Nghĩ về lời khuyên của Bác Hồ với văn học, nghệ thuật Việt Nam

 

Vừa là lãnh tụ, vừa là một nhà văn hóa lớn nên sự quan tâm và những lời căn dặn của Người về văn học, nghệ thuật lại càng trở nên sống động, tha thiết.

Trong Nhật ký trong tù , Bác Hồ đã viết: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?”. Có lẽ, vốn sinh ra, lớn lên và được nuôi dưỡng trong tiếng ru của mẹ với những câu hò ví dặm, những điệu hát phường vải bay bổng trên dòng sông Lam xứ Nghệ, cùng sự am hiểu chữ nghĩa, thơ ca của cha, lại được tiếp xúc với bao nhiêu chí sĩ yêu nước giỏi văn thơ và đầy khí phách… nên Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất mê thơ, sành thơ và cũng đầy cảm xúc thi ca. Người có những áng văn, những bài thơ sáng tác trước cách mạng. Vì yêu nước, thương dân, Người đã toàn tâm, toàn trí dành cho cách mạng, tạm gác thơ ca. Và khi bị kẻ địch cầm tù, Bác Hồ lại tiếp tục “ngâm thơ”, “làm thơ”, vừa để nâng cao chí khí của mình, vừa đợi đến ngày tự do để tiếp tục hoạt động cách mạng. Nhật ký trong tù đã minh chứng cho tâm hồn thi sĩ của Bác.

Bác Hồ thân mật trò chuyện với họa sĩ lão thành
Bác Hồ thân mật trò chuyện với họa sĩ lão thành Nguyễn Phan Chánh. (Ảnh tư liệu)

Nhưng trước khi làm thơ, vào những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Chủ tịch đã là một nhà báo lớn, tờ Người cùng khổ - Le Paria - với nhiều bài viết sắc sảo đầy tính chiến đấu, cùng những vở kịch, tranh minh họa, tranh châm biếm đả kích bọn đế quốc, thực dân, đã khẳng định tên tuổi của Người trong giới báo chí tại Pháp. Đặc biệt, nhiều bức tranh đả kích do Người vẽ đến nay vẫn còn giá trị và cũng chứng minh tài năng đa dạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, cùng với những hoạt động ở Pháp, trong mối quan hệ của Bác với những nhà văn hóa, những nhà văn, họa sĩ, nhà thơ nổi tiếng, Nguyễn Ái Quốc luôn được đánh giá là một người am hiểu tường tận và sâu sắc cả văn hóa Phương Đông lẫn văn hóa Phương Tây.

Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Hồ Chủ tịch lại cùng Trung ương Đảng trở về chiến khu Việt Bắc, lãnh đạo cuộc chiến đấu thần thánh giải phóng dân tộc. Trong trăm công nghìn việc của một vị lãnh tụ tối cao, Hồ Chủ tịch đã đặt những nền móng đầu tiên cho lý luận, thực tiễn một nền văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam. Năm 1948, trường Mĩ thuật kháng chiến và các đoàn văn công, kịch nói, ca múa nhạc, chèo, tuồng… cùng các cơ quan văn hóa, văn nghệ ra đời và phát triển một cách đồng bộ, mạnh mẽ, và Bác Hồ là người vạch đường chỉ lối. Nhà điện ảnh Xô Viết nổi tiếng Các-men, người đã làm nên những thước phim tài liệu lịch sử vô giá về cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, sau này, trong nhiều hồi ức của mình, đã ca ngợi Bác Hồ là người rất am hiểu về điện ảnh. Và trong nhiều cuộc trao đổi, luận bàn với Các-men, Người đã có nhiều ý kiến hết sức sâu sắc, quý giá.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật) đã kể nhiều kỷ niệm về Bác, trong đó có câu chuyện, khi nghe một nghệ sĩ trẻ kêu ca về phương tiện nghèo nàn, khó khăn, Bác đã hết sức thông cảm, chia sẻ, nhưng rồi Người nói: “từ trong cái khó, mới ló cái khôn”. Cũng chính từ thời kỳ đó, nền nhiếp ảnh Việt Nam bắt đầu làm nên sự nghiệp của mình. Tóm lại, có thể nói, từ sau toàn quốc kháng chiến đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), tại trung tâm căn cứ địa cách mạng, Hồ Chủ tịch là người đã lãnh đạo, dẫn dắt, đưa đường, chỉ lối, đặt nền móng cho nền văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam.

Năm 1955, hòa bình lập lại hoàn toàn trên Miền Bắc, đất nước ta bước vào giai đoạn mới, hàn gắn vết thương chiến tranh, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong không khí náo nức, hồ hởi, say mê của cuộc sống mới, cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, một luồng gió sáng tạo mới trong văn hóa, văn nghệ đã bừng lên. Từ năm 1957, các hội sáng tạo văn học, nghệ thuật, các trường nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, múa; các đoàn văn công: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… lần lượt ra đời. Trong nhiều tấm ảnh tư liệu quý giá còn lưu giữ đến nay, hình ảnh Bác Hồ luôn luôn tươi cười xuất hiện cùng anh chị em văn nghệ sĩ, lúc thì Bác ở trụ sở Liên hiệp văn học, nghệ thuật, lúc thì ở các trường nghệ thuật, lúc thì múa hát cùng các cháu thiếu nhi, lúc thì ở đoàn văn công… với những lời dạy quý báu, chân tình, thương yêu sâu sắc, cảm thông với những khó khăn, thử thách trong công việc lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, và chính Bác Hồ cũng khẳng định một vị trí cao quý, vinh quang của người nghệ sĩ cách mạng Việt Nam: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Cũng trong suốt nửa sau của thế kỷ XX cho đến tận hôm nay, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ vẫn còn là những bài học lớn, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Đối với giới nghệ sĩ sân khấu, có một lời nhắn nhủ này của Bác, nghe có vẻ nôm na, giản dị, chân tình, nhưng không kém phần sâu sắc và đầy tính lý luận, đó là sau khi khen ngợi: “tuồng là tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến”, rồi Bác lại thâm thúy nói tiếp: “nhưng chớ gieo vừng ra ngô”. Càng ngẫm nghĩ lời Bác, chúng ta càng thấy thấm thía, càng thấy sâu sắc và từ thực tiễn hoạt động sáng tạo nghệ thuật, quả thật, nhiều lúc chúng ta đã “gieo vừng ra ngô” mà không hề hay biết. Có một thời kỳ cải tiến, cách tân dẫn đến phá chèo, mà có người nói vui là chẹo, chéo, chẽo chứ không còn là chèo nữa. Người ta biến chèo thành kịch có bài hát mới, vừa chắp vá, vừa nhộn nhạo, vừa ta vừa tây. Người ta đưa cả ca khúc “sến” với dàn trống tây, kèn tây, ghi-ta tây vào chèo, lấy cớ là ăn khách để bỏ đi hàng loạt các làn điệu, lời ca của chèo cổ, cũng như bỏ đi bộ gõ, đàn nguyệt, đàn đáy, nhị, sáo, đàn bầu… trong sáng tác âm nhạc. Nhưng rất may, sau một thời gian không lâu, chính những người nghệ sĩ cũng đã nhận ra và tự điều chỉnh những quan niệm sáng tạo về những loại hình nghệ thuật đã có từ ngàn xưa của ông cha. Rõ ràng, đến nay, sự cách tân của chèo - tiếp thu những tinh hoa của truyền thống cùng những tìm tòi hiện đại, tiên tiến - đã mang lại những hiệu quả mới, những dấu ấn mới, những chất liệu mới, mặc dù chặng đường sáng tạo nghệ thuật còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Cũng như chèo, nghệ thuật cải lương và ca múa nhạc cũng qua những thời kỳ “gieo vừng ra ngô” như thế. Có thời, người ta không diễn cải lương mà chỉ cần ca, ca thật hay, không chỉ đổ 6 câu vọng cổ, mà là bắn hàng trăm chữ liên hồi, liên tục. Rồi hóa trang, phục trang cứ như tích Tàu, La Mã - xanh xanh, đỏ đỏ lòe loẹt, kim sa, kim tuyến vô tội vạ. Trong ca nhạc thì không còn là hát nữa, mà là hú hí điên cuồng, trang phục hở hang, khêu ngợi, nhảy nhót tán loạn, xập xí, xập ngầu, vừa pha cả Úc, Phi, Mĩ, Á, Âu…, ánh sáng lập lòe, khói bay mù mịt… Nhưng rất may, vẫn còn những người có tâm trong giới văn hóa, văn nghệ, cũng như báo chí, công luận lên tiếng kịp thời, đúng lúc mà một trật tự kỷ cương về văn hóa, văn nghệ đã dần được thiết lập - vừng trở lại đúng là vừng, chứ không phải là ngô nữa. Bài học “chớ gieo vừng ra ngô” của Bác Hồ lại càng thấm thía, sâu sắc hơn bao giờ hết.

Viết về Bác Hồ, về sự nghiệp, đạo đức, tư tưởng, công lao của Người đối với văn học, nghệ thuật, đối với cách mạng Việt Nam, đã có nhiều công trình cả trong nước và trên thế giới, của các nhà khoa học, văn hóa, văn nghệ sĩ… mà trong đó, không ít người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về Người. Bởi thế, những dòng viết trên đây chỉ là góp thêm vài suy nghĩ, tâm sự của một người nghệ sĩ đã 50 năm nặng lòng với văn học, nghệ thuật để tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ đối với văn học, nghệ thuật nước nhà./.

Lê Huy Quang

Theo: Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website