Thực hiện lời dạy của Bác, “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”, những năm qua, Hà Nội đặc biệt chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết, nhân lên đồng thuận và động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển hiệu quả hơn.
Đoàn kiểm tra của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội kiểm tra việc triển khai, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Lê Thu
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội
Nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng tại Hà Nội đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong Nhân dân. Việc giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn TP được tăng cường chỉ đạo, thực hiện.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành ủy đã ban hành và đưa vào thực hiện và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Quyền làm chủ của Nhân dân được coi trọng, phát huy, qua đó tạo bầu không khí dân chủ cởi mở hơn trong xã hội, người dân tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cùng với đó, việc thực hiện quy chế dân chủ được gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân, có trách nhiệm với dân, chống tiêu cực, quan liêu, nhũng nhiễu gây phiền hà đến Nhân dân. Chỉ số cải cách hành chính của TP từ năm 2018 đến nay duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, TP. Các cấp, các ngành chủ động cũng giải quyết, xử lý dứt điểm các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề báo chí và dư luận quan tâm, phản ánh.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy Đảng thực hiện đúng nguyên tắc, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Trong giai đoạn 2015 - 2020, từ TP đến các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 5.650 hội nghị phản biện xã hội, chủ yếu tập trung vào dự thảo nghị quyết về kinh tế - xã hội, các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân ở địa phương. Tính đến cuối năm 2019, các Ban Thanh tra Nhân dân cũng đã giám sát 23.187 cuộc, phát hiện 6.795 vụ vi phạm, kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết xử lý 6.562 vụ, số vụ vi phạm được cơ quan có thẩm quyền giải quyết 6.168 vụ. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 11.651 công trình dự án, phát hiện 1.595 công trình, dự án vi phạm, đề nghị khắc phục và xử lý vi phạm 1.513 vụ, kiến nghị thu hồi 116.938m2 đất. Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực: Trật tự xây dựng 13.158 vụ, quản lý đất đai 3.856 vụ, thực hiện dân chủ ở cơ sở 8.268 vụ, các lĩnh vực khác 2.024 vụ.
Đối thoại để thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân
Một điểm nhấn nữa góp phần nâng lên sự đồng thuận tại Hà Nội, năm 2017, Thành ủy đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó, Thành ủy yêu cầu việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm. Quy chế quy định rõ trách nhiệm cơ quan chức năng phải thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của Nhân dân. Chậm nhất 30 ngày làm việc sau khi có thông báo trên, các cơ quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả xem xét, giải quyết các vụ việc. Điều này giúp cho công tác đối thoại không còn hình thức, không làm chung chung cho có.
Có thể nói rằng, trước đây nhiều địa phương “lờ đi” việc đối thoại định kỳ. Ở cơ sở, không ít người đứng đầu ngại phải đứng ra đối thoại trực tiếp với người dân, phần vì ngại va chạm, phần vì trình độ hạn chế. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định 2200, việc này đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc. Lãnh đạo TP đã gương mẫu, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đại diện các tầng lớp Nhân dân về những vấn đề nóng. Với những vấn đề người dân kiến nghị tại các cuộc đối thoại, lãnh đạo TP đều yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời cụ thể, ấn định thời gian giải quyết dứt điểm, cho nên được Nhân dân đánh giá cao. Với 1725 hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được tổ chức, nhiều vấn đề dân sinh, bức xúc được giải quyết kịp thời, đã tạo nên bầu không khí cởi mở, đồng thuận, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của dân.
Cùng với đó, các cấp ủy Đảng cũng chú trọng lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh những vấn đề còn bất cập do báo chí, người dân phản ánh; thực hiện tiếp nhận các thông tin, báo cáo bằng thư điện tử qua địa chỉ công vụ; triển khai vận hành đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của Nhân dân để kịp thời chỉ đạo xử lý. Lãnh đạo TP tăng cường các hoạt động đối thoại trực tiếp thông qua các buổi làm việc tại các địa phương, đơn vị, qua đó kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Hà Bình
Theo http://kinhtedothi.vn