Phát huy tinh thần Thi đua ái quốc, xây dựng Thành phố xứng đáng mang tên Người

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(1). Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố mang tên Bác đã phát động nhiều phong trào Thi đua ái quốc bằng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Nhiều phong trào thi đua khởi nguồn từ Thành phố, trở thành điểm sáng đã và đang có sức lan tỏa rộng lớn ra các tỉnh, thành phố trong cả nước, như: phong trào “Thi đua giết giặc lập công”, “Diệt ác trừ gian, diệt giặc phá kềm” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập. Sau ngày miền Nam giải phóng, các phong trào thi đua “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng Nhà tình nghĩa”, “Xây dựng Nhà tình thương”, “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, “Thanh niên tình nguyện”,... thu hút sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đi vào đời sống, trở thành động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát triển là Thành phố “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, cùng cả nước, vì cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh - vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và yêu nước, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã trở thành cái nôi của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Cũng từ Thành phố này, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước và phong trào công nhân đầu thế kỷ XX tại Sài Gòn gắn với tên tuổi người thợ Tôn Đức Thắng và sự ra đời của Công hội Đỏ - tổ chức Cộng sản đầu tiên, là tiền đề cho sự ra đời của tổ chức Đảng tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Kể từ khi ra đời, Đảng bộ Thành phố và những người đảng viên trung kiên của Đảng trên vùng đất này đã hòa cùng phong trào cách mạng, lãnh đạo quần chúng chống đế quốc, thực dân, đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Đảng bộ Thành phố đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định một lòng, một dạ sắt son theo Đảng; đấu tranh kiên cường ở nơi đầu sóng, ngọn gió, ngay giữa sào huyệt của kẻ thù, cùng miền Nam Thành đồng Tổ quốc “đi trước, về sau”; anh dũng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong mỗi chiến công to lớn của Thành phố “đều có máu xương, công sức và trí tuệ của chiến sĩ, đồng bào khắp mọi miền đất nước” hội tụ về đây, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xác định “cùng cả nước, vì cả nước”, phấn đấu thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đi trước và cố gắng về đích trước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thành phố trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ngày 02/7/1976, Quốc hội khóa VI Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định chính thức đặt tên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quyết tâm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng mang tên Người

Với những thành tựu to lớn đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” và danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thành phố đã có thành tích xuất sắc trong thời kỳ đổi mới. Để đạt được những thành tựu trên, Thành phố luôn chủ động tích cực phát huy các phong trào Thi đua yêu nước và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân Thành phố, qua một số phong trào thi đua tiêu biểu sau:

Phong trào thi đua yêu nước về phát triển kinh tế, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, như: phong trào thi đua “Cả Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Khởi nghiệp”, “Đồng tâm - Hiệp lực - Vượt khó”, “Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả; Bảo đảm an toàn - Vệ sinh lao động”,… đã góp phần thúc đẩy kinh tế Thành phố tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) tăng bình quân 8%/năm (2). Tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố tăng bình quân 12,27%/năm (3). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 12,9%/năm (4).

Phong trào thi đua quản lý, phát triển đô thị, đạt nhiều kết quả quan trọng. Thành phố hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với quy hoạch xây dựng Thành phố, quy hoạch phát triển giao thông, quy hoạch Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam Bộ; phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000 toàn Thành phố; ban hành quy hoạch Khu Trung tâm (930 ha), quy chế quản lý kiến trúc - quy hoạch chung Thành phố làm cơ sở thu hút đầu tư, cấp phép xây dựng,... đồng thời, Thành phố đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm mang lại hiệu quả cao, như: cầu Phú Mỹ, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài Gòn; đường Phạm Văn Đồng kết nối trung tâm Thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh, cầu Sài Gòn 2, v.v.

Phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, như phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, góp phần chấn chỉnh kỷ cương và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hằng năm, Thành phố chi từ ngân sách trên 2.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học trên địa bàn (5). Phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng các thiết chế văn hóa được đầu tư để phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt, giải trí văn hóa và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân. Chất lượng khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, nâng cấp (6). Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo được Thành phố thực hiện hiệu quả. Tính đến cuối năm 2017, số hộ nghèo trên địa bàn còn 25.461 hộ (chiếm 1,28%), số hộ cận nghèo còn 38.116 hộ (chiếm 1,91%). Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách, người có công.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", đến nay, Thành phố đã có 54/56 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3/5 huyện đạt huyện nông thôn mới, là địa phương dẫn đầu cả nước thực hiện phong trào này, Thành phố đã xóa 2.367 căn nhà tạm, nhà dột nát, đạt 100% tại 05 huyện ngoại thành với tổng số tiền các đơn vị ký kết hỗ trợ là 98 tỷ 498 triệu đồng. Sau khi hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thành phố tiếp tục nghiên cứu tập trung thực hiện công tác giảm nghèo, tăng hộ khá: hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, trợ cấp học bổng, v.v.

Thi đua yêu nước bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhiều năm qua, Thành phố luôn giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng không ngừng được củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng; chủ động và tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư; quan hệ hợp tác với địa phương các nước tiếp tục được triển khai và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi để hợp tác cùng phát triển, góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh đẹp của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, động viên kiều bào tham gia xây dựng Thành phố và đất nước.

Thực hiện 6 chương trình đột phá đạt kết quả bước đầu quan trọng, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (7) và xây dựng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của Thành phố. Cải cách hành chính có tiến bộ, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, kinh doanh, học tập, chữa bệnh,… của nhân dân. Chất lượng thực hiện công vụ ngày càng nâng lên. Đẩy mạnh hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế (8), từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang chủ yếu phát triển theo chiều sâu. Hệ thống hạ tầng, giao thông đô thị được đầu tư, tạo diện mạo mới, là cơ sở để phát triển không gian đô thị kết nối với Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; vấn đề ùn tắc giao thông bước đầu được kéo giảm, bằng các biện pháp tổng hợp đã kéo giảm sâu tai nạn giao thông trên cả ba mặt.

Tập trung xây dựng Đảng, chính quyền các cấp vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình, tiếp thu phê bình; từng bước trở thành nền nếp sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phong trào thi đua “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được các cấp ủy đảng, lãnh đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo chính quyền, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo và chỉ đạo phong trào thi đua; xem việc bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến là một trong những động lực tinh thần quan trọng để công tác thi đua - khen thưởng đi vào cuộc sống của nhân dân. Các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị trong Thành phố đã có nhiều nội dung đa dạng, phong phú, như: tổ chức nhiều Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình; hội nghị trao đổi kinh nghiệm thông qua hoạt động của các cụm, khối thi đua Thành phố. Các cơ quan truyền thông đại chúng: Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, Báo Sài Gòn Giải phóng,… đã dành thời lượng cần thiết, xây dựng các chương trình, chuyên mục để tuyên truyền nêu gương các điển hình tiên tiến, với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao và phát huy nền tảng giá trị văn hóa, qua đó hạn chế những tiêu cực trong xã hội.

Từ phong trào Thi đua ái quốc đến kết quả các phong trào Thi đua yêu nước là điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và toàn diện, trở thành đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa của cả nước. Với diện tích chỉ chiếm 0,6% và 9% dân số cả nước, nhưng Thành phố đã đóng góp 22% GDP và 28% thu ngân sách cả nước. Kinh tế Thành phố sau hơn 30 năm đổi mới tăng bình quân 10,7%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động gấp 2,7 lần cả nước, là địa phương có cơ cấu kinh tế hiện đại, trong đó ngành Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ chiếm 96%. Thành phố là địa phương tập trung 34% doanh nghiệp trên cả nước, hằng năm kinh tế tư nhân của Thành phố đóng góp 65% GDP của cả nước; kiều hối của Thành phố chiếm 55% cả nước,... và là địa phương có truyền thống năng động, sáng tạo, đổi mới nhất cả nước. Năm 2018, Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện các phong trào Thi đua yêu nước, là điều kiện thuận lợi để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, vì cả nước, cùng cả nước xứng đáng là Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

_____________

1 - Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 407.

2 - Năm 2015, đạt 957.358 tỷ đồng, tăng 7,72% so với cùng kỳ; năm 2016 đạt 1.023.926 tỷ đồng, tăng 8,05% so với cùng kỳ; năm 2017 đạt 1.060.618 tỷ đồng, tăng 8,25% so với cùng kỳ.

3 - Năm 2015, đạt 284.205 tỷ đồng, đạt 106,93% dự toán, tăng 11,4% so cùng kỳ; năm 2016 đạt 307.336 tỷ đồng, đạt 103,03% dự toán, tăng 12,43% so cùng kỳ; năm 2017 đạt 348.190 tỷ đồng, đạt 100,09% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ.

4 -Năm 2015, đạt 285,16 ngàn tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ; năm 2016 đạt 310,5 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ; năm 2017 đạt 365,7 ngàn tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ.

5 - Năm học 2010-2011: 32.923 phòng học; năm học 2011-2012: 36.397 phòng học; năm học 2012-2013: 37.158 phòng học; năm học 2013-2014: 39.228 phòng học; năm học 2014-2015: 40.709 phòng học; năm học 2015-2016: 42.459 phòng học.

6 - Số giường bệnh tăng thêm trong giai đoạn 2011 - 2014 là 3.530 giường, nâng số giường bệnh trên 10.000 dân năm 2014 đạt 43 giường so với năm 2011 (là 42 giường). Số bác sĩ tăng thêm giai đoạn 2011 - 2014 là 1.531 bác sĩ, nâng tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân năm 2014 đạt 14,5 bác sĩ so năm 2011 (13,2 bác sĩ).

7 - Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở 9 nhóm ngành dịch vụ đạt 100,51% và 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu đạt 100,92%.

8 - Đến nay, chương trình kích cầu đầu tư đã phê duyệt 114 dự án với tổng mức đầu tư trên 9.500 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay được ngân sách hỗ trợ là 4.561 tỷ động.

THÂN THỊ THƯ, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh

Theo http://www.tuyengiao.vn/


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website