Lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh, đội ngũ cán bộ mạnh, có phẩm chất và năng lực không ngừng được nâng cao là một yếu tố cơ bản làm cho sức chiến đấu của Đảng trở nên bách chiến, bách thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy: “cán bộ là gốc của mọi công việc”; “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”... Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng được đề cập một cách toàn diện, có hệ thống, sâu sắc và mang ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Nói về công tác cán bộ, Người rất quan tâm tới khâu hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Hiểu và đánh giá đúng cán bộ là một khoa học, nghệ thuật, là điểm khởi đầu và là cơ sở cho việc bố trí, sử dụng cán bộ.
Theo quan điểm Hồ Chí Minh, muốn hiểu biết cán bộ trước hết phải biết mình, mà biết mình không phải là dễ: “Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước hết phải biết sự phải trái ở mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”(1).
Thứ hai, hiểu và đánh giá đúng cán bộ phải khách quan, khoa học, độ lượng. Phải xem xét cán bộ cả trong quá trình làm việc, thấy được thế mạnh cũng như hạn chế của cán bộ để phát huy mặt mạnh, đẩy lùi mặt yếu vì theo Hồ Chí Minh: “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu, ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ. Khi xem xét, đánh giá cán bộ khách quan, công tâm sẽ khiến cho họ đem hết tài năng và nhiệt huyết của người phục vụ cho công việc”(2) “Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ không bị bỏ rơi; phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần những người mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình”(3). Do vậy, trong thực tiễn khi người được quyền xem xét cán bộ mà áp đặt ý kiến chủ quan của mình cho họ sẽ không tránh khỏi sai lầm, thiếu sót, có hại cho tổ chức.
Bác Hồ với các trí thức cách mạng là Đại biểu Quốc hội. (ảnh chụp lại từ bộ ảnh của Nhà báo Mai Nam)
Thứ ba, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, xem xét cán bộ, không chỉ xem xét ngoài mặt mà còn xem xét tính chất của họ. không chỉ xem xét một việc, một lúc mà còn phải xem xét lịch sử của họ. Cách xem xét này giúp ta tránh được sự nhầm lẫn giữa cán bộ tốt và cán bộ xấu, tránh được loại người cơ hội, bằng cách này hay cách khác, chui vào hàng ngũ của Đảng, ví như “có người lúc cao trào cách mạng cao, họ vào Đảng, họ làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào hơi khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí phản cách mạng, làm mật thám. Muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt”(4).
Đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa quyết định đến sinh mạng chính trị của cán bộ và hiệu quả của các khâu khác của công tác cán bộ, vì vậy phải thận trọng, kỹ càng, Người chỉ rõ: “Vì những bệnh đó kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, chở che, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”(5). Đây là yêu cầu xuất phát để tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ.
Thứ tư, hiểu biết cán bộ toàn diện giúp ta phân biệt được cán bộ làm được việc và cán bộ tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc đánh giá cán bộ phải dựa trên quan điểm toàn diện. Khi xem xét các mối liên hệ của cán bộ, cần làm rõ bản chất của người cán bộ thông qua ba mối quan hệ cơ bản: Quan hệ với chính mình; quan hệ với nhân dân; quan hệ với Đảng, Nhà nước thông qua cơ quan, đơn vị. Trong quan hệ với chính mình, người cán bộ phải có năng lực công tác, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị, nói cách khác là phải có sự hội tụ giữa tài và đức. Đặc biệt để đánh giá năng lực cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng người cán bộ làm việc phải có sáng kiến, phải luôn kiểm điểm mình để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt sai lầm khuyết điểm của bản thân, rằng: “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”(6). Trong quan hệ với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cán bộ cần phải “việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân. Thế là phụ trách trước nhân dân”(7). Trong quan hệ với Đảng và Nhà nước, người cán bộ phải lấy quan điểm của Đảng làm nền tảng cho mọi hoạt động. Đảng ta là Đảng của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Do đó, người cán bộ cần tránh biểu hiện “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”(8).
Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về công tác cán bộ, trong đó đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về công tác cán bộ và đạt được những kết quả như: Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện thường xuyên và theo yêu cầu, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị 05/-CT/TW. Hằng năm, Tỉnh ủy đều chỉ đạo các tổ chức Đảng thực hiện phê bình và tự phê bình đối với tập thể, cá nhân cấp ủy đảng và đảng viên theo đúng tiêu chuẩn, quy định; năm 2016, Tỉnh ủy đã chỉ đạo hệ thống chính trị của tỉnh nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, kết hợp với tình hình thực tế của địa phương, kiểm điểm, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, hiệu quả thay cho việc đánh giá như trước đây bằng lượng hóa cụ thể, trong đó cán bộ tự đánh giá “sự suy thoái” bằng thang điểm ngược, đã tích cực chỉ đạo thể chế triển khai Quy định 132-QĐ/TW, ngày 8.3.2018 của Ban chấp hành Trung ương “về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”.
Việc đánh giá tại Ban Thường vụ, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn kiểm điểm sự lãnh đạo của tập thể và cá nhân từng ủy viên được thực hiện làm mẫu với các ý kiến thẳng thắn, trung thực và biểu quyết thống nhất phân loại; đối với Ban Chấp hành tham gia vào đóng góp ý kiến vào báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy, kiểm điểm tập thể Ban chấp hành, kiểm điểm từng cá nhân ủy viên Ban chấp hành, đối với đảng viên kiểm điểm và phân loại tại chi bộ; cán bộ được đánh giá, nhìn nhận từ nhiều góc độ, vừa căn cứ vào trình độ học vấn được đào tạo, vừa căn cứ vào năng lực thực tiễn, chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa căn cứ vào kết quả thăm dò, nên việc đánh giá cán bộ càng chuẩn xác hơn.
Từ việc nhìn nhận, đánh giá đúng cán bộ nên đã động viên cán bộ có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả nhận xét đánh giá cán bộ hàng năm của Hà Giang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt gần 80%; hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt gần 20%, hoàn thành nhiệm vụ đạt gần 0,4%. Việc đánh giá cán bộ trong công tác xây dựng quy hoạch cán bộ cũng như đề bạt, bổ nhiệm hoặc giới thiệu được thực hiện theo đúng quy trình, dân chủ, công khai.
---------------------------------------------
(1), (2), (3), (4), (5)(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, H.2011, t.5, tr.317, 318, 318, 317, 317).
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 279, 334
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 176.
Đặng Ngọc Mai - Trường Chính trị tỉnh Hà Giang
Theo http://www.baohagiang.vn