Bác Hồ trong lòng người dân Kon Tum

 

Ngay trong những ngày kháng chiến, biết được, hiểu được tấm lòng của Bác Hồ dành cho nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung và cho nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng, bà con rất mực tin tưởng vào cán bộ, tin vào Đảng và Bác Hồ. Hình ảnh Bác Hồ đã được khắc sâu trong lòng người dân, với những khái niệm giản dị nhưng vô cùng thành kính, thiêng liêng: Tiếng nói Bác Hồ; bộ đội Cụ Hồ; hạt muối, hạt gạo Bác Hồ; cái chữ Bác Hồ…

Nhiều người con của quê hương Kon Tum đã vinh dự được nhiều lần gặp Bác: Ông Sô Lây Tăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; ông Ka Ba Tơ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; bà Y Xuôi - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Ông Ka Ba Tơ - người  3 lần được gặp Bác Hồ bộc bạch: Cũng như nhiều học sinh miền Nam khác, những năm tháng học tập ở Hà Nội, tôi may mắn được gặp Bác Hồ 3 lần. Lần đầu tiên tôi gặp Bác vào ngày 01/6/1956 - khi đó tôi mới 16 tuổi - dịp đó Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt đại diện học sinh toàn quốc tại Vườn hoa Bách Thảo (Hà Nội). Lần thứ hai, tôi gặp Bác Hồ vào năm 1957 tại Trường Dân tộc Trung ương Gia Lâm (Hà Nội) khi Người đến thăm trường. Lần thứ ba, tôi gặp Bác vào năm 1964 - khi đang học năm 2 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.  Lần nào cũng vậy, Bác đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc sâu sắc.

Đến nay, đã gần 60 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên được gặp Bác, nhưng hình ảnh Bác kính yêu vẫn hằn sâu trong tâm trí cùng với những lời dặn dò ân cần luôn trở thành động lực để ông Ka Ba Tơ luôn nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện. Bởi vậy, trải qua nhiều cương vị công tác, rồi có thời kỳ (1965-1969) công tác ở mặt trận Đăk Glei đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, ác liệt... nhưng hoàn cảnh nào, cương vị nào, ông cũng luôn nhớ lời dặn của Bác Hồ luôn cống hiến hết mình xây dựng quê hương, xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Còn bà Y Nghéo - người dân tộc Jẻ Triêng ở tổ dân phố 2, phường Lê Lợi, TP Kon Tum năm nay 73 tuổi và đã có 54 năm tuổi Đảng. Mặc dù chưa được gặp Bác lần nào, nhưng với bà, Bác Hồ rất đỗi thân quen, gần gũi. Bà kể: Tôi chưa một lần được gặp Bác, nhưng khi năm mới 13 tuổi đã làm liên lạc đưa công văn cho bộ đội và đến năm 1959 (17 tuổi), trở thành du kích vùng Đăk Blô (Đăk Glei)... đã được nghe kể nhiều, nhắc nhiều đến Bác Hồ.

Một lòng theo Đảng, theo Bác, muốn được cầm súng giết giặc, năm 1960, hai vợ chồng bà gửi nhà lại cho mẹ, cho em dẫn nhau lên gặp lãnh đạo huyện xin được đi bộ đội. Lúc đó. Lãnh đạo huyện H40 đã động viên bà ở lại làm công tác vận động quần chúng và đến năm 1961, bà được kết nạp vào Đảng, năm đó bà mới 19 tuổi.

“Khi mới đi hoạt động cách mạng, tôi được cán bộ dạy cho biết đọc, biết viết chữ Bác Hồ, được giảng giải về Đảng, về cách mạng, được nghe những câu chuyện kể về tấm lòng vì nước vì dân của Bác, kể về tình cảm của Bác dành cho nhân dân Tây Nguyên... Chính những tình cảm của Bác dành cho đồng bào Tây Nguyên thật lớn lao đã trở thành nguồn động viên lớn cho bản thân tôi cũng như những người thân trong gia đình và dân làng trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tôi thường nghĩ, dân ta được đổi đời nô lệ có được cuộc sống tươi đẹp như hiện nay là nhờ có Đảng, có Bác Hồ. Ngay từ hồi còn rất trẻ, tôi đã có được niềm tin ấy và niềm tin ấy vẫn vẹn nguyên trong tôi cho đến ngày hôm nay” - bà Y Nghéo tâm sự.

Bác Hồ yêu quý luôn ở trong trái tim người dân Kon Tum, nên với người dân Kon Tum, Bác Hồ luôn là lẽ sống, là niềm tin. “Người là Cha, là Bác, là Anh”, Người trở nên thân thuộc trong cuộc sống thường nhật của bà con dân làng, của mỗi gia đình. Chính vì vậy mà trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhiều gia đình đã treo ảnh Bác, treo thư Bác Hồ gửi cho đồng bào tại Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku ngày 19/4/1946. Chẳng hạn như chủ trương treo thư Bác tại các nhà rông để bà con có điều kiện đọc, học và làm theo lời Bác dặn được triển khai từ năm 2006 đến nay đã được đông đảo bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh hưởng ứng. Đến nay, không chỉ các nhà rông ở các làng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đều treo thư Bác mà ở một số hội trường các khu dân cư và nhiều hộ gia đình cùng với việc treo ảnh Bác cũng đã treo thư Bác ở nơi trang trọng nhất.

“Thư của Bác không chỉ được treo ở nhà rông mà hiện tại bản thân già cùng hơn 50% số hộ gia đình trong làng cũng đã treo ảnh, thư của Bác. Dân làng chúng tôi luôn tâm niệm, treo thư Bác để nhớ lời Bác dặn và để học tập, làm theo lời Bác” - già Kso Jun, làng Plei Rơ Hai II, phường Lê Lợi, TP Kon Tum giải thích.

Già Kso Jun treo thư Bác để làm theo lời Bác. Ảnh: VP
Già Kso Jun treo thư Bác để làm theo lời Bác. Ảnh: VP

Già Kso Jun còn tâm sự: Bản thân già từng có thời gian lầm lỡ đi theo Đề Ga nhưng rồi già nhận thấy chỉ có Đảng, có Bác Hồ mới mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nói chung và người Ba Na nói riêng. Cũng nhờ đọc được, hiểu được những lời căn dặn của Bác, già mới nhận ra sai lầm của mình, không nghe theo lời kẻ xấu, mọi thành viên trong gia đình già cũng từ đó mà đồng lòng trước mọi công việc chung, kinh tế gia đình dần phát triển. Từ kinh nghiệm của gia đình, già luôn dặn dò bà con trong làng cần phát huy truyền thống đoàn kết, trên dưới một lòng thống nhất, đồng thuận thì mọi việc nhất định sẽ thành công. Từ những việc nhỏ như muốn giúp đỡ cho một gia đình gặp khó khăn cho đến những việc lớn như bê tông hóa con đường, sửa sang lại nhà rông… chỉ cần đưa ra bàn bạc, bà con đồng lòng thì mỗi người góp chút sức, góp chút  của thì chẳng mấy chốc mà hoàn thành.

Với tình cảm sâu nặng và niềm tin son sắt dành cho Bác, đồng bào các dân tộc Kon Tum đã chung vai sát cánh, đoàn kết đi theo Đảng và Bác Hồ làm nên hết kỳ tích này đến kỳ tích khác cả trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Bác Hồ luôn ở trong lòng người dân Kon Tum nên đến nay, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào công việc, cuộc sống hàng ngày. Từ những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Bác Hồ dưới cờ vào những sáng thứ hai đầu tuần ở các thôn làng, ở các trường học; “Hũ gạo tiết kiệm” của chị em phụ nữ, cho đến các phong trào thi đua “Thanh niên Kon Tum làm theo lời Bác”, rồi thiếu nhi Kon Tum phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành cháu ngoan Bác Hồ... đã ngày càng lan tỏa sâu rộng. Và phải khẳng định rằng, chính nhờ những việc làm, mô hình hay, sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đưa tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gần gũi hơn với mọi người, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp.

Liễu Hạnh

Theo http://baokontum.com.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website