Ảnh minh họa
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng; nâng cao chất lượng, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[1]."
1. Tự phê bình và phê bình - “thang thuốc đặc trị”
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” và Người cũng nhấn mạnh: “Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[2]. Vì vậy, để Đảng tiếp tục làm tròn sứ mệnh tiền phong của mình, nhất định thường xuyên, hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là việc phải làm thường xuyên của mỗi tổ chức cơ sở đảng “như rửa mặt hàng ngày”, nhằm đảm bảo chế độ sinh hoạt Đảng. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Tự phê bình là “nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình”, là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Đó là cách mỗi người tự đánh giá để mỗi người vừa thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình, vừa tạo điều kiện để những người xung quanh đóng góp ý kiến, giúp bản thân sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Còn phê bình là “nêu ưu điểm, vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình”; là tham gia góp ý kiến và nêu cách thức để sửa chữa khuyết điểm. Từ đó, vừa cổ vũ đồng chí mình phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt, vừa nhằm tìm ra biện pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế, sai lầm để cùng nhau ngày càng tiến bộ. Cũng theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa, phát huy được tác dụng khi được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần “phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người”[3].
Trong khi tiến hành tự phê bình và phê bình, người phê bình cần phải khách quan, trung thực, công tâm và công khai, “không đặt điều”, “không thêm bớt”. Khi góp ý phải thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý làm cho người được góp ý “tâm phục, khẩu phục”. Muốn vậy, người làm nhiệm vụ phê bình phải lựa chọn phương pháp thích hợp, tế nhị trong lời nói, giọng nói, cách nói. Khi phê bình, cần tránh động cơ vụ lợi, phê bình không đúng đắn vì thành kiến cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, không thừa nhận thành tích của nhau nên lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm, nhằm hạ uy tín, “hạ bệ” lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, không được lợi dụng tự phê bình và phê bình để mỉa mai, chua cay, “đâm thọc”, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây ra tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình; nhất là tránh hiện tượng: “Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng chi là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất”.
Còn người được phê bình cần phải có thái độ thành khẩn, cầu thị, vui lòng sửa đổi; không vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét người phê bình mình rồi im lặng mà không sửa đổi với thái độ không thật thà, không đúng đắn. Thái độ khi tiếp thu phê bình phải biết lắng nghe, thể hiện sự tiếp thu một cách thiện chí và nêu quyết tâm sửa chữa. Trong mọi hoàn cảnh, người bị phê bình không chỉ cần lắng nghe, mà còn phải tránh bức xúc, mất bình tĩnh, phản ứng gay gắt dẫn đến to tiếng, có lời nói thiếu văn hóa, hoặc có thái độ khiêu khích người phê bình. Trong mọi hoàn cảnh, người tiếp thu phê bình cũng cần tránh hiện tượng nhận khuyết điểm một cách qua loa, thiếu ý thức và không quyết tâm sửa chữa, để sau đó vẫn tiếp tục mắc phải những khuyết điểm đó. Trong trường hợp có ý kiến góp ý với mình chưa đúng, chưa trúng, thì phải bình tĩnh, mềm dẻo và khiêm tốn để trình bày…
Với ý nghĩa đó, việc tự phê bình và phê bình được tiến hành kiên quyết, ráo riết, triệt để trên cơ sở của tình thương yêu đồng chí lẫn nhau chính là một “cuộc đấu tranh” trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, để “cốt giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”[4]. Trong một tổ chức, sự đoàn kết và thống nhất trong ý chí và hành động chỉ có được khi mỗi thành viên tự phê bình và phê bình đều cùng phải thành khẩn, thành tâm, không giấu giếm khuyết điểm của mình, của đồng chí mình; phải tự giác nhận và vạch ra khuyết điểm của mình cũng như của đồng chí mình trước tập thể. Cả người phê bình cũng như người tiếp thu ý kiến phê bình của người khác đều phải xuất phát từ động cơ trong sáng, đúng đắn: đó là giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự phát triển vững mạnh của tổ chức.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh và yêu cầu nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, từ trên xuống và từ dưới lên, bảo đảm công khai, dân chủ và gắn với sửa chữa, biểu dương, khen thưởng thì mới phát huy được tác dụng. Dân chủ là một trong những yếu tố quan trọng để việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng vừa nghiêm túc vừa đạt hiệu quả cao. Điểm cần lưu ý, trong khi thực hiện tự phê bình và phê bình cần tránh các lý do: sợ mất thành tích của tập thể, của lãnh đạo mà che giấu khuyết điểm, hoặc bao che, chạy tội cho đồng chí mình. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình trạng tự phê bình và phê bình như vậy chẳng khác nào “cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng “la lết quả dưa”. Nói về từng người, nể nang không phê bình để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”[5].
Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng mạnh khỏe, “các cơ quan, các cán bộ, đảng viên, mỗi người mỗi ngày thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa”[6]. Việc tự phê bình và phê bình tại mỗi tổ chức cơ sở đảng phải tránh tình trạng “dĩ hòa vi quý” vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân; đồng thời cũng tránh tâm lý sợ “phê bình cấp trên sẽ bị trù dập, phê bình đồng nghiệp sẽ bị mất lòng, phê bình cấp dưới sẽ bị mất phiếu” - đó là kiểu phê bình chiếu lệ, một chiều, mang tính hình thức, thực chất là nói cho qua chuyện hoặc nói để lấy lòng nhau…Tự phê bình và phê bình là cần thiết, quan trọng, phải làm thường xuyên, lâu dài, nhưng “đúng lúc, đúng cách” và “phải biết tôn trọng lẫn nhau” mới đúng với chỉ dẫn của Hồ Chí Minh.
2. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình để xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Hồ Chí Minh từng nói, người đời không phải thánh thần, ai cũng có tính tốt, tính xấu, nên khó tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Đảng cũng vậy; Đảng ta cũng từ nhân dân mà ra, nên không thể tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Người cũng cho rằng: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”[7] và “có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: Phê bình và tự phê bình. Từ trên xuống dưới, ai nấy đều phải dùng nó để ngày càng đoàn kết, tiến bộ”[8].
Lịch sử gần 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng, hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân Việt Nam đã cho thấy: trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã có biết bao tấm gương những người con ưu tú của Đảng và nhân dân ngời sáng tấm gương đạo đức cách mạng: luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm; luôn gương mẫu đi đầu “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân lên trước lợi ích của bản thân mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi và căn dặn.
Nhưng, cùng với sự thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, hệ lụy của nền kinh tế thị trường cùng tác động của bối cảnh toàn cầu hóa đã khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Họ không nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Bên cạnh đó, ở một số nơi, việc thực hiện tự phê bình và phê bình chưa thực sự nghiêm túc, ảnh hưởng đến chất lượng tự phê bình và phê bình. Một số cấp ủy, trước hết là đồng chí bí thư, thường trực cấp ủy chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình; chưa gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình, chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Trong tự phê bình và phê bình vẫn còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để “hạ bệ”, “thanh trừng” lẫn nhau gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ,v.v..
Hồ Chí Minh cho rằng, các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bởi vậy, phương pháp nêu gương về tự phê bình và phê bình cần phải được sử dụng rộng rãi để phát huy hiệu quả. Sinh thời, Hồ Chí Minh cũng từng chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải là cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn lãnh đạo hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[9], nên sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng, không chỉ thể hiện ở việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện ở sự gương mẫu trong rèn luyện đạo đức, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình…
Để thiết thực làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, hơn bao giờ hết, tự phê bình và phê bình càng phải được chú trọng và phải thực hiện nghiêm túc “từ trên xuống”, từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Cùng với việc luôn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ quản lý điều hành, quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lối sống trong sáng, giản dị… của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo sẽ là tấm gương sáng cho quần chúng học tập, noi theo. Nhờ đó, thu hút, tập hợp đoàn kết quần chúng, tạo nên sự thống nhất trong ý chí và hành động, để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó… Nguyên tắc làm gương, nêu gương, nhất là nêu gương trong tự phê bình và phê bình là sự nhất quán, phải được thể hiện rõ trong từng ý tưởng, quyết sách, việc làm thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nói chung, về tự phê bình và phê bình nói riêng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu về mọi mặt, nhất là không sa vào chủ nghĩa cá nhân với các biểu hiện như: tham nhũng, lãng phí, ham danh, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp; đồng thời phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị về tư cách đạo đức, về tinh thần nghiêm túc “tự phê bình mình” theo phương châm: trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự phê bình và tiến hành phê bình cấp dưới sau, sẽ góp phần xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức cơ sở đảng.
Gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, trong đó có tự phê bình và phê bình, góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là quan trọng và rất cần thiết. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải tự giác, thành khẩn và gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình; Đồng thời, mỗi tổ chức cơ sở đảng phải tăng cường công tác quản lý đảng viên, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên không thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình.
Việc tiến hành tự phê bình và phê bình thường xuyên ở chi bộ, trong sinh hoạt Đảng phải vừa cẩn thận, vừa kịp thời, để thông qua đó kiểm điểm, đánh giá và phân loại đảng viên chính xác, khách quan. Trong khi tiến hành tự phê bình và phê bình, bản tự kiểm của cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng phải rõ ràng, nghiêm túc, đầy đủ các nội dung; ghi rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân của cả những ưu điểm và khuyết điểm; nêu rõ biện pháp cùng thời gian khắc phục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, để tự phê bình và phê bình thiết thực và đạt hiệu quả cao. Đồng thời, khi tiến hành tự phê bình và phê bình cũng rất cần sự tham gia, giám sát tự phê bình và phê bình của quần chúng nhân dân tại địa bàn nơi cư trú và cơ quan công tác để thiết thực góp phần giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, 'xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, xuất bản lần thứ 3, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.301
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.232
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.301
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.273
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.323
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16-17
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16
Ths. Cao Hải Yến
Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo http://www.tuyengiao.vn