Dù chưa một lần được gặp Bác Hồ kính yêu, nhưng với Thượng tá Trần Ngọc, nguyên Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Quân khu 5, cuộc đời, sự nghiệp và thân thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn đề tài quý giá, phong phú để ông vẽ chân dung và sáng tác nhạc, thơ về Người. Ông đã dành hơn 50 năm cuộc đời để vẽ chân dung Bác Hồ...
Tôi biết Thượng tá Trần Ngọc từ khi mới về công tác tại Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Quân khu 5 (năm 1993). Khi đó, ông là Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Quân khu 5. Lúc ấy, công việc của nhà văn hóa quân khu rất vất vả. Ngoài tham mưu cho cấp trên chỉ đạo công tác văn hóa của Lực lượng vũ trang Quân khu, đơn vị tập trung phục vụ hội nghị, trang trí, cắt kẻ, vẽ tranh cổ động. Thời điểm đó, việc in ấn khó khăn, hầu hết tranh đều vẽ bằng tay. Suốt ngày, ông Trần Ngọc ở trong phòng để vẽ phác thảo lấy mẫu trình cấp trên phê duyệt, trước khi triển khai vẽ tranh khổ lớn. Ông rất có năng khiếu vẽ tranh, nhất là chân dung về Bác Hồ.
Thượng tá Trần Ngọc vẽ tranh Bác Hồ.
Tranh Thượng tá Trần Ngọc vẽ về Bác thường bằng chất liệu sơn dầu, trên khổ lớn, có bức tranh cao và rộng cả chục mét được đặt tại hội trường, hoặc trước cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu. Nét vẽ chân phương, mộc mạc giản dị, nhưng rất có hồn, ai nhìn cũng trầm trồ khen ngợi. Để có được điều ấy, ông đã vẽ rất nhiều. Ông kể: Nhập ngũ năm 1966, ông mong ước một lần gặp Bác Hồ, nhưng chưa thành hiện thực thì ba năm sau Người đã đi xa mãi mãi. Tiếc thương Bác, ông quyết tâm vẽ chân dung Người. Năm 1970, bức tranh đầu tiên về Bác được ông vẽ tại Đại hội thi đua của Trung đoàn 220, trên chiến trường Tây Quảng Nam. Sau đó, ông được điều về công tác tại Cục Hậu cần Quân khu 5. Từ đó, ông có nhiều thời gian, điều kiện để chú tâm vẽ tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều kích cỡ tranh về Bác được ông thực hiện, có bức tranh khổ nhỏ ông mất chừng mười lăm phút là vẽ xong, những bức tranh khổ lớn, theo chủ đề thì phải mất cả tuần mới hoàn thành.
Thượng tá Trần Ngọc giới thiệu tranh Bác Hồ với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 575.
Biến cố cuộc đời xảy ra, năm 1997, ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Những cơn đau dữ dội hành hạ, nhưng ông vẫn đứng hàng giờ để vẽ tranh Bác. Dường như vẽ tranh về Người giúp ông có thêm sức mạnh vượt qua đớn đau bệnh tật. Hàng trăm bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông vẽ với nhiều chủ đề, như: Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Bác Hồ với quân dân Khu 5; Bác Hồ viết báo,…
Đến tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Quân khu 5, các cựu chiến binh, người dân và nhất là học sinh, sinh viên thường dừng lại rất lâu trước những bức tranh Bác Hồ của tác giả Trần Ngọc. Mọi người chiêm ngưỡng và bình luận về sắc thái, biểu cảm từng đường nét của tranh. Em Trần Linh Chi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng ngắm tranh rất lâu và chia sẻ cảm nghĩ: Sau khi xem những bức tranh về Bác Hồ của tác giả Trần Ngọc, em rất xúc động và tự hào. Những lời trích dẫn, căn dặn của Bác Hồ được đưa vào trong tranh là lời dạy đối với thế hệ trẻ chúng em về trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, sinh viên, học sinh khi gặp, nói chuyện và xem tranh của Thượng tá Trần Ngọc vẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều cảm nhận tình cảm chân thành, thiết tha, sâu lắng mà người họa sĩ tay ngang này dành cho Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Điều đó có sức lan tỏa mạnh mẽ, để mọi người thêm vững chắc niềm tin, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống hôm nay.
Bài, ảnh: Trần Văn Thông
Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân