Thời gian qua, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã tích cực học tập và làm theo Bác, năng động, thực hiện nhiều mô hình hay để phát triển kinh tế và xây dựng quê hương.
Mô hình “Hội viên nông dân chung tay phòng chống, khắc phục sạt lở đất” có sự tham gia nhiệt tình của các hội viên nông dân. (Ảnh chụp trước đợt dịch)
Hiệu quả từ mô hình trồng mai
Về ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu những ngày cuối năm, các nhà vườn trồng mai đang tất bật chuẩn bị để bán tết. Nhiều năm qua, trồng mai đã trở thành công việc chính, mang lại nguồn thu nhập cho các hộ nông dân nơi đây. Tháng 5-2020, Tổ hợp tác trồng mai Đông Bình ra đời, với 5 thành viên. Các hộ trồng mai ở đây đều tự trồng cây giống, chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng và làm chậu để cho ra những cây mai thành phẩm, có chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Là một trong những nông dân đầu tiên trồng mai ở vùng này, anh Đinh Văn Thống, ở ấp Đông Bình, chia sẻ: “Mười mấy năm trước, tôi thấy cây mai là một loại cây cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán của mọi gia đình. Cây này dễ trồng, chỉ cần xin hạt về ươm và trồng trong vườn, những năm đầu rất nhẹ công chăm sóc. Sau khi cây lớn tôi mới làm chậu để trồng cây vào, rồi chăm sóc một thời gian là bán được”. Từ hiệu quả đó, anh Thống mạnh dạn mở rộng vườn mai của mình. Đến nay, diện tích trồng mai của anh đã lên đến 4.000m2, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
So với các loại cây khác đang được trồng tại Châu Thành như mít thái, xoài Đài Loan, cam... thì cây mai mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định hơn. Để trồng mai, người nông dân không cần bỏ ra nhiều vốn ban đầu cho việc làm đất hay mua cây giống, không cần sử dụng nhiều phân thuốc và ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, đây là loại cây không thể trồng theo kiểu “mì ăn liền” mà phải có thời gian dài để cây sinh trưởng, phát triển, tạo dáng đẹp. Ngoài ra, người trồng mai cũng cần phải có đam mê, kỹ thuật, kinh nghiệm để trồng mai đạt hiệu quả cao.
Theo ông Tô Văn Dương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ngã Sáu: “Thời gian qua, việc trồng mai của bà con ở ấp Đông Bình khá phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế và có thể tận dụng những khoảng đất trống để trồng. Do đó, Hội Nông dân thị trấn thành lập tổ hợp tác để vận động bà con tham gia. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho những người mới để mở rộng mô hình này”.
Mô hình thiết thực
Những năm qua, tình trạng sạt lở đất là một thực trạng của huyện Châu Thành nói chung và xã Phú Hữu nói riêng. Lòng sông sâu, nước chảy xiết, lượng phương tiện thủy qua lại lớn đã khiến cho nhiều tuyến sông, kênh rạch của huyện bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn kiên cố bị sụt, lún, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, ảnh hưởng đến tài sản của người dân. Do đó, việc làm bờ kè để chống sạt lở là một điều hết sức cấp bách của địa phương.
Tuy nhiên, việc làm kè kiên cố bằng bê tông lại tốn khá nhiều chi phí, còn làm kè thô sơ bằng cây gỗ thì lại không bền vững. Tháng 4-2021, Hội Nông dân xã Phú Hữu chủ trì thực hiện mô hình “Hội viên nông dân chung tay phòng chống, khắc phục sạt lở đất” tại kênh xáng Mái Dầm, đoạn chảy qua địa phận xã Phú Hữu, với một đoạn kè sinh thái dài khoảng 300m bằng cây bần, cà na. Đây là 2 loại cây quen thuộc, dễ tìm, có bộ rễ ăn sâu, giữ đất tốt nên được trồng ngay bờ sông. Mô hình còn dùng cây và lưới cố định lục bình, giúp hạn chế lượng sóng đánh vào bờ. Tất cả đã tạo nên một đoạn kè tuy đơn giản, thô sơ nhưng chắc chắn, giảm được tình trạng sạt lở đất tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu: “Để hoàn thành đoạn kè này, chúng tôi không tốn quá nhiều chi phí như làm kè bê tông, một phần nhờ có sự đóng góp của hội viên và người dân. Sau khi mô hình này triển khai có hiệu quả, người dân nhiệt tình hưởng ứng và làm theo ở các tuyến khác. Từ lúc làm mô hình này, tình trạng sạt lở ở xã đã giảm rõ rệt. Tới đây, khi cây càng lớn thì hiệu quả của mô hình sẽ càng bền vững và lâu dài”. Nhờ đó, người dân yên tâm, không còn nơm nớp lo sợ sạt lở và địa phương cũng không phải tốn thêm ngân sách để phòng, chống sạt lở hàng năm.
Trong năm 2021, toàn huyện Châu Thành có 26 mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều mô hình đã được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực và sẽ được địa phương phát huy, nhân rộng trong thời gian tới. Qua đó, đưa phong trào học tập và làm theo Bác trở thành nguồn động lực để huyện Châu Thành phát triển và vươn xa trong thời gian tới…
Bài, ảnh: ĐANG THƯ
Theo https://www.baohaugiang.com.vn