Nâng chất cuộc sống người dân

Chăm lo đời sống tinh thần

Quận 9 phát triển từ vùng đồng bưng, cỏ lác, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp. Cũng bởi vậy mà các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trên địa bàn quận chưa nhiều. Năm 2013, để cải thiện đời sống tinh thần của người dân, UBND quận 9 đầu tư thiết chế văn hóa cho một số phường trên địa bàn quận, trong đó phường Tăng Nhơn Phú B được đầu tư xây dựng một nhà văn hóa (NVH) khang trang trên diện tích 3.975m2 với số tiền trên 5 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Bí thư Đảng ủy phường Tăng Nhơn Phú B, cho biết để NVH trở thành điểm đến hàng ngày của người dân, các cấp ủy đảng ở phường tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ trang thiết bị, mời giáo viên về dạy các môn học kỹ năng, rèn luyện sức khỏe và nhiều hoạt động khác. Hiện NVH phường Tăng Nhơn Phú B có 6 đội văn nghệ, 8 câu lạc bộ đờn ca tài tử, thơ ca, vũ đoàn múa, dân vũ, cải lương, với tổng số hơn 170 thành viên. Hàng ngày, NVH phường tổ chức hơn 10 lớp dạy võ thuật, yoga, thể dục, thể thao… để người dân rèn luyện sức khỏe. Trung bình mỗi ngày NVH phường đón hơn 400 lượt người tới tham gia các hoạt động, tất cả đều miễn phí. Anh Nguyễn Phúc Đức (25 tuổi, cư dân địa phương) cho biết, mọi thời gian rảnh anh đều sinh hoạt ở NVH phường và luôn hứng thú với các hoạt động tại đây. “Sinh hoạt tại NVH vừa giúp rèn luyện sức khỏe, phát huy năng khiếu của bản thân, lại tạo sự gắn kết với mọi người trong khu phố, trong phường. Qua đó cũng giúp mọi người đoàn kết hơn, giảm những xích mích không đáng có trong đời sống thường ngày”, anh Đức nhận định.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, thành phố hiện có 56 NVH, trung tâm văn hóa - thể thao cấp phường. Không chỉ chú trọng đầu tư NVH, nhiều quận huyện còn tận dụng khai thác những khoảng đất trống trên địa bàn để làm công viên, lắp đặt thiết bị tập thể dục cho người lớn và khu vui chơi cho trẻ em. Chỉ về mảng xanh trên đường Võ Văn Kiệt (gần cầu Nguyễn Tri Phương), bà Phạm Thị Kiều Hoa (ngụ đường Nguyễn Văn Đừng, quận 5) cho biết: “Ngày trước khu này là thảm xanh xen lẫn rác. Hơn 3 năm nay, quận đã chỉnh trang lại, lắp đặt thiết bị tập thể dục, thiết bị vui chơi cho trẻ em, người dân rất phấn khởi vì có nơi vận động”.

Để khai thác tối đa công năng của các mảng xanh trên địa bàn, quận 5 đã cải tạo 3 công viên (Văn Lang, Hòa Bình, Âu Lạc). Đồng thời, tăng cường 2.479m2 mảng xanh; cải tạo, lồng ghép các hoạt động phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe, giải trí của người dân ở các khu đất công trình công cộng có bố trí mảng xanh với tổng diện tích hơn 35.462m2. Tương tự, trên địa bàn TPHCM còn nhiều khu đất trống được bố trí thành công viên, khu vui chơi giải trí như ở phường Long Trường (quận 9); phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức); phường 1 (quận 4); phường 4 (quận 8); phường An Phú Đông (quận 12); xã Tân Túc (huyện Bình Chánh)…

Điện tới nơi xa nhất TPHCM

Trong khi đó, xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) là nơi có vị trí đặc thù - xã đảo duy nhất, nơi xa nhất TPHCM và chỉ có cách kết nối với các địa phương khác bằng đường thủy. Từ trung tâm TPHCM, băng qua gần 50km tới trung tâm huyện Cần Giờ, cần thêm 45 phút đi đò mới tới được xã đảo Thạnh An (gồm các ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng). Riêng ấp Thiềng Liềng, cần thêm khoảng 30 phút đi đò nữa mới tới. Thạnh An là địa phương cuối cùng của TPHCM được phủ lưới điện quốc gia (tháng 4-2015), và vào tháng 4-2016 điện lưới quốc gia đến ấp Thiềng Liềng.

Ông Nguyễn Đức Kỳ (56 tuổi, ngụ ấp Thiềng Liềng) chia sẻ, trước đây, khi chưa có điện lưới quốc gia, ông Kỳ cùng bà con trong ấp xài điện mặt trời. Khi trời nắng thì có điện xài, gặp ngày mưa, mùa mưa, điện thường thiếu, gia đình ông Kỳ chỉ dám ưu tiên điện thắp cho con cái học bài, còn các sinh hoạt khác, phập phù, được chăng hay chớ. “Bây giờ thì cuộc sống thoải mái lắm, nhà tôi nghe đài, xem tivi, dùng điện thoại, internet... rất tiện lợi. Trong làm muối, trước phải dùng máy bơm chạy bằng dầu bơm nước vào ruộng muối, mất mỗi ruộng cả trăm ngàn đồng tiền dầu bơm, giờ máy bơm chạy bằng điện, chỉ tốn có 10.000 đồng, làm ăn thuận lợi hơn nhiều”, ông Kỳ phấn khởi.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết toàn xã có hơn 1.200 hộ dân (với gần 4.700 nhân khẩu), sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, làm muối, du lịch sinh thái. Trước đây, việc sử dụng điện ở xã chủ yếu qua các máy đèn với thời gian phát điện từ 12 đến 18 tiếng/ngày, rồi sau đó là điện diesel; riêng ấp Thiềng Liềng sử dụng máy phát điện của hộ gia đình và từ năm 2011 trở đi là điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc cung cấp điện chỉ đáp ứng tối thiểu nhu cầu sinh hoạt của người dân, riêng về nhu cầu sản xuất thì không thể đáp ứng. Vì thế, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân còn nhiều hạn chế.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM về việc đưa lưới điện quốc gia về với xã đảo Thạnh An - nơi duy nhất của TPHCM chưa có điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực TPHCM phối hợp cùng huyện và xã tập trung các nguồn lực, công nghệ, ngày đêm thi công trong điều kiện thời tiết khó khăn. Cuối cùng, công trình cáp ngầm vượt biển đã thành công, đưa dòng điện 22kV của điện lưới quốc gia đến với xã đảo vào năm 2015. Ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ, một trang mới cho người dân xã đảo cũng mở ra, khi đời sống được sáng sủa, thoải mái hơn và các dự án sản xuất kinh doanh về sản xuất muối, nuôi trồng, chế biến thủy sản, tiểu thủ công nghiệp... được đầu tư phát triển.

Điện lưới quốc gia về Cần Giờ (năm 1990) và năm 2015 có cáp ngầm vượt sông Lòng Tàu cấp điện cho xã đảo Thạnh An, rồi ấp đảo Thiềng Liềng được ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, đánh giá là một trong 5 thành tựu quan trọng (trồng được đước, mở được đường, xóa được đói, đắp được đê và kéo được điện) đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của người dân Cần Giờ nói chung và xã đảo nói riêng. Người dân có cuộc sống chất lượng hơn, và tốc độ giảm nghèo trung bình mỗi năm là 8% trong toàn huyện.

 Để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, 27 năm qua, thành phố đã liên tục thực hiện chương trình giảm nghèo. Từ chương trình này, hàng trăm ngàn hộ nghèo được hỗ trợ, vươn lên thoát chuẩn nghèo TPHCM qua từng giai đoạn. Riêng 3 năm gần đây, đã có 59.700 hộ vượt chuẩn nghèo và hơn 58.000 hộ vượt chuẩn cận nghèo. Nhiều hộ sau khi vượt nghèo, đã tự nguyện giúp lại những người khó khổ hơn mình. Chương trình không chỉ trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp chăm lo cho người nghèo ở TPHCM, mà còn lan tỏa, nhân rộng trong cả nước.


THU HƯỜNG - MẠNH HÒA

Theo báo Sài gòn Giải phóng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website