Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, học viên Trường Dân tộc miền núi Trung ương, ngày 12/2/1956 (Ảnh tư liệu)
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết tháng 10/1947) đã đặt ra và giải quyết một cách khoa học về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác cán bộ của Đảng. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [1] … “ Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [2] . Qua đây có thể thấy cán bộ, công tác cán bộ của Đảng có vai trò hết sức quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác đánh giá cán bộ là việc khó, nhưng cần phải làm một cách công tâm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử. Người chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa” [3] . Cho nên, việc đánh giá cán bộ, đảng viên phải toàn diện cả những ưu điểm và thành tích, cả những khuyết điểm cũng như quá trình công tác.
Muốn đánh giá đúng cán bộ, đòi hỏi cơ quan, tổ chức đánh giá phải công tâm, vô tư, khách quan, trung thực. Tránh tư tưởng khép kín cục bộ địa phương, cơ quan, đánh giá cán bộ chỉ biết địa phương, cơ quan mình là tốt, điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo đây là bệnh “hẹp hòi”, bệnh này rất nguy hiểm mà nhiều cán bộ đảng viên mắc phải. Nhiều thứ bệnh như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi…đều do bệnh hẹp hòi mà ra.
Trước hết, đánh giá cán bộ cần phải hiểu đúng cán bộ, chỉ có hiểu đúng cán bộ của mình mới có thể đánh giá được, không thể đánh giá cán bộ một cách chủ quan, nghe qua người này hay người khác không thôi là chưa đủ. Người nói: “Hiểu biết cán bộ - Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu” [4] . Bản thân người đánh giá cũng phải “tự sửa mình”. “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình” [5] . Người rất quan tâm và đề cao tinh thần tự phê bình của cá nhân người cán bộ, đảng viên, chỉ có thể nhận xét đánh giá được cán bộ đảng viên khi mình biết bản thân mình đúng thế nào, sai ra sao? Như chúng ta thường nói “biết mình biết người”. Phê bình và tự phê bình là thang thuốc hay nhất để tự nhận ra mình, giúp cán bộ mình xem xét, đánh giá lẫn nhau, giúp nhau khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm, giúp nhau cùng nhau tiến bộ, “Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu” [6] . Và nội dung đánh giá cán bộ quan trọng nhất là phải dựa vào nhân dân lấy ý kiến của nhân dân, “coi nhân dân là tai mắt” sau đó đem ra tập thể bàn bạc và đi đến thống nhất.
Việc đánh giá cán bộ phải có quan điểm phát triển, có tính lịch sử gắn với quá trình hoạt động, toàn diện các mặt, tránh phiến diện, mặc cảm, định kiến. Người cho rằng: “Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ, đúng với đường lối của Đảng” [7] . “Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau” [8] . Người nhấn mạnh: “nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ…Kinh nghiệm cho ta biết: Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt tìm thấy nhân tài mới, một mặt khác thì những người ngủ hóa cũng lòi ra” [9] . Kiểm điểm ở đây là kiểm điểm “việc” xem cán bộ đó có làm được việc không, hiệu quả ra sao chứ không phải kiểm điểm người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, việc đánh giá cán bộ phải xây dựng được các tiêu chuẩn và các tiêu chuẩn ấy phải lấy đức và tài làm cơ sở. Vì “Đức” là đạo đức cách mạng, “Tài” là người có năng lực và khả năng hành động, làm việc mang lại hiệu quả cao. Đức và tài phải thống nhất với nhau và trong đó đức là gốc, “…Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không làm lãnh đạo được nhân dân” [10] . Đây chính là những nội dung cốt lõi về tiêu chuẩn, đồng thời là cơ sơ để nhận xét, đánh giá cán bộ đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải trọng lợi ích của Đảng của dân tộc và có đạo đức cách mạng trong sáng. Người chỉ rõ: “Mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc” [11] .
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu; người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, phải hội tụ được năm phẩm chất sau: NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM. Cho nên đánh giá người cán bộ, đảng viên tốt cần phải căn cứ vào những phẩm chất trên.
Đánh giá cán bộ theo quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh
Quán triệt quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo Đảng ta đã có các Chỉ thị, Nghị quyết về công tác cán bộ trong đó có Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII), về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã cụ thể hóa xây dựng tiêu chuẩn chung về cán bộ. Đặc biệt xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cách mạng hiện nay về cán bộ và công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao. Hội nghị Trung ương 7 khóa XII Đảng ta đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện, khoa học, lịch sử cụ thể về cán bộ và công tác bộ thời gian qua và đưa ra những quan điểm, nhiệm vụ giải pháp xây dựng cán bộ trong tình hình hiện nay. Trung ương cho rằng, đánh giá cán bộ hằng năm, nhiệm kỳ và trước khi quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bầu cử theo các quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước, bước đầu tạo một số chuyển biến tích cực. Đánh giá cán bộ bước đầu đã gắn với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 03, 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá cán bộ từng bước được đổi mới theo quy trình dân chủ, chặt chẽ hơn.
Về hạn chế, khuyết điểm và bất cập Trung ương chỉ rõ, đánh giá cán bộ là khâu trọng yếu nhất trong công tác cán bộ nhưng cho đến nay vẫn là khâu yếu nhất. Các quy định, hướng dẫn đánh giá, phân loại đảng viên với đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa đồng bộ, thiếu thống nhất.
Việc cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng còn chậm; có nơi tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá còn chung chung, thiếu định lượng. Trong kiểm điểm, đánh giá vẫn còn biểu hiện hình thức, chưa thực chất; còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu, dĩ hòa vi quý, khen ngợi lẫn nhau, ít góp ý về khuyết điểm khi phê bình người đứng đầu, không dám chỉ ra các biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chưa làm rõ vai trò trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc đánh giá và phân loại cá nhân chưa đúng thực chất và còn mâu thuẫn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hầu như không có cán bộ lãnh đạo, quản lý được đánh giá ở mức hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng có cán bộ có khuyết điểm, vi phạm không phát hiện được vẫn đánh giá tốt để được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiểm ở các chức vụ cao hơn. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chuẩn bị kiểm điểm sơ sài, thời gian tổ chức kiểm điểm quá ít.
Việc đánh giá cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu nhiều nơi chưa thực chất, khen là chủ yếu; chưa lấy hiệu quả công việc, sản phẩm đầu ra làm thước đo, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; việc đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc còn xem nhẹ, làm lướt. Không ít cán bộ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự.
Để khắc phục những hạn chế yếu kém trên, Hội nghị Trung ương 7 cho rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ theo quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là, phải đánh giá xuyên suốt cả quá trình phấn đấu, trưởng thành; quá trình học tập tham gia công tác, cũng như những thành tích, khuyết điểm như thế nào?
Liên tục: định kỳ theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm theo từng nhóm đối tượng cụ thể; đây là những nội dung cụ thể lượng hóa được thời gian cần phải đánh giá cần phải kiểm điểm từ những công việc hàng ngày trở đi. Đây là cơ sở quan trọng để xem xét lịch sử cụ thể của từng vấn đề.
Đa chiều: cấp trên đánh giá cấp dưới; đồng cấp đánh giá; cấp dưới đánh giá cấp trên; bản thân tự đánh giá. Đây là khâu đánh giá quan trọng để mọi người có thể nhận xét đầy đủ hơn và một đánh giá rất quan trọng đó là bản thân tự đánh giá.
Đánh giá theo tiêu chí về: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm; chiều hướng và triển vọng phát triển; bằng sản phẩm: phải có kết quả cụ thể, được cấp có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá; thông qua khảo sát, khảo sát nhân sự trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
Công khai kết quả và có sự so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Như vậy, những quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy người cán bộ, đảng viên tốt cần phải hội tụ những phẩm chất gì? Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện mình về NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM để thành người cán bộ đảng viên tốt. Những phẩm chất ấy cũng chính là những tiêu chuẩn đặt ra trong nhận xét đánh giá cán bộ trong tình hình hiện nay. Mỗi một việc làm, hành động nhắc nhở chúng ta soi rọi, đối chiếu với lời dạy của Người xem đúng sai, phải trái, cái gì được và chưa được để khắc phục sửa chữa. Đây là những quan điểm tư tưởng vô cùng quí báu chỉ huấn chúng ta thực hành có hiệu quả về công tác cán bộ trong tình hình hiện nay./.
[1] ,2. Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000, tr 280 - 309
[3] . Hồ Chí Minh: toàn tập, tập15, NxbCTQG, H.,2000, tr.672
[4] ,5,6 Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000, tr 317
[7] ,8,9 Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000,, tr 317, 316, 314- 317-318
10. Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000, tr 292
[11] . Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000, tr 290
Nguyễn Minh