Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu
Bà Phan Thị Bính chia sẻ tại buổi giao lưu
Có một người phụ nữ luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác, sống tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân, không nề hà vất vả, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người bệnh nghèo khổ. Lòng tốt, sự bao dung đó của bà đã kết nối được nhiều cánh tay, nhiều trái tim nhân ái cùng tham gia thiện nguyện.
Đó là bà Phan Thị Bính, Tổ dân phố số 22, khu dân cư số 2 Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Với mong muốn giúp những bệnh nhân nghèo ở các tỉnh phía Bắc bớt khó khăn sau khi chữa bệnh tại các Bệnh viện tuyến 1 ở Hà Nội, bà Phan Thị Bính và những người bạn thiện nguyện đã góp tiền mua 1 chiếc xe cấp cứu và tổ chức những chuyến xe đầy nghĩa tình vận chuyển bệnh nhân miễn phí từ Hà Nội về các tỉnh.
Bà Bính chia sẻ, lý do đưa bà đến ý định mua xe cấp cứu để vận chuyển miễn phí đó là: Năm 2016, ở Bệnh viện Nhi Trương ương có một cháu bé 9 tháng tuổi, quê ở Quỳ Hợp, Nghệ An chết trên xe cứu thương vì bị bảo vệ bệnh viện xích xe không cho ra; tiếp đó, hình ảnh anh Lò Văn Muôn (quê Sơn La) phải chở thi thể em gái bó chiếu trên chiếc xe máy về nhà để lo hậu sự vì gia đình quá nghèo không có tiền thuê xe. Hai hình ảnh đó đã làm lòng tôi rất xót xa. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó, và nghĩ giá như mình có một chiếc xe cấp cứu chở giúp những người nghèo thì tốt biết mấy, sẽ giúp họ bớt đi phần nào nỗi cơ cực trong cuộc sống. Vậy là tôi bắt đầu tìm hiểu. Qua truyền thông, tôi biết đến mô hình xe cấp cứu miễn phí ở tỉnh An Giang rất phát triển. Tôi cùng với bà Thái Thị Tám đã lặn lội vào tận tỉnh An Giang để tìm hiểu về mô hình, cách hoạt động của xe cấp cứu miễn phí. Đồng thời đi vận động bạn bè, người thân cùng tham gia.
Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình cùng tấm lòng nhân hậu của những người thuộc nhóm thiện nguyện và sự đồng ý của chính quyền, chiếc xe cấp cứu miễn phí đã lăn bánh vào đầu tháng 12/2018 với ưu tiên vận chuyển những người bệnh nghèo (có xác nhận của phòng công tác xã hội bệnh viện) và đưa các trường hợp cấp cứu khẩn cấp đi điều trị.
Đến nay, bà và nhóm thiện nguyện đã giúp vận chuyển được hơn 200 trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa,…Ngoài ra, bà còn tham gia nấu và phát cơm, cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Khi được hỏi về những dự định trong thời gian tới, bà Bính chia sẻ: Nhóm chúng tôi còn có một kế hoạch là mở một nhà thuốc khám và chữa trị toàn bộ bằng thuốc đông y miễn phí cho người dân. Nhóm cũng có ý tưởng mở một quán cơm cháo tùy hỷ, để cung cấp cơm cháo miễn phí cho nhiều bệnh viện, người lao động có thu nhập thấp, cháu sinh viên khó khăn về tài chính.
Để thực hiện được những ước mơ đó, bà Bính bày tỏ mong muốn lãnh đạo thành phố Hà Nội và lãnh đạo các quận, huyện tạo điều kiện giúp đỡ để nhóm có thể triển khai được tâm nguyện của mình, đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
Bí thư Đoàn xã năng động, nhiệt huyết
Gần 10 năm, với vai trò là Bí thư đoàn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, anh Ngô Duy Quý luôn nhận thức sâu sắc về việc học tập và noi gương theo gương Bác Hồ, gắn việc học Bác vào từng công việc, nhiệm vụ cụ thể của mình, đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách thiết thực như: Giúp đỡ thanh niên về vốn vay, kỹ thuật chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của nông dân vùng nông thôn…
Bí thư Đoàn xã Tân Lập Ngô Duy Quý
Anh Quý cho biết, bản thân tôi luôn ý thức việc đưa sáng kiến, ý tưởng của thanh niên phải gắn với những công việc thực tiễn tại địa phương như: Tuổi trẻ xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức các hội nghị, tọa đàm đối thoại của lãnh đạo xã với thanh niên; tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế của thanh niên. Đoàn Thanh niên trực tiếp đảm nhận, giao lại cho thanh niên thực hiện những mô hình phát triển kinh tế. Cùng với đó, Đoàn xã tập trung làm công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ đó lan tỏa, thu hút tập hợp thanh niên tốt hơn.
Ngoài việc tổ chức các hoạt động phong trào thu hút tập hợp thanh niên, Đoàn Thanh niên xã Tân Lập đã triển khai việc giúp đỡ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, then chốt. Cụ thể, Đoàn xã tập trung vào 2 nội dung: Phát triển kinh tế tại địa phương; phát triển kinh tế gắn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Cụ thể, Đoàn thanh tham mưu với Đảng ủy, UBND xã đảm nhận quỹ đất khoán 2 là vùng khó canh tác, hướng dẫn về thủ tục hành chính thuê, khoán cho các bạn đoàn viên làm trang trại nuôi gà, chim bồ câu, trồng sau sạch, rau an toàn rất hiệu quả. Đồng thời phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện vay vốn cho thanh niên sản xuất, kinh doanh.
Anh Quý cũng cho biết, năm 2018 là một trong những năm Đoàn Thanh niên xã làm được rất nhiều việc. Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2018 Tân Lập có 117 hộ nghèo, tỷ lệ 2,41%, các đồng chí lãnh đạo xã giao cho Đoàn Thanh niên đảm nhận giúp đỡ 2 cụm dân cư là cụm dân cư số 1 và Cụm dân cư số 3. Đến nay, Đoàn Thanh niên xã đã giúp đỡ, hỗ trợ 13 hộ gia đình nghèo thông qua những việc làm như: Hỗ trợ nhân công xây dựng nhà cho các hộ nghèo; hỗ trợ mỗi hộ gia đình 10 triệu đồng để sửa chữa, xây mới; kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ các sản phẩm, vận dụng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của địa phương.
Đoàn Thanh niên xã cũng trực tiếp giúp đỡ gia đình chị Phùng Thị Hiền, chị Trần Thị Yến đối tượng đơn thân nuôi con 700 nghìn đồng/tháng bằng với mức trợ cấp của nhà nước. "Chúng tôi giúp đỡ chị Hiền có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập cao; hỗ trợ các con của chị được học bán trú hoàn toàn miễn phí. Đến nay, mẹ con chị đã ổn định cuộc sống và thoát được nghèo" - anh Quý cho biết.
Cùng với đó, Đoàn Thanh niên cũng hỗ trợ hộ ông Nguyễn Văn Quyên - cụm 13, hộ bà Trần Thị Anh - cụm 11 xây mới, sửa chữa nhà ở 10 triệu đồng; hỗ trợ chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, cụm 8 trên 100 triệu đồng xây mới nhà ở; hỗ trợ 11 hộ nghèo xây mới 1 tấn xi măng, 45m3 cát... Tất cả các nguồn kinh phí được vận động từ nguồn xã hội hóa các doanh nghiệp địa phương.
Tại buổi giao lưu, mỗi câu chuyện được các nhân vật điển hình chia sẻ, thêm một lần nữa khẳng định sự đúng đắn trong từng lời căn dặn của Bác năm xưa: “Thêm mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp là thiết thực góp phần xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp trong xã hội, góp phần làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn”./.
Bài, ảnh: Hoàng Mẫn