Thật sự tôn trọng và học hỏi dân thì nhất định sẽ thành công

 

Lấy dân làm gốc, khơi dậy, phát huy sức dân (Kỳ 1): Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới

Lấy dân làm gốc, khơi dậy, phát huy sức dân (Kỳ 2): Lan tỏa phong trào giúp nhau giảm nghèo

Giao lưu với các điển hình tiên tiến là một trong những cách thức tuyên truyền có sức lan tỏa sâu rộng nhất.
Các điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị 05 giao lưu tại Hội Nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 do Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức.

Có lúc, có nơi còn qua loa, chiếu lệ

Hiện nay, mặc dù nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Nông đã nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc khơi sức dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, song không phải đơn vị nào cũng biết phát huy sức dân. Đơn cử như trong xây dựng nông thôn mới được xác định là “của dân, do dân và vì dân”, nhưng quá trình triển khai, nhiều địa phương có những cách làm chưa đúng, chưa phát huy hết dân chủ, sức mạnh tổng hợp của nhân dân. Còn có đơn vị chưa thực sự coi trọng dân, chưa lấy dân làm gốc, làm việc còn qua loa, chiếu lệ, làm mất uy tín trong dân.

Câu chuyện về con đường bê tông ở cụm dân cư số 2, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong, Đắk Nông) là một ví dụ. Mỗi phần việc đề ra đều cần phải có sự vào cuộc của dân, song xã Đắk Ha lại chưa phát huy được vai trò giám sát của nhân dân, dẫn đến con đường bê tông làm không đúng với thỏa thuận ban đầu.

Được biết, dự án làm đường dân sinh vào cụm dân cư số 2 sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017, do UBND xã Đắk Ha làm chủ đầu tư. Tuyến đường có chiều dài 1,5 km, mặt đường rộng 3m, với tổng mức đầu tư 1,6 tỷ đồng. Quá trình thi công, nhà thầu đã thi công tuyến đường sang một hướng khác, không đúng với sự thống nhất ban đầu của người dân. Từ đó có thể thấy, nếu như trong quá trình thi công có sự giám sát của nhân dân thì sẽ không dẫn đến việc đáng tiếc xảy ra.

Với sự tuyên truyền sâu rộng, nhân dân xã Đắk Lao (Đắk Mil) đã hiểu tầm quan trọng
của xây dựng nông thôn mới, chủ động mở rộng diện tích mặt đường.

Tại nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay góp sức vào các nhiệm vụ chính trị ở địa phương chưa đến nơi đến chốn, còn mang tính hình thức. Nguyên nhân một phần là do một số cán bộ còn thiếu năng lực, thiếu kỹ năng tuyên truyền, vận động, phân tích, nhất là thiếu tính kiên nhẫn. Bởi một bộ phận bà con là người dân tộc thiểu số, không phải nói là hiểu ngay mà cần phải kiên trì, nhẫn nại theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và khi đã thấm thì sẽ tự giác làm theo.

Bên cạnh đó, nhiều nơi việc tuyên truyền còn theo kiểu lý thuyết chung chung, chưa sâu sát thực tế, chưa làm cho nhân dân hiểu được quyền lợi khi tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Cũng có nơi, hình thức tuyên truyền còn khô khan, cứng nhắc, thiếu sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt.

Một số cấp ủy địa phương chưa thực sự chú trọng đến việc triển khai học tập và làm theo Bác đến với nhân dân, còn phó mặc cho cán bộ ngành Tuyên giáo, làm theo tính hình thức, chiếu lệ. Các phong trào được đề ra đang đọng lại ở đâu đó cấp trung gian từ tỉnh đến huyện, còn xuống xã chưa sâu, nhất là chưa đến được với đông đảo người dân.

Tính tiền phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây mất niềm tin trong dân. Khi cán bộ, đảng viên không được nhân dân tín nhiệm thì huy động sức dân rất khó.

Chị Đinh Thị Hiền (bên phải) Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong)
luôn gương mẫu trong cuộc sống để người dân noi theo.

Phải tin dân, lắng nghe nhân dân

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân dân chính là dù ở bất cứ lĩnh vực nào, nếu biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thật sự tôn trọng và học hỏi dân thì nhất định sẽ thành công. Do đó, để hiểu được dân thì điều đầu tiên là cấp ủy, chính quyền phải tin dân, lắng nghe dân.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Vân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông,  để huy động được sức dân, việc đầu tiên là phải xây dựng cho được một bộ máy hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, thông suốt, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Vận hành bộ máy ấy phải là những người cán bộ luôn nghĩ cho dân, vì dân để củng cố, tạo dựng lòng tin cho người dân. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần khắc phục hoạt động hành chính hóa, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm được tâm tư nguyện vọng người dân, xem cần gì, như thế nào, các chủ trương, chính sách đề ra có sát hay không, có thu phục được lòng dân hay không? Trong quá trình hoạt động cần phải lắng nghe sự góp ý của nhân dân, xem mình là “công bộc” của dân chứ không phải là “quan” nhân dân. Những gì người dân phản ánh thì cần phải nghiêm túc xem xét, vướng ở đâu, vì sao dân không thuận để có cách giải quyết thỏa đáng. Khi lòng dân đã thuận thì mọi việc đề ra dù nhỏ hay lớn, khó hay dễ cũng ắt thành.

Ngoài thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Mến (bên phải) Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận An (Đắk Mil) thường xuyên xuống nhà hội viên hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng.

Các cấp, ngành phải huy động sức dân bằng nhiều cách, chú trọng tăng cường sự giám sát của người dân đối với chính quyền. Ví dụ, để xây dựng một công trình, dự án nào đó liên quan trực tiếp đến nhân dân, nếu chưa trưng cầu ý dân mà thực hiện thì khi dự án xảy ra vấn đề không tốt sẽ rất khó để thuyết phục, giải thích cho nhân dân, dẫn đến mất niềm tin. Thực tế đã chứng minh, muốn huy động sức dân thì phải tạo được sự đồng thuận trong dân, trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng lợi”.

Công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương cũng cần được chú trọng. Việc tuyên truyền không chỉ chung chung, khô khan, mà cần có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng và thường xuyên thay đổi, linh hoạt trong phương pháp truyền tải để mang lại hiệu quả cao nhất. Công tác tuyên truyền cần đi kèm với kiểm tra, giám sát, xem việc tuyên truyền đã tác động như thế nào đến nhận thức và hành động của nhân dân.

Để phát huy tốt vai trò, sức mạnh của nhân dân, các cấp chính quyền phải phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào các phần việc của địa phương, nhất là những vấn đề liên quan đến họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó có quan hệ rất chặt với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ, quần chúng đề ra sáng kiến”. Vì thế, Người luôn luôn nhắc nhở: “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tuyệt đối không được lên mặt "quan cách mạng" ra lệnh, ra oai với nhân dân”.

Khi các chủ trương, chính sách hợp lòng dân, bà con sẽ tích cực, hăng say
trong lao động sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và thôn xóm.

Như trong xây dựng nông thôn mới, ở địa phương nào mà cán bộ, chính quyền lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó thì người dân mới tích cực, hăng hái đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới. Điều này không chỉ tạo khí thế phấn khởi, hợp lòng dân vừa nuôi dưỡng sức dân để tạo nguồn lực đóng góp cho các tiêu chí khác.

Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là những người đứng đầu cần phải xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong bộ máy rồi đến đoàn kết toàn dân. Bởi chỉ có đoàn kết mới tập hợp được sức mạnh của từng người, tạo nên sức mạnh lớn lao của hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu, hàng chục triệu người. Việc có to mấy, nặng mấy, khó mấy nếu biết đồng lòng, hiệp lực thì nhất định sẽ làm được.

Giải pháp quan trọng nữa để phát huy sức dân đó chính là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân một cách đầy đủ. Để làm được điều này, các cấp, ngành cần thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc thúc đẩy nhân dân phát triển kinh tế, xã hội. Khi được quan tâm, nhân dân sẽ tin vào Đảng, chính quyền và nỗ lực đưa các nhiệm vụ chính trị của địa phương đề ra đi vào thực tiễn cuộc sống. Như Bác Hồ đã từng nói: Đảng lãnh đạo nhân dân bằng định ra đường lối phát triển kinh tế, tổ chức huy động nhân dân thực hiện sáng tạo đường lối ấy. Nhân dân tin theo Đảng, chủ động phát huy nội lực, khai thác mọi nguồn sức mạnh để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.    

Qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, nhiệm vụ, các cấp, ngành, địa phương cần kịp thời phát hiện, biểu dương những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và đặc biệt là người thật, việc thật, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác. Bác Hồ từng nhấn mạnh: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc. Không có lĩnh vực nào mà tác dụng nêu gương lại quan trọng bằng lĩnh vực đạo đức… Trong xã hội, đó là tấm gương của những "người tốt việc tốt", đối với mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân. Những tấm gương này sẽ có sức lan tỏa, tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của mỗi người.

Bài, ảnh: Hoàng Hoài

Theo http://www.baodaknong.org.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website