Chuyện người cựu chiến binh học và làm theo Bác

 

Sinh năm 1955, tại thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), năm 1974, ông Trần Công Hậu lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Năm 1980, ông phục viên về quê hương, tham gia xây dựng HTX ngư nghiệp. Sau khi các HTX chuyển đổi, ông cùng gia đình kêu gọi anh em hỗ trợ, vay vốn làm ăn. Từ 30 triệu đồng vốn vay, ông mua sắm phương tiện, khai thác hải sản gần bờ.

Do nguồn lợi hải sản ngày càng khan hiếm, việc đánh bắt kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ. Ông bà phải bán đi căn nhà của mình để trả nợ, kinh tế gia đình lúc này càng khó khăn hơn. Với bản lĩnh của người lính, ông Hậu quyết không lùi bước. Ông nảy ra sáng kiến lắp máy đẩy vào thúng chai để đánh bắt ốc hương, mực lá, cua ghẹ...

Đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh tỉnh tham quan mô hình nuôi sá sấu của ông Trần Công Hậu.
Đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh tỉnh tham quan mô hình nuôi sá sấu của ông Trần Công Hậu.

Đây là việc còn ít người làm ở thời kỳ đó. Ông động viên cả gia đình cùng vào cuộc để khôi phục kinh tế, vừa làm biển, vừa phát triển dịch vụ buôn bán và chăn nuôi. Chỉ một vài năm sau, ông đã mua lại được nhà ở và trả hết nợ.

Không dừng lại ở đó, cùng với số vốn tích lũy được, ông bàn với gia đình vay thêm đủ 500 triệu đồng để mua sắm tàu đánh bắt xa bờ. Với hai nghề chủ yếu câu cá hố và mành chụp mực, sau bốn năm trực tiếp làm thuyền trưởng, ngoài trang trải mọi thứ, ông còn tích luỹ thanh toán cho ngân hàng 400 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả của đánh bắt xa bờ, nhằm tạo việc làm cho con cái, sau hai năm kèm cặp, bồi dưỡng, ông chuyển tài sản cho con trai làm tài công và sắm thêm một con tàu mới trị giá trên 500 triệu đồng. Hai chiếc tàu của gia đình ông thu hút 16 lao động là con cháu trong gia đình và con em của đồng đội. Sau khi khấu trừ chi phí, thu nhập mỗi lao động đạt từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Từ khi địa phương có chủ trương kêu gọi đầu tư vào làng nghề, ông đã tiên phong đăng ký trong đợt đầu và được cấp 1.000m2 đất để nuôi trồng thuỷ sản. Có đất, ông giao cả 2 con tàu cho các con quản lý, đồng thời đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng lán trại và 4 hồ nuôi cá nước ngọt, mỗi hồ 50m2, thả 10.000 cá giống, chủ yếu cá lóc và cá trê… Ông còn quy hoạch vườn cây ăn quả, nuôi ngan và chim bồ câu đàn.

Với diện tích còn lại, ông xây thêm 6 hồ để tăng đàn cá lóc và nuôi 200 con cá sấu. Mỗi năm, ông thu gần 7 tấn cá các loại, riêng cá sấu thương phẩm đã phục vụ cho thị trường Quảng Bình và xuất ra tỉnh bạn. Ngoài tạo việc làm cho con em trong gia đình, mô hình của ông đã giúp cho 5-7 lao động có việc làm thường xuyên và 10-12 lao động thời vụ, thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng, trong đó có 5 hội viên cựu chiến binh (CCB).

Với đức tính cần cù, năng động, dám nghĩ dám làm, quyết tâm học hỏi để chiến thắng đói nghèo, cựu chiến binh Trần Công Hậu đã đúc rút được cách làm kinh tế đa dạng và hiệu quả. Ông cũng tích cực trong mọi công tác được giao. Đông Cảng là thôn đầu sông cửa lạch, có nhiều hoạt động rất cần sự phối hợp của lực lượng cựu chiến binh, như: giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn…

Nhiều năm trên cương vị Chi hội trưởng, ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh xã, ông luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình chăm lo xây dựng chi hội vững mạnh, có nhiều hoạt động nổi bật tại địa phương.

Hơn 10 năm qua, ông liên tục được công nhận là “Hội viên sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, 2 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen, Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua”, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen.

Đặc biệt, tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức, CCB Trần Công Hậu vinh dự được BCH Đảng bộ tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác./.

Nguyễn Tiến Nên

Theo http://baoquangbinh.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website