Trường Tiểu học Quảng Tân (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) là một trong những đơn vị triển khai sớm nhất việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường. Cụ thể, mô hình được nhà trường tổ chức theo không gian thư viện mở, trưng bày sách, ảnh, tư liệu về Bác được chính các thầy cô sưu tầm, tập hợp lại dưới sự hỗ trợ của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Phòng GD&ĐT huyện.
Năm học này, thư viện được bố trí thành các khu nối tiếp nhau, gồm: Khu vực triển lãm hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khu vực trưng bày những cuốn sách viết về Bác, các tác phẩm văn học nổi bật, tài liệu lịch sử địa phương; khu vực lưu trữ những hình ảnh tập thể, cá nhân tiêu biểu của trường đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhà trường còn bố trí một không gian đọc sách khá rộng rãi với nhiều bàn ghế, cây xanh, để thầy và trò có thể sinh hoạt trong giờ giải lao, hoặc tổ chức các tiết ngoại khóa tìm hiểu về Bác.
Hoàng Văn Thái, học sinh Trường Tiểu học Quảng Tân, chia sẻ: Tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh của nhà trường, em được đọc nhiều cuốn sách, câu chuyện hay về tuổi trẻ của Bác. Trong đó, em tâm đắc nhất là chuyện về cách học ngoại ngữ của Bác. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Bác làm công việc dọn dẹp, phụ bếp trên tàu biển, nhưng mỗi ngày vẫn học được từ mới nhờ ghi lên tay, hay mảnh giấy để vừa làm vừa học. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà Bác vẫn học được thì chúng em càng phải cố gắng, kiên trì hơn nữa.
Hiện nay, các trường tiểu học, THCS và TH-THCS trên địa bàn huyện Đầm Hà đang tập trung triển khai xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Thông qua không gian này, hình ảnh của Bác luôn hiện diện gần gũi với thầy và trò, góp phần hình thành những suy nghĩ, tình cảm, niềm tin tốt đẹp trong tâm thức của học sinh.
Với lứa tuổi thiếu nhi, những câu chuyện về Bác Hồ là bài học đạo đức bổ ích, dễ học, dễ làm theo, giúp định hình chuẩn mực, hành vi đạo đức đúng đắn. Với lứa tuổi thanh, thiếu niên, các em cảm nhận được tư tưởng, nhân cách cao đẹp, cùng niềm hy vọng to lớn mà Bác dành cho thế hệ tương lai của đất nước. Thông điệp này cũng không hề cao xa, mà xuất phát từ những điều giản dị trong cuộc sống, như: Tinh thần tiết kiệm; thói quen rèn luyện thể dục thể thao để có sức khỏe tốt; phát huy văn hóa đọc, tinh thần tương thân tương ái; quan tâm đến môi trường... Đó sẽ là bước đầu tiên hình thành nên những công dân tốt, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức và khát vọng cao đẹp ngay từ trên ghế nhà trường.
Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã luôn được đẩy mạnh thực hiện trong trường học dưới nhiều hình thức phong phú, như lồng ghép trong các hội thi, chương trình tọa đàm, ngoại khóa, hành trình về nguồn tìm hiểu lịch sử, sinh hoạt dưới cờ... Với tinh thần đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học là cách làm đổi mới phương pháp tổ chức giáo dục truyền thống, góp phần lan tỏa tinh thần của Bác trong đời sống hằng ngày, trở thành việc làm thường xuyên hơn của các nhà trường, đến gần với học sinh.
Theo Luật Giáo dục năm 2019, nhà trường trong hệ thống giáo dục phổ thông giữ vai trò cốt lõi trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục, nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... Như vậy, việc phát triển không gian văn hoá Hồ Chí Minh là cách làm sáng tạo, sẽ góp phần để các nhà trường đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò, nhiệm vụ được giao.