Xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”

 Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nỗ lực điều trị cho bệnh nhân

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta không chỉ gây ra những tổn thất to lớn về sức khỏe, tính mạng của người dân mà còn tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.

Khi nhận được lệnh triệu tập vào Bệnh viện dã chiến tỉnh, hay khi cần chi viện nhân lực cho các địa phương là tâm dịch của cả nước, rất nhiều cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng gác lại mọi công việc riêng, vượt lên những khó khăn đặc thù, nguy cơ lây nhiễm bệnh để tham gia vào cuộc chiến chống dịch với ý chí quyết tâm cao nhất.

Là một trong những cán bộ y tế tình nguyện xung kích lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nhất, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Giáp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Thời điểm tháng 5, tháng 6, khi cái nóng mùa hè lên đến đỉnh điểm, chúng tôi vẫn phải khoác lên người bộ quần áo bảo hộ kín mít cùng khẩu trang chuyên dụng liên tục trong nhiều giờ đồng hồ. Khi đó, tình trạng bệnh nhân quá tải, số lượng các chuyên gia, bác sĩ, cán bộ y tế lại không đủ, khiến kíp trực của chúng tôi phải tăng cường lên 12 tiếng/ngày.

Khó khăn là vậy, nhưng khi giành lại được sự sống cho người bệnh, bản thân tôi cũng như các y, bác sĩ khác đều quên hết mệt mỏi, nhanh chóng lấy lại tinh thần, tập trung cứu chữa cho những bệnh nhân khác.

Tôi vẫn nhớ mãi trường hợp bệnh nhân nữ sinh năm 1985, khi phát hiện dương tính Covid-19, tình hình bệnh nhân trở nặng, xuất hiện suy hô hấp, cơ thể tím tái, cần phải thở máy. Sau 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tổn thương cơ tim. Khi đó, tôi cùng các đồng nghiệp lập tức tiến hành kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), đồng thời lọc máu liên tục.

Sau 2 tuần, tình hình bệnh nhân không khả quan, bắt buộc phải chuyển xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Mặc dù thời gian chuyển bệnh nhân chỉ có hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng bản thân chúng tôi cảm tưởng như rất dài bởi phải liên tục chăm sóc cho bệnh nhân trong không gian kín và chật hẹp, có thời điểm bệnh nhân xuất hiện nguy cơ ngừng tim. May mắn thay, cả quá trình vận chuyển đều thuận lợi, bệnh nhân sau đó được cấp cứu thành công".

Để có thể vượt qua khó khăn, thách thức trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ lực lượng cán bộ, y, bác sĩ. Thay vì chỉ làm tốt công việc chuyên môn của mình như trước đây, họ phải đồng thời xử lý một lúc nhiều công việc để có thể vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, vừa chống dịch hiệu quả.

Hơn nữa, phần lớn những bệnh nhân Covid-19 đều có tâm lý hoang mang, lo lắng, thậm chí, không hợp tác trong quá trình thăm khám, điều trị. Khi ấy, chính những cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc lại chính là điểm tựa tinh thần duy nhất của họ.

Tình nguyện lên đường chi viện cho tỉnh Bình Dương, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực, Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh cho biết: "Thời điểm tháng 9/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh với số ca F0 tăng liên tục, với tâm thế còn sức khỏe thì phải giúp và hỗ trợ cộng đồng nên tôi xung phong cùng các cán bộ y tế tỉnh tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương.

Khi đi tôi cũng hoang mang, lo lắng bởi không biết ngày nào được về. Nhưng khi vào tận trong tâm dịch, nhìn thấy những bệnh nhân Covid-19 không có người thân bên cạnh, tôi chỉ có một suy nghĩ, rằng phải cố hết sức chăm sóc, chia sẻ để họ có thể khỏi bệnh nhanh nhất.

Không chỉ thực hiện các công việc chuyên môn, tôi thường trò chuyện, động viên người bệnh để họ lạc quan hơn và có tinh thần chống chọi với bệnh tật. Thường mỗi ngày, tôi làm nhiệm vụ chăm sóc 50-70 bệnh nhân.

Mặc dù áp lực công việc rất lớn, cường độ làm việc cao song bản thân tôi cũng như bao đồng nghiệp khác đều có chung quyết tâm phải tích cực điều trị, chăm sóc kịp thời, giành giật sự sống cho bệnh nhân, để họ sớm trở về với gia đình".

Thật khó có thể kể hết những nỗ lực phi thường của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng để chống chọi với dịch bệnh. Nói như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thì “Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó, là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc dài ngày trong môi trường nguy cơ lây nhiễm và căng thẳng”.

Bài, ảnh: Anh Phương

Theo http://baovinhphuc.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website