Đến với Không gian Hồ Chí Minh, được ngắm nhìn những kỷ vật của Người, ai cũng cảm phục, tự hào dân tộc ta đã sinh ra một con người như thế.
Giữa thủ đô Mát-xcơ-va, nước Nga, có Quảng trường Hồ Chí Minh, mà điểm nhấn là bức phù điêu Bác Hồ bằng đồng, phía dưới ghi câu nói nổi tiếng của Người bằng tiếng Nga: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do !”. Đến TP Mông-tơ-rơi, tỉnh Xen Xanh Đờ-ni, nước Pháp, ai cũng muốn được vào thăm Không gian Hồ Chí Minh. Rồi ở Trung Quốc, Anh, Thái-lan và nhiều đất nước xa xôi khác nữa, có thể không dựng tượng Bác Hồ, nhưng trong lòng bạn bè quốc tế, luôn có một Tượng đài Hồ Chí Minh vĩnh cửu. Phải chăng đó là nguồn cảm hứng để nhà thơ Tố Hữu viết: Hồ Chí Minh, Người ở khắp nơi nơi.../Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ...
Rời Pa-ri tráng lệ đi về hướng đông khoảng 15 km, chúng tôi đến TP Mông-tơ-rơi, một địa danh gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh và in đậm tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Pháp. Nơi đây có Không gian Hồ Chí Minh, gồm bức tượng Bác ở công viên Mông tơ-rô và phòng trưng bày về Bác tại Bảo tàng Lịch sử sống. Đúng như ông thị trưởng Mông-tơ-rơi Pa-trích Bê-xa nói, “Đến đây, các bạn hãy xem như đang ở chính ngôi nhà mình”. Bức tượng Bác, các hàng cây cổ thụ trong công viên như quang cảnh núi rừng Việt Bắc và những kỷ vật về Bác trong phòng trưng bày, làm cho mọi người có cảm giác như đang ở chính quê hương mình, đang được bên Bác kính yêu. Phòng trưng bày có diện tích khoảng 10 m2, phục dựng nguyên bản căn phòng nhỏ, trên tầng 2 cũ nát của ngôi nhà số 9, ngõ Công-poanh, quận 17, thủ đô Pa-ri, nơi Người đã ở những năm 1921, 1923. Bên cạnh một số hiện vật gốc, là bồn rửa mặt, cánh cửa và tấm biển, có nhiều kỷ vật của Bác như thẻ Đảng đảng viên Cộng sản Pháp, thẻ hành nghề, các bức ảnh và một số bài báo, thư gửi Liên đoàn Đảng Cộng sản Pháp.
Đứng bên tượng Bác, ông thị trưởng Pa-trích Bê-xa, xúc động nói: “Hồ Chí Minh không chỉ là vị cha già, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, mà còn là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào chống đế quốc, thực dân của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Người không chỉ làm thay đổi đất nước Việt Nam, mà còn để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc trên trường quốc tế. Chúng tôi rất tự hào về điều đó; tự hào là nơi được đặt tượng của Người”.
Đến với Không gian Hồ Chí Minh, được ngắm nhìn những kỷ vật của Người, ai cũng cảm phục, tự hào dân tộc ta đã sinh ra một con người như thế. Suốt 30 năm xa Tổ quốc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm đủ nghề kiếm sống để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Nhớ lần đến Vương quốc Anh, chúng tôi được thăm nơi Bác Hồ từng làm việc tại số 80, phố Hây Ma-kít, Luân Đôn, vào năm 1913, khi ấy nơi đây là khách sạn Các-tơn. Dù nhiệt độ dưới 0 o C , nhưng mọi người đều hào hứng xuống tầng hầm nhỏ hẹp dẫn đến khu nấu ăn mà Bác Hồ làm phụ bếp. Bất kể người khách nào đến đây đều được nghe câu chuyện xúc động về Người. Sau mỗi bữa ăn, Bác thường lựa thức ăn còn lại, mang cho người lao động nghèo. Huyền thoại đầu bếp người Pháp Ê-xcốt Phi-ê cảm phục trước việc làm ấy đã hướng dẫn Bác làm bánh, giúp Bác tìm hiểu về cuộc sống của người cùng khổ, về chủ nghĩa tư bản.
“Luân Đôn giờ đây hoa lệ, khách sạn Các-tơn đã thay bằng tòa nhà Niu Di-lân hoành tráng, nhưng dấu ấn Cụ Hồ để lại từ hơn 100 năm trước, luôn ấm mãi trong lòng chúng tôi” - ông Len An-đít, Chủ tịch Hội hữu nghị Anh - Việt, năm ấy 83 tuổi, chia sẻ khi chia tay các người bạn Việt Nam.
Những năm tháng đất nước ta chìm trong đêm dài nô lệ; một số người yêu nước lại “lạc lối trời Âu”; không ít trí thức để “cho cuộc đời giật dây”. Trong bối cảnh ấy, với “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.161-162), Bác đã ra đi tìm con đường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Người làm phụ bếp, chụp ảnh, viết báo, không chỉ để kiếm sống mà vì mục tiêu cao cả là thực hiện bằng được ham muốn tột bậc của mình. Ngay trên đất Pháp, phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (tháng 12-1920), đồng chí Nguyễn Ái Quốc cực lực lên án chế độ thực dân xâm lược và kêu gọi: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi”. Chủ tịch điều hành Đại hội đã nói: Qua những loạt vỗ tay tán thành, đại biểu Đông Dương (Nguyễn Ái Quốc) có thể thấy rằng toàn thể Đảng Xã hội đều đứng về phía đồng chí để phản đối những tội ác của giai cấp tư sản. (theo Hồ Chí Minh toàn tập, H. 1995, T 1, tr: 23, 24).
Tư tưởng vĩ đại của Bác nuôi dưỡng trong một con người rất đỗi bình dị. Vì thế, Nguyễn Ái Quốc không chỉ khẳng định được vị thế, tiếng nói đại diện cho một dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, mà còn thu phục được tình cảm, chỗ đứng trong trái tim của nhân dân lao động, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vì thế, con người Bác có sức hút lạ thường, nhiều khi không còn ranh giới quốc gia, dân tộc, giàu nghèo, mà thấm đậm tình người, tình anh em một nhà. Năm 2017, trong chuyến công tác tại In-đô-nê-xi-a, thật may mắn, chúng tôi được gặp Chủ tịch Đảng Dân chủ Đấu tranh In-đô-nê-xi-a Mê-ga-oát-ti Xu-các-nô-pu-tờ-ri, con gái Tổng thống Xu-các-nô. Bà kể lại kỷ niệm không bao giờ quên về Bác Hồ. Năm 1959, Người sang thăm đất nước vạn đảo này. Trong buổi Tổng thống tiếp chuyện thân mật Bác Hồ, bà được ngồi cùng và ngây thơ hỏi, sao Bác Hồ đi dép cao-su mà không đi giày. Bác nói, khi nào đất nước tôi thống nhất tôi sẽ đi giày. Với lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà luôn dành cho Việt Nam những tình cảm đặc biệt; bà xem cán bộ Cơ quan đại sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a như người hàng xóm thân thiết.
Ở đâu cũng thế, hễ gặp người Việt Nam là bạn bè quốc tế lại kể về Bác Hồ với sự cảm phục qua những chuyện rất đời thường. Trong một cuộc giao lưu với những người bạn của Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2015, từ GS Cốc Nguyên Dương, chuyên nghiên cứu về Việt Nam, đến cựu Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Trương Đức Duy và Tề Kiến Quốc,… đều xúc động mỗi khi nhắc đến Bác Hồ. Ông Trương Đức Duy nói, không bao giờ quên lần đến thăm Bác khi Người bị ốm. Bảo ông mài mực, rồi Bác viết: “Việt - Trung hữu nghị vạn cổ trường thanh”, có nghĩa là tình hữu nghị Việt - Trung đời đời xanh tươi. Còn bà Vương Phong, nguyên phóng viên Tân Hoa xã, hào hứng kể lại câu chuyện gặp Bác, khi mới năm tuổi. Ngày đó bà theo bố là phóng viên Tân Hoa xã (công tác tại Việt Nam) ra sân bay làm tin Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn khách quốc tế. Khi được Người trìu mến bế lên bà có cảm nhận đó như là của một người cha thân yêu. Tình cảm ấy cứ lắng đọng trong tâm trí và thôi thúc bà sau này dịch bài hát Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người sang tiếng Trung mà nhiều người Trung Quốc yêu thích và thường hát.
Tên tuổi, hình ảnh của Hồ Chí Minh đã gắn liền với tên đất nước. Nói về Việt Nam là nhớ đến Hồ Chí Minh, Người đã làm rạng rỡ non sông, đất nước ta. Bài hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết trong hai giờ đồng hồ, nhưng đã trở thành ca khúc hay nhất, tình cảm nhất, được nhiều bạn bè quốc tế biết và hát nhiều nhất. Đến nhiều nơi ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái-lan,… phía bạn đón tiếp, bao giờ cũng có bài hát này. Tháp tùng đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Cu-ba tháng 3 vừa qua, đến tưởng niệm tại Tượng đài Bác Hồ ở Công viên Hòa Bình, chúng tôi lại được hòa trong không khí rộn ràng với những ca từ của niềm vui chiến thắng: Việt Nam, Hồ Chí Minh; Việt Nam, Hồ Chí Minh cứ lan tỏa, bay xa...
Nguồn: Nhân Dân