ” được ta, trái lại trong năm năm chúng bán nước ta hai lần cho Nhật.
Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải tay Pháp. Đó là sự thực không thể chối cãi, được khẳng định mạnh mẽ trong Tuyên ngôn độc lập. Nó đập tan cái ảo tưởng về mối quan hệ thuộc địa với Pháp còn đè nặng trong đầu óc thực dân Pháp, công bố cho thế giới thấy thực chất quan hệ Pháp - Việt trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
- Tuyên ngôn tuyên bố với thế giới quyền của nhân dân, dân tộc Việt Nam
Mở đầu bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã trích dẫn lại những câu mở đầu trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(6). Hồ Chí Minh muốn thông qua hai bản Tuyên ngôn này để gửi thông điệp tới cộng đồng thế giới, khẳng định không phải chỉ thiểu số người, mà “tất cả mọi người” đều sinh ra bình đẳng và được hưởng quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, đó là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, đó là “nhân đạo và chính nghĩa”.
Đầu tiên, đó là quyền sống. Đây là quyền số một mà thiếu quyền này không thể nói đến quyền khác. Quyền sống chính là vấn đề tiên quyết cho quyền con người. Quyền này được ghi nhận trong cả hai Tuyên ngôn nói trên của Mỹ và Pháp, không có quyền này thì mọi quyền khác đều vô nghĩa.
Hai là, quyền được sống sung sướng, được “mưu cầu hạnh phúc”. Đây là điểm nhất quán và là mục tiêu xuyên suốt cả cuộc đời Hồ Chí Minh, và cũng chính là đích hướng đến của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Người từng nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ”(7). Trước khi đi về cõi vĩnh hằng, Người căn dặn Đảng và Chính phủ phải chăm lo cho cuộc sống của nhân dân: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(8), nếu để dân đói, rét, bệnh tật…là Đảng và Chính phủ có lỗi.
Ba là, đảm bảo quyền bình đẳng, tự do. Trong hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp đều khẳng định quyền bình đẳng và tự do của mỗi con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đó là những quyền quan trọng của quyền con người. Mọi sự vi phạm bình đẳng và tự do đều vi phạm đến quyền con người. Trong Yêu sách 8 điểm Người gửi đến Hội nghị Vécxây 1919, yêu cầu Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam như: Tự do lập hội và hội họp; Tự do di dân và du lịch ra nước ngoài; Tự do lập trường học trong các tỉnh. Trong Chương trình Việt Minh ban bố các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước, tự do xuất dương… Dân tộc độc lập thì mới thực thi được quyền tự do của mỗi con người. Dân tộc độc lập mà dân không có quyền tự do thì độc lập dân tộc cũng không có ý nghĩa gì. Đây cũng chính là mối quan hệ biện chứng giữa quyền độc lập dân tộc và quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh, và tư tưởng này đã chỉ đạo thực tiễn cách mạng nước ta. Đó là phải giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập vì đây là quyền chính trị cao nhất của con người, sau đó mới có thể xác lập được quyền con người và quyền công dân về các lĩnh vực chính trị dân sự khác. Việc thực hiện quyền dân sự và chính trị của con người lại là cơ sở, nền tảng để giữ gìn độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, là cơ sở để độc lập dân tộc có ý nghĩa.
Bốn là, quyền con người được nâng lên thành quyền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.Theo Hồ Chí Minh, con người được nhìn nhận từ hai phương diện đó là cá nhân và cộng đồng dân tộc. Từ giá trị lý luận về quyền con người trong bản Tuyên ngôn của hai nước Mỹ, Pháp, Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền con người của cộng đồng dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam, khẳng định quyền bình đẳng giữa mọi người và mọi dân tộc là lẽ tự nhiên, là chân lý. Lôgic biện chứng của lập luận đó, về thực chất là Hồ Chí Minh đã đi đến một điều khẳng định lớn lao hơn: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng hoàn toàn hợp với lẽ tự nhiên, không ai có thể phủ nhận được.
Người chứng minh rõ việc các thế lực đế quốc xâm lược, áp bức bóc lột dân tộc Việt Nam là trái với lẽ tự nhiên, là vi phạm trắng trợn quyền con người mà cách mạng tư sản Mỹ và cách mạng Pháp đã công nhận. Điều hiển nhiên là nước đã mất độc lập, tự do thì cá nhân con người cũng không có quyền gì hết. Quyền con người không phải tự nó đến mà phải đấu tranh kiên cường, bền bỉ mới có được. Ý chí đấu tranh cho độc lập tự do được thể hiện trong quyết tâm của Hồ Chí Minh: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập; Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…Đối với một dân tộc không có chủ quyền thì không thể có con người tự do, cho nên, Người khẳng định chắc chắn: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(9). Với việc nâng tầm quyền con người thành quyền dân tộc, không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam - mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mà còn có ý nghĩa đối với nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột khác trên thế giới, vì vậy, Tuyên ngôn độc lập 1945 có thể coi là Tuyên ngôn nhân quyền của các nước thuộc địa.
Sau này, quyền dân tộc mà Hồ Chí Minh nêu lên trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã đi vào phong trào cách mạng thế giới, trở thành một giá trị phổ biến, được nhiều nước thừa nhận và tôn trọng. Người được UNESCO vinh danh là anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất, vì đã cống hiến xuất sắc vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, trong đó có công lao to lớn góp phần xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, vứt bỏ một hòn đá cản đường phát triển của nhân loại. Đó là cống hiến lý luận và thực tiễn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc.
Bảy mươi ba năm đã trôi qua, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền độc lập dân tộc và quyền con người vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Đảng ta khẳng định: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”(10). Ý chí độc lập tự chủ trong Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa to lớn chỉ đạo tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Đảng và nhân dân ta, giúp chúng ta có ý thức sâu sắc hơn về bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ mà biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu mới giành lại được từ tay đế quốc thực dân.
------------
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập 7, tr.V-VI.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr.467.
3. Mười chính sách lớn của Việt Minh: 1. Phản đối xâm lược; Tiêu trừ Việt-gian. Lập nên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoàn toàn độc lập. 2. Vũ trang nhân dân chống xâm lược. Mở rộng quân giải phóng Việt Nam. 3. Tịch thu gia sản của lũ giặc nước và Việt gian. Tùy trường hợp để làm của chung hay chia cho dân nghèo. 4. Bỏ thuế khóa, phu dịch do đế quốc đặt ra. 5. Thực hiện quyền tự do dân chủ và quyền phổ thông tuyển cử, thừa nhận quyền dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền. 6. Chia lại ruộng công, làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy. Giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ. 7. Thi hành luật ngày làm 8 giờ. Đặt luật xã hội bảo hiểm, cứu tế nạn dân. 8. Thành lập và mở mang nền kinh tế quốc dân. Khuyến khích và giúp đỡ công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp.Lập Quốc gia Ngân hàng. 9. Chống nạn mù chữ, cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học. Đào tạo các hạng nhân tài. 10. Thân thiện với các nước coi trọng Độc lập Việt Nam.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 4, tr.3.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.406.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.1.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.175.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.612.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.2.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.153.
TS. Lê Thu Hồng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh