Các cấp công đoàn của tỉnh Thanh Hóa đã bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”; thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước; phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa...
Cô giáo Nguyễn Thị Hương và học sinh trong giờ học. Ảnh: Đức Thắng
Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp công đoàn trong tỉnh thực hiện chỉ thị bằng những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, từng bước đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên trong cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của đoàn viên, CNVCLĐ, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh luôn chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện trong toàn hệ thống công đoàn. Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các cấp công đoàn đã thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ, các cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Trong đó, chú trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tác phong công tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nói đi đôi với làm. Đồng thời, xây dựng việc học và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn, trọng tâm là hoạt động đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống cho đoàn viên, CNVCLĐ.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”; thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước; phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa... Thông qua triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu.
Học và làm theo Bác, chị Đỗ Thị Chinh, Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng – Viện Nông nghiệp Thanh Hóa luôn đi đầu trong việc tìm tòi sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học, tích cực chủ trì và tham gia thực hiện các đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, các dự án khoa học nhằm đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất cho nông dân trong tỉnh, trong đó có nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm về chọn tạo giống lúa được đánh giá cao, áp dụng hiệu quả tại trung tâm. Chị đã nghiên cứu, chọn tạo một số giống lúa lai, lúa thuần mới phục vụ sản xuất, gồm: Giống lúa lai 2 dòng Thanh Ưu 3 (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức năm 2011), giống lúa thuần chất lượng Thuần Việt 7 (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất thử năm 2015). Đã chọn tạo được một số dòng mẹ lúa lai 2 dòng mới (S tím, S trắng, THS1, THS2...) là vật liệu quan trọng để phục vụ công tác nghiên cứu chọn tạo lúa lai... Với những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, chị Chinh đã 3 lần được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; Giải thưởng Lương Đình Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Từ năm học 2015–2016 đến nay, năm nào cô giáo Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa) cũng có học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhiều học sinh đậu đại học với số điểm cao, trong đó có học sinh nằm trong tốp 100 em có điểm khối C cao nhất cả nước, tốp 50 em của tỉnh Thanh Hóa. Cô Hương cho biết: “Với vai trò là giáo viên dạy môn văn, tôi đã học tập nghiêm túc tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác. Đó là phong cách làm việc khoa học, sắp xếp công việc hợp lý, học Bác lối sống giản dị, hòa đồng, lấy tình thương để giáo dục, khích lệ động viên học trò phấn đấu học tập. Trong giảng dạy tôi đã đưa nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác vào bài giảng để học sinh có thể lĩnh hội, rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh, hoài bão, trở thành công dân có ích cho xã hội và vận dụng vào bài viết của mình”. Không chỉ nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người”, cô Hương còn tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia nhiều cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức và đạt giải cao. Nhiều năm liên tục cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp tỉnh; đạt giải ba cấp quốc gia, giải nhất cấp tỉnh “Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp”... Từ năm 2016 đến nay, cô Hương đã nhận được 6 bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Liên đoàn lao động tỉnh.
Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ở các cấp công đoàn tỉnh Thanh Hóa đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, chuyển biến tích cực trong tư tưởng và hành động của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đức Thắng
Theo http://baothanhhoa.vn