Gần 15 năm sưu tầm ảnh, ông đã có trong tay khoảng 5 vạn tấm ảnh các loại, trong đó ảnh về Bác Hồ là khoảng 1.000 tấm. Với ông, đây là niềm đam mê và cũng chính là niềm vui sống trong phần đời còn lại.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của ông Phan Bùi Tường, trú ở khối 16, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh (Nghệ An) trong một buổi sáng Tháng 5. Dù đã gần chạm ngưỡng tuổi 80 nhưng ông Tường còn rất minh mẫn. Đặc biệt, trong cuộc trò chuyện, khi nhắc đến đến ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ đang tới gần, đôi mắt ông Tường lại sáng lên đầy xúc động.
Nói đến đây, ông vội đi lấy rồi mang ra tập ảnh Bác Hồ khá dày. Cẩn thận lật từng bức ảnh, ông xúc động cho biết: “Tôi không có cơ hội gặp khi Bác còn sống nhưng cuộc đời, con người, sự nghiệp của Người đã trở thành tấm gương cho tôi noi theo suốt cuộc đời này. Tôi đã ấp ủ kế hoạch sưu tầm ảnh Bác từ rất lâu, nhưng không có điều kiện lại sợ không chuyên tâm sẽ hỏng mục đích của mình, nên chỉ từ lúc nghỉ hưu tôi mới dám bắt tay thực hiện”.
|
Ông Phan Bùi Tường bên tập tư liệu ảnh Bác Hồ mà ông đã dày công sưu tầm |
Vì vậy, mãi cho đến năm 2000, khi bắt đầu nghỉ hưu, ông Tường mới bắt đầu hành trình tìm kiếm, sưu tầm ảnh Bác. “Thời gian đầu ông ấy chỉ chăm chăm tìm ảnh, không thiết đến việc ăn uống, ngay cả vợ con cũng chả quan tâm gì khiến tôi giận lắm. Nhưng có ngăn cản ông ấy vẫn làm, dù sao con cũng đã lớn khôn, về già cũng rảnh rỗi thời gian, thế là tôi ủng hộ, nhẹ nhàng động viên. Ấy vậy mà cũng gần 15 năm trôi qua rồi”, vợ ông Tường từ trong nhà bước ra góp chuyện.
Ban đầu, ông Tường đặt mua báo Tiền Phong và một số tờ báo khác, trong quá trình đọc báo, nếu có ảnh Bác Hồ, ông sẽ dùng kéo cắt cẩn thận, dán vào tập ảnh đã đóng sẵn. Ngoài sưu tầm trên báo, ông còn đến các hiệu sách, thư viện đặt mua các tư liệu cũ về Bác Hồ.
Mọi người biết chuyện đều ủng hộ nhiệt tình, nhiều bạn bè của ông cũng thường xuyên tìm kiếm hình ảnh Bác mang sang đóng góp vào bộ sưu tập. Tranh thủ ngày nghỉ, con cháu về tụ họp với ông bà cũng động viên bằng cách giúp ông đóng lại các tập ảnh và dán từng tấm ảnh vào tập album này.
Cũng trong quá trình dày công sưu tầm ảnh tư liệu về Bác, ông Tường bắt gặp được nhiều tấm ảnh rất đẹp khác của những người có công với cách mạng, ca sỹ, những người thành đạt… nên ông cũng cắt dán và để làm bộ sưu tập riêng.
|
Tập ảnh dày 150 tờ với hơn 1.000 bức ảnh đều do ông tự tay sưu tầm, cắt dán |
Nhìn tập ảnh do ông tự đóng bằng giấy A4, dày tới 150 tờ, mỗi tờ giấy đều có ảnh ở 2 mặt, khiến ai cũng trầm trồ thán phục. Đến nay, ông đã có trong tay khoảng 5 vạn tấm ảnh các loại, trong đó ảnh về Bác Hồ là khoảng 1.000 tấm.
Sưu tầm từ nhiều nguồn nên bộ sưu tập ảnh của ông rất phong phú, không có sự trùng lặp. Mỗi bức ảnh là một góc nhìn mang nhiều ý nghĩa về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ lúc Người lên tàu ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi về nước trực tiếp chỉ đạo kháng chiến. Đó còn là những bức ảnh gần gũi hơn như Bác cùng hành quân với bộ đội, Bác với các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác tham gia tăng gia sản xuất, ra đồng cày ruộng, tát nước với bà con nông dân…
Tập tư liệu ảnh cũng đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của ông Tường. Với ông, nó là một người bạn, một kho tư liệu quý giá. Ông còn photo thành nhiều bản để gửi tặng bạn bè. Ông Tường nói: “Tôi không ngừng học tập Người nên mới được như ngày hôm nay, hiện nay cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng vì thế tôi chỉ mong con cháu tôi cũng noi gương và thực hiện lối sống giản dị, luôn hết mình với công việc như Người thì thật tuyệt”.
Dù tuổi đã cao, sức đã yếu, thế nhưng với ông Tường, ngày nào ông còn sống trên đời thì ông vẫn sẽ tiếp tục sưu tầm ảnh Bác. Đó không chỉ là niềm vui, niềm đam mê, mà còn là giá trị tinh thần quý giá cho những thế hệ sau. “Không chỉ là một tập, nếu mỗi người đều thực hiện thì sẽ có rất nhiều tập ảnh về Bác hơn nữa. Bác sẽ sống mãi muôn đời với nhân dân chúng ta”, ông Tường chia sẻ.
Thái Hải
Theo Nguoiduatin.vn