Bác Hồ với miền Nam

 

Bac ho voi mien nam

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu

 luôn trong tim mỗi người dân nước Việt. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Tấm lòng thương nhớ miền Nam của Người thể hiện từ việc chǎm sóc các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết, đến việc vun trồng cây vú sữa của đồng bào kính tặng Người. Cuối nǎm 1954, một số cán bộ từ miền Nam ra miền Bắc tập kết, đồng bào miền Nam nhờ gửi tới Bác Hồ cây vú sữa, coi đó là tấm lòng của đồng bào. Sáng mồng 2 Tết nǎm 1955, trong buổi gặp và chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Vǎn Kinh thay mặt đồng bào miền Nam dâng tặng Bác. Bác đã trồng cây đó ngay cạnh ngôi nhà nhỏ ở góc vườn trong khu Phủ Chủ tịch. Khi dựng cho Bác ngôi Nhà sàn (1958), Người sang ở ngôi nhà này, tuy chỉ cách ngôi nhà cũ khoảng trǎm thước nhưng Nguời vẫn yêu cầu chuyển cả cây vú sữa sang trồng cạnh ngôi Nhà sàn. Hàng ngày ngồi làm việc, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa được Người chǎm sóc vun trồng, cây vú sữa ngày càng vươn cao. Từ ngày đất nước được giải phóng, có biết bao đồng bào, đồng chí miền Nam ra thǎm miền Bắc, được vào thǎm nơi ở và làm việc của Bác, đứng lặng hồi lâu bên cây vú sữa mà nghĩ suy về tình thương bao la của Bác.

Miền Nam còn trong máu lửa không một phút nào Bác không nghĩ đến miền Nam! Người nhớ thương đồng bào miền Nam bao nhiêu, thì càng vui bấy nhiêu khi được gặp đại biểu của miền Nam.

Ngày 20-12-1962, Bác vui mừng được gặp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do Giáo sư Nguyễn Vǎn Hiếu dẫn đầu ra thǎm miền Bắc. Được gặp Bác, các đồng chí mừng vui khôn xiết. Đồng chí Nguyễn Vǎn Hiếu, thay mặt đồng bào, đồng chí miền Nam, kính dâng Bác những món quà quý. Sau khi nhận quà, Bác đặt bàn tay lên ngực trái và cảm động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”.

Một buổi chiều nǎm 1965, Bác gặp đoàn Anh hùng dũng sĩ miền Nam, vừa thấy Bác, cả đoàn reo lên: “Bác, Bác, Bác ơi! Chúng cháu nhớ Bác quá! Đồng bào miền Nam nhớ Bác quá!”. Nhìn Bác, cả đoàn đều khóc vì sung sướng, vì cảm động và vây quanh Bác như những người con đã xa lâu ngày về quây quần bên cha. Bác xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”. Bác cǎn dặn Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng phải làm các món ǎn đa phương thì các cháu miền Nam mới ǎn được nhiều, sức khỏe mới tốt.

Ở cạnh nhà Bác có một khóm hoa phong lan. Ngày ngày sau khi ǎn cơm chiều xong, Bác ra tưới cho hoa. Lần đó, hoa nở đẹp, Bác gọi đồng chí theo dõi sức khỏe cho Bác ra thǎm hoa, Bác nói: “Chú ạ, hoa của Bác nếu ở Pari thì thu được nhiều tiền lắm. Vì ở đó ai muốn vào xem hoa thì phải mua vé. Hoa phong lan của Bác đẹp thế này thì chắc khách thǎm đông lắm”. Một lần vào nǎm 1968, Bác gặp ba nữ đồng chí ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh và Quảng Trị. Ba đồng chí này vừa đi dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ IX họp ở Xô-phi-a (Bun-ga-ri) về. Các đồng chí kể cho Bác nghe về tình cảm của các bạn thế giới đối với Việt Nam, Bác cảm động nói: “Miền Nam đã làm thơm danh Bác với bạn bè thế giới”. Ba đồng chí được chụp ảnh kỷ niệm với Bác. Để đồng chí nào cũng được gần Bác, Bác cho mỗi đồng chí được đứng cạnh Bác một lần. Nhưng riêng đồng chí ở Quảng Trị, Bác bảo: “Cháu Bưởi ở miền Nam đứng nguyên chỗ này” (tức là cạnh Bác mà không phải đổi chỗ). Chụp ảnh xong, Bác ngắt tặng mỗi đồng chí một bông hoa phong lan và nói: “Các cháu trở về Quảng Bình, Vĩnh Linh cho Bác gửi lời hỏi thǎm bà con trong đó”.

Đối với các cháu thiếu nhi miền Nam đã ra miền bắc, Bác dành cả tình thương của mình cho các cháu, từ việc ǎn, ở, đến việc học hành. Cảm động biết bao, lần Bác tiếp các dũng sĩ miền Nam. Đó là: Hồ Thị Thu, phá 13 khẩu súng địch bằng cách nhân lúc địch sơ hở, Thu bỏ cát vào nòng súng; Võ Phổ, diệt 60 tên Mỹ ngụy; Ngô Nết, 12 tuổi diệt 5 tên Mỹ; Võ Hường, 15 tuổi diệt 35 tên Mỹ, bị mất một cánh tay, mù một mắt. Đoàn Vǎn Luyện diệt được nhiều Mỹ hơn cả. Khi gặp các cháu, Bác hỏi: “Thằng Mỹ to các cháu có sợ không?”. Các cháu thưa: “Chúng cháu cũng như đồng bào ở trong đó không hề sợ lính Mỹ, cũng không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ sợ một điều: “Chúng cháu chỉ sợ bị mù cả hai con mắt, sau này không được nhìn thấy Bác”. Vừa nghe trả lời xong, Bác đã khóc. Bác khóc vì Bác thương các cháu, thương nhớ miền Nam mong hoài mà chưa một lần được gặp Bác. Tết nǎm 1969, Bác đã cho ô tô về Hải Phòng đón các cháu về ǎn Tết với Bác. Các cháu có ngờ đâu đây là cái Tết cuối cùng vui bên Bác.

Miền Nam chưa giải phóng, Bác coi là chưa làm tròn nhiệm vụ. Bởi vậy, khi được tin kỳ họp thứ VI, Quốc hội khoá II (5-1963) quyết định tặng Bác Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta, Bác nói: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

Nhân dịp kỷ niệm 50 nǎm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Đảng, Chính phủ Liên Xô quyết định trao tặng Bác Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Liên Xô, Bác cũng đề nghị: Đảng, Chính phủ Liên Xô hoãn việc trao Huân chương đó, chờ đến ngày đất nước ta hoàn toàn độc lập, Bác thay mặt đồng bào cả nước nhận Huân chương cao quý đó.

Sang nǎm 1967, Bác thấy sức khỏe của mình có phần giảm sút, Bác tích cực đi bộ, có khi tập leo núi cao, với ý định vào thǎm đồng bào, đồng chí miền Nam, Người đã chính thức nêu ý kiến đó với Bộ Chính trị. Thấy Bác quyết tâm, các đồng chí phụ trách đành phải báo cáo đường đi rất khó khǎn vất vả, e Bác đi không được. Bác nói: “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ. Các chú đi được thì tôi đi được. Đi mỗi ngày một ít. Chưa chắc thua các chú đâu”.

Và Bác đã tự thu xếp việc này khá chu đáo. Một mặt Bác bảo đồng chí trực tiếp giúp việc Bác hàng ngày để râu để hóa trang, một mặt Bác gửi thư cho đồng chí Bí thư thứ nhất của Đảng để thu xếp công việc, Bác dặn: “Nhớ lại hồi Nô-en nǎm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thǎm miền Nam sau ngày ta giành thắng lợi hoàn toàn, Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thǎm khi anh em trong đó đang chuẩn bị mở màn thứ 3. Đi thǎm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em...”.

Có những lần, Bác dặn đồng chí phục vụ: Hôm nay, Bác mời cơm đồng chí miền Nam, chú nhớ đơm cho Bác bát cơm thật đầy để đồng bào, đồng chí miền Nam an tâm.

Vào một ngày tháng 3 nǎm 1969, Bác gặp đồng chí Huỳnh Thị Kiển, nữ du kích ở Quảng Nam, bị địch bắt tra tấn, chặt một chân. Hôm chị vào thǎm Bác, chị tới phòng khách của Bác trước và ngồi chờ. Khi Bác bước vào, Kiển quên bẵng mình chỉ còn một chân, bỏ nạng chạy lại với Bác. Thấy Kiển chệnh choạng, Bác bước lên, Kiển sà vào lòng Bác và khóc. Khi địch chặt chân chị, chị không hề khóc, thế mà bây giờ gặp Bác, nước mắt chị cứ chảy tràn trên má. Kiển cùng được ǎn cơm với Bác. Lúc Bác ǎn hết bát cơm, đơm bát khác, Bác hỏi Kiển: “Bác đơm thế này được chưa?”, “Thưa Bác, Bác phải đơm thiệt đầy ạ”. Chiều Kiển, Bác đơm thêm cơm cho đầy.

Sức khoẻ của Bác ngày một giảm nhưng Bác không muốn đồng chí, đồng bào phải lo lắng và Bác không bao giờ nói về bệnh tật của mình. Khi đã mệt nặng phải nằm trên giường bệnh, Bác cũng không muốn cho mọi người thấy rằng mình mệt. Các bác sĩ lo lắng, nhưng Bác lại nói những lời động viên bác sĩ. Cứ sau cơn mệt nặng, lúc tỉnh dậy, câu hỏi đầu tiên của Bác là: “Hôm nay, đồng bào miền Nam đã thắng đến đâu?”. Và Người vẫn yêu cầu cho nghe tin tức, đặc biệt là tin miền Nam và những tin tức quan trọng thế giới. Ngay cạnh giường bệnh, Bác vẫn để chiếc đài, chiếc đài này là chiến lợi phẩm mà chiến sĩ ta thu được ở trận Phước Thành (9-1961), các chiến sỹ ta đã gửi ra biếu Bác. Những ngày Bác nằm trên giường bệnh, Bác vẫn mở đài lắng nghe từng bước trên tiền tuyến.

Thế đấy, suốt mấy chục nǎm, không một phút nào Bác không nghĩ đến đồng bào miền Nam. Từ trong bữa ǎn đến công việc hằng ngày, Bác đều nghĩ đến miền Nam. Lúc mệt nặng, Bác cũng mang theo mình hơi ấm miền Nam.

Tình cảm ấy được nhà thơ Tố Hữu viết: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà, miền Nam mong Bác nỗi mong Cha.

Kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta càng nhớ Bác nhiều, và vẫn luôn thấy “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”./.

                                                                                                                                       Tiến sĩ Trần Viết Hoàn

Theo báo Nhân Dân cuối tuần


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website