Bình Dương xây dựng và duy trì nhiều mô hình “gần dân, sát dân”

 

Sáng mãi bài học “gần dân”

Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể... đã gương mẫu, đi đầu trong việc học tập và làm theo Bác; xây dựng tác phong công tác gần dân, sát dân, vì dân, “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, làm việc khoa học… được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều địa phương, đơn vị xây dựng được các mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Thị ủy Dĩ An tổ chức tôn vinh những tấm gương bình dị mà cao quý
trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW giai đoạn 2016 - 2017. (Ảnh: N.THANH)

Trên cơ sở kế thừa các kinh nghiệm và kết quả của 15 năm liên tục thực hiện việc học tập và làm theo Bác, cấp ủy các cấp đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, tìm tòi, lựa chọn và quyết tâm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW bằng những phương pháp mới, cách làm hay, hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên, tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn cách khác nhau trong học tập và làm theo Bác nhưng mẫu số chung là học Bác ở những điều rất cụ thể, thiết thực. Từ đó, mỗi người nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc được giao, gương mẫu trong phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình, tổ dân, khu phố văn hóa. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đã có nhiều chuyển biến trong công tác, “gần dân, sát dân” hơn và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận trong nhân dân...

Khởi nguồn từ Đảng bộ xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng, mô hình “Gần dân, sát dân” là một trong những hoạt động hiệu quả trong việc cụ thể hóa các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hiện nay, mô hình “Gần dân, sát dân” được duy trì ở tất cả các xã trong huyện và triển khai sâu rộng mô hình cho tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ để nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của việc “gần dân, sát dân”.

Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho rằng, việc “gần dân, sát dân”, lắng nghe ý kiến nhân dân không những tạo được mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân, khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân mà còn là dịp để tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp chân thành từ nhân dân. Đây là cơ sở để cấp ủy, chính quyền điều chỉnh cũng như đề ra những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Có dịp trở lại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, chúng tôi cảm nhận rất rõ diện mạo mới của địa phương này. Các tuyến đường ngang, hẻm dọc từ trung tâm phường đến các khu phố đều đã được mở rộng và bê tông hóa sạch đẹp. Đây chính là kết quả từ việc chính quyền địa phương luôn “gần dân, sát dân” để lắng nghe ý kiến nhân dân nên người dân luôn đồng thuận, sẵn sàng đóng góp sức người sức của, xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Thời gian qua, phường Đông Hòa đã tổ chức thực hiện rất tốt mô hình “Gần dân, sát dân và giúp dân” trong toàn Đảng bộ của phường và đạt được những kết quả thiết thực. Đặc biệt, phường đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; mở rộng hình thức đối thoại trực tiếp với nhân dân, để lắng nghe ý kiến của nhân dân về những vấn đề mà dân quan tâm.

Theo ông Nguyễn Hữu Tám (khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa), từ khi mô hình “Gần dân, sát dân và giúp dân” được thực hiện, bà con nhân dân rất phấn khởi. Từ mô hình này, ý kiến phản ánh của người dân được lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng địa phương lắng nghe, tích cực tháo gỡ; đồng thời còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con tham gia đóng góp ý kiến. Các buổi gặp gỡ còn là dịp gắn kết mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, tạo tâm lý thoải mái cho người dân khi trình bày các vướng mắc của mình.

Ông Huỳnh Công Minh, Chủ tịch UBND phường Đông Hòa cho biết: “Mục đích của mô hình “Gần dân, sát dân và giúp dân” là nhằm lắng nghe và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân để vì lợi ích của nhân dân phục vụ. Mọi thông tin, công việc liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân đều được phường công khai, minh bạch và đưa ra các hội nghị để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường và các khu phố thường xuyên nắm bắt ý kiến và kịp thời giải quyết những băn khoăn, vướng mắc của người dân, đặc biệt là về môi trường, tình hình an ninh trật tự, đất đai, giải phóng mặt bằng… Qua mô hình đã tạo sự minh bạch trong giải quyết công việc đối với tổ chức, cá nhân, góp phần củng cố lòng tin của người dân”.

Không chỉ ở huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, thị xã Dĩ An, mô hình “Gần dân, sát dân và giúp dân” còn được rất nhiều chi, Đảng bộ trên địa bàn tỉnh áp dụng với nhiều cách làm hay, sáng tạo gắn với chức trách nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Điển hình như các mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân”, “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Hay ngành công an, y tế, giáo dục - đào tạo đều có mô hình “Lắng nghe ý kiến nhân dân”. Qua các mô hình này đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp, huy động sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Ngọc Thanh

Theo http://baobinhduong.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website