Xín Mần thực hiện lời căn dặn của Bác

Duy trì làng nghề mây tre đan truyền thống gắn phát triển du lịch cộng đồng ở xã Khuôn Lùng.

Trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, BTV Huyện ủy xây dựng chương trình, kế hoạch và phát động phong trào thi đua thực hiện 8 lời căn dặn của Bác đảm bảo thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời chú trọng đổi mới nội dung thi đua, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong tổ chức và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, BTV Huyện ủy đã nghiêm túc quán triệt, triển khai đến các chi, đảng bộ và tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Các cấp ủy đảng đã quan tâm lãnh, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chỉ thị 05. Đưa việc học tập và làm theo Bác thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó, xuất hiện nhiều phong trào, mô hình thiết thực, hiệu quả như: Phong trào chung tay xây dựng Nông thôn mới, làm đường đại đoàn kết, hỗ trợ làm nhà ở, mô hình dân vận khéo, “nhà sạch, vườn đẹp”... Nhiều phong trào thi đua có cách làm sáng tạo, như tổ chức “diễn đàn nghe dân nói”, “ngày thứ bảy về cơ sở”, “gia đình 5 không, 3 sạch”, “nhà sạch, khuôn viên đẹp”, thành lập “câu lạc bộ khởi nghiệp của Đoàn thanh niên”, “câu lạc bộ ngân hàng máu sống huyện Xín Mần”...

 

 Nhân dân xã Thèn Phàng chung tay xây dựng nhà ở cho người có công,
cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

Công tác an sinh xã hội, tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã tập trung xây dựng, phát triển các cây, con chủ lực, thế mạnh của địa phương, thành hàng hóa theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn, gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng như: Gạo

Già dui, chè, Mướp đắng rừng, Miến dong, Mật ong rừng... Đồng thời, vận dụng sáng tạo và hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước vào điều kiện thực tế để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất; thành lập Ban quản lý phát triển thôn gắn với định hướng và hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư có thu hồi để tái đầu tư với phương châm liên kết “4 nhà”, tạo điều kiện từ nguồn vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nổi bật như cơ sở Miến dong Gia Long với sản lượng trên 200 tấn/năm; 7 hợp tác xã chế biến chè với sản lượng trên 500 tấn chè búp khô/năm và nhiều cơ sở chế biến chè, gạo quy mô gia đình.

Xác định chăn nuôi là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi đạt 35% giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020. Tập trung mọi nguồn lực cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, trong đó nguồn vốn theo Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh hỗ trợ cho nhân dân vay vốn 46,74 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất 15,783 tỷ đồng. Nhờ đó, số hộ chăn nuôi quy mô gia trại ngày càng tăng. Đến năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi đạt 36,7% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được quan tâm, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện, nâng cấp, xây mới hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới...

Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã huy động nguồn lực chung tay xây dựng Nông thôn mới được 173,099 tỷ đồng, 614.345 ngày công lao động. Ổn định dân cư gắn với xây dựng Nông thôn mới được 1.410 hộ, trong đó thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, giai đoạn 2019 – 2021 được 559 hộ, tổng kinh phí 33,93 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã hoàn thành 3 xã đạt chuẩn quốc gia về Nông thôn mới. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng (tăng 8,5 triệu so với 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 32% (giảm 30,22% so với năm 2015); thu ngân sách đạt 66,3 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất cây trồng hàng năm đạt 46,7 triệu đồng; sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 600 kg/năm (tăng 413,8 kg so với năm 1974); 90% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 94% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 40% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa…

Với việc vận dụng linh hoạt các chương trình hành động, phong trào thi đua thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và sự đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần đã cụ thể hóa 8 lời căn dặn của Bác Hồ và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Qua đó, từng bước phát triển KT – XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Bài, ảnh: Văn Long

Theo http://baohagiang.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website