Ðể việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðiện Biên chủ trương chỉ đạo, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện làm theo Bác bằng việc làm cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Kết quả của việc học tập được thể hiện bằng con số với định lượng cụ thể, chứ không thể chung chung, hình thức.
Mô hình phụ nữ “Tự học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân, cộng đồng”, của Hội Phụ nữ xã Pú Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu trong toàn tỉnh về thực hiện Chỉ thị 05. Bắt đầu từ tháng 9/2016, lớp học ở bản Nậm Ngám B (xã Pú Nhi) được tổ chức với 30 học viên là cán bộ, hội viên, phụ nữ theo học. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần; giáo viên là cán bộ các ban, đoàn thể xã, trưởng bản, bí thư chi bộ và theo lịch, mỗi người đứng lớp một buổi/tuần; chủ tịch hội phụ nữ xã và đại diện lớp học chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp.
Ðối tượng theo học hầu hết là phụ nữ cao tuổi, nhiều người tóc đã điểm sương lại nhiều năm không cầm bút cho nên ban tổ chức lớp học phải lựa chọn cách truyền đạt phù hợp, sao cho người học không chán nản mà bỏ dở. Thường thì trong mỗi bài giảng “giáo viên” đều sử dụng hình ảnh minh họa để học viên dễ hiểu, dễ nhớ. Ngoài các bài giảng trên lớp, ban quản lý lớp còn hướng dẫn các học viên cách tự học ở nhà qua người thân, bà con trong bản. Nhờ sự tận tình của đội ngũ “giáo viên” không chuyên, chỉ sau 13 tháng, lớp học bản Nậm Ngám B có sáu chị biết đọc biết viết, nói tiếng phổ thông thành thạo; 24 chị biết đọc bảng chữ cái, viết tên mình và người thân trong gia đình.
Nói về quá trình tổ chức lớp học ở bản Nậm Ngám B, chị Sùng Thị Sống, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Pú Nhi, cho biết: Toàn xã có 20 chi hội với 484 hội viên. Vì có một tỷ lệ không nhỏ hội viên không biết chữ nên chị em gặp khó khăn trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng nên làm quanh năm vẫn không đủ ăn; nhiều gia đình thường xuyên trong cảnh đứt bữa. Thấu hiểu ngọn nguồn khó khăn của phụ nữ, chị Sùng Thị Sống đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lớp rồi cũng chính chị chạy vạy ngược xuôi đề xuất các cấp, các ngành giúp đỡ để tổ chức lớp học. Với học viên, chị Sống đến tận nhà giải thích, vận động chồng, con họ ủng hộ tạo điều kiện. Ban đầu nhiều người còn hồ nghi, e ngại; nhiều người vì “nể” quá mới đồng ý cho vợ theo học, nhưng đến nay thì người dân bản Nậm Ngám đã tin đã làm theo. Giờ đây, toàn huyện Ðiện Biên Ðông đã có thêm nhiều lớp học được tổ chức như thế.
Cũng là điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05, Ðồn Biên phòng Mường Nhé đã chọn cách làm thiết thực để hỗ trợ các gia đình nghèo trên địa bàn đơn vị quản lý. Trong số 326 hộ nghèo toàn xã, lãnh đạo đồn phân tích, chỉ rõ có tám hộ rất nghèo vì không có trụ cột chính, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng. Ðể giúp đỡ các gia đình, từ tháng 11/2016, lãnh đạo chỉ huy Ðồn Biên phòng Mường Nhé đã quyết định thực hiện mô hình “Hũ gạo chiến sĩ” trong đơn vị để giúp gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, trước khi nấu cơm sáng, trưa, tối, chiến sĩ nuôi quân của đơn vị sẽ bớt ra một bát gạo cho vào hũ để dồn vào cuối tháng đem hỗ trợ các gia đình. Số gạo tuy không nhiều nhưng đã giúp tám gia đình vơi bớt khó khăn.
Ðược Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh đánh giá là việc làm cụ thể, thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mô hình “Hũ gạo chiến sĩ” của Ðồn Biên phòng Mường Nhé góp phần duy trì, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Từ kinh nghiệm thực hiện mô hình của Ðồn Biên phòng Mường Nhé, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã chỉ đạo nhân rộng mô hình, cách làm đến tất cả các đơn vị trực thuộc. Học tập và làm theo Bác, 29 đội công tác của BÐBP tăng cường cho 29 xã biên giới đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn biên giới; đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước xử lý các đối tượng, vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.
Các phong trào thi đua, các chương trình, các cuộc vận động được cán bộ, chiến sĩ BÐBP thực hiện sáng tạo, hiệu quả. Riêng chương trình “Nâng bước em tới trường”, mỗi năm cán bộ, chiến sĩ đã ủng hộ một ngày lương giúp đỡ, hỗ trợ 83 học sinh với tổng số tiền 498 triệu đồng/năm. Qua các việc làm, các phong trào đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người lính quân hàm xanh trong lòng nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên.
Trao đổi về kết quả học tập, làm theo Bác trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Ðức Vượng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá: Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền; tập trung vào các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, giải quyết những vấn đề bức xúc, có dư luận trong nhân dân. Từ những việc làm cụ thể, hiệu quả của cá nhân, tập thể đã được nhân lên thành cách làm điển hình của ngành, đơn vị và các huyện, thị xã. Thí dụ như lớp dạy xóa mù cho hội viên của Hội Phụ nữ xã Pú Nhi giờ đã là cách làm thường xuyên của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ toàn tỉnh.
Các cấp ủy Ðảng ở Ðiện Biên đã đổi mới trong ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, trong đó tập trung vào những vấn đề còn nhiều khó khăn, bất cập, liên quan trực tiếp đời sống nhân dân ở cơ sở và có tính khả thi, như: tập trung xây dựng các nghị quyết về giảm nghèo bền vững; nghị quyết về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...
Một số đảng bộ như huyện Tủa Chùa, TP Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên, huyện Mường Nhé... đã tăng cường cán bộ về các xã khó khăn vận động người dân yên tâm lao động sản xuất, không di cư tự do, không tham gia khiếu kiện vượt cấp, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhờ đó, năm 2017, GRDP bình quân đầu người của Ðiện Biên tăng 9,96% (đạt 24,15 triệu đồng/người/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đều đạt khá so với kế hoạch; chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, đời sống nhân dân được nâng lên; các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin - truyền thông được đẩy mạnh; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững./.
Lê Lan/Nhân dân