Mãi khắc ghi lời Bác dạy

Kinh tế phát triển, người dân thôn Tân Tiến chăm lo học hành cho con em.

Thôn “đoàn kết” ở Trịnh Tường

Thôn giáp biên Tân Tiến, xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát) vẫn gọi là “thôn đoàn kết”. Gần 30 năm kể từ khi lập thôn, hơn 70 hộ dân tộc Mông, Dao, Kinh, Hà Nhì quần tụ, cùng sinh sống ở đây. Khắc ghi lời Bác dạy về tinh thần đoàn kết, đồng bào trong thôn luôn nỗ lực vượt khó, gắn bó, tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới no ấm, chung sức giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Ngôi nhà của gia đình đảng viên Vàng Kim Sinh nằm ngay đầu thôn, lọt giữa những nương, đồi chuối xanh rì. Năm 1997, theo chủ trương của Nhà nước, chính quyền địa phương đã vận động người dân đến sinh sống, lập nghiệp ở địa bàn giáp biên, ông Sinh là một trong những hộ đầu tiên đến đây khai phá vùng đất mới. Ban đầu, cuộc sống muôn vàn khó khăn, gia đình ông phải dựng tạm lán nhỏ làm chỗ ở, từ đó cần mẫn khai hoang, trồng cấy và chăn nuôi.

Vừa tham gia công tác tại xã, ông Sinh vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác và là người đầu tiên của thôn mạnh dạn đưa cây chuối mô vào sản xuất, đến nay, ông đã mở rộng diện tích lên 14 ha. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình ông thu nhập vài trăm triệu đồng. Ngoài giúp đỡ về kỹ thuật, kinh nghiệm, ông Sinh còn hỗ trợ 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất. Ngoài gia đình ông Sinh, nhiều hộ ở Tân Tiến cũng trồng chuối để giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Vùng trồng chuối mô tập trung của thôn Tân Tiến đến nay đã có hơn 50 ha.

Phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, nhiều năm nay, Chi bộ thôn Tân Tiến đã thống nhất, xây dựng mô hình “Mỗi gia đình khá, giàu giúp đỡ 1 - 2 gia đình khó khăn” bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau từ ngày công, cây, con giống, cho vay vốn sản xuất không tính lãi... Có hàng chục hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được giúp đỡ từ mô hình này, đến nay thôn chỉ còn 7 hộ nghèo; thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt 40 triệu đồng/năm. Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, thôn đạt 12/19 tiêu chí, có 100% hộ xây dựng được nhà vệ sinh, chuồng nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tinh thần đoàn kết của người dân thôn Tân Tiến còn gắn với tuyến đường bê tông trục chính rộng thênh thênh dài hơn 6 km được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Để xây dựng tuyến đường, Nhà nước hỗ trợ nguyên, vật liệu, bà con dành 2.000 công lao động thi công. Ông Tẩn A Liều, Bí thư Chi bộ thôn Tân Tiến cho biết: Cách làm của Chi bộ thôn là giao nhiệm vụ cho từng đảng viên chỉ đạo các tổ chức đoàn thể vận động bà con tham gia làm đường, chia thành các tổ, thực hiện từng phần việc và có kiểm tra, đánh giá. Sau khi có đường lớn, xe ô tô vào tận thôn thu mua nông sản và bán được giá cao hơn trước nên bà con ai cũng phấn khởi.

 

 Bác sỹ Hùng trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp.

“Tài - đức phải song hành mới xứng danh lương y”

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, bác sỹ Tô Minh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn tâm niệm để rèn y đức.

Trước khi được phân công nhiệm vụ tại Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, bác sỹ Hùng đã có nhiều năm công tác tại Khoa Ngoại - Tiết niệu. Về chuyên môn, anh là bác sỹ giỏi được đồng nghiệp nể phục. Minh chứng là đến nay anh đã đoạt 3 giải Nhất, 1 giải Ba, 3 giải Khuyến khích trong các lần tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Lào Cai trong 10 năm qua, ngoài ra còn một số sáng kiến được công nhận là có giá trị ứng dụng tích cực trên thực tế, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe Nhân dân tốt hơn. Điển hình như giải pháp “Hút áp lực âm liên tục trong thận để điều trị rò nước tiểu sau mổ sỏi thận niệu quản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai”, sáng kiến này được công nhận ở cấp tỉnh, hiện được ứng dụng thường xuyên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số cơ sở y tế. Trong quá trình mổ sỏi thận luôn tiềm ẩn nguy cơ tai biến, đặc biệt là rò nước tiểu, khi tai biến xảy ra, bệnh nhân phải mổ lại hoặc chuyển tuyến Trung ương xử lý hoặc điều trị dài ngày. Thực tế đó khiến bác sỹ Hùng day dứt, dành thời gian nghiên cứu và đưa ra giải pháp này để khắc phục cơ bản những nguy cơ nói trên và rút ngắn rất nhiều thời gian điều trị hậu phẫu.

Bác sỹ Hùng còn là tác giả, đồng tác giả hàng loạt sáng kiến, giải pháp đã trở thành giải pháp kỹ thuật như: “Tán sỏi bàng quang ở người lớn bằng ống soi niệu quản với cải tiến đường dẫn dịch rửa chủ động”, “Đặt bệnh nhân tư thế nằm nghiêng trong tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ”, “Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm, sử dụng năng lượng laser 90w”...

Khi được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, bác sỹ Hùng đã cùng Ban giám đốc xây dựng tập thể đoàn kết, thực hiện tốt quy định về y đức, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bác sỹ Hùng còn tham mưu, đề xuất việc tăng cường triển khai ứng dụng tiến bộ, kỹ thuật mới vào thực tế điều trị, áp dụng thành công một số kỹ thuật mới: Phẫu thuật tuyến giáp, đặt buồng truyền hóa chất... và trực tiếp chỉ đạo, tham gia các chương trình khám miễn phí về sàng lọc ung thư cho hơn 600 người dân vùng cao ở các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà.

Trên đây là 2 điển hình trong số hàng nghìn tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo gương Bác trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã ghi danh hơn 3.500 tập thể, cá nhân là những mô hình, nhân tố mới trong học tập, làm theo Bác.

Ghi nhớ lời Bác dạy, mỗi cá nhân, tập thể, tùy theo lĩnh vực, vị trí công tác, lao động, học tập luôn ra sức thi đua, rèn luyện với những việc làm, hành động cụ thể, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Lan Hương

Theo https://baolaocai.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website