Trước đây, phụ nữ dân tộc Mông truyền thống chỉ lo chuyện bếp núc, nhà cửa nhưng giờ đây họ là thành viên tích cực phát triển kinh tế gia đình và tham gia vào các công việc xã hội. Chị Vàng Thị Sông là một điển hình, cùng với việc học được chữ “Cần” của Bác, cộng với tính năng động, sáng tạo chị đã trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của bản Nậm Pha, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
|
Chị Vàng Thị Sông phơi lúa. Ảnh: Công Tuyên/TTXVN |
Khi mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng chị Vàng Thị Sông (sinh năm 1978) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, chỉ với 1 sào ruộng là tài sản bố mẹ cho ban đầu, đến nay vợ chồng chị đã khai hoang thêm được 4 sào ruộng và 7 sào nương để trồng lúa, ngô, sắn và hơn 4.000 gốc cây thảo quả trồng dưới tán rừng. Anh Hàng A Dơ (chồng chị Sông) chia sẻ: Vợ mình hiền mà chịu khó lắm. Lúc mới lấy nhau về, năm đầu tiên vợ bán thóc để lấy tiền mua mấy con gà về nuôi, nuôi rồi mang đi bán, xong lại mua nhiều gà con hơn, đến năm sau thì để dành tiền mua được 1 con lợn. Sau một lần bán lợn thịt vợ mình lại mua tăng con giống. Vậy là đàn gà của nhà tăng dần lên đến mấy chục con, lợn thì có mấy con, có đợt còn nuôi được 6 con trâu, ngô lúa thì không lo thiếu.
Năm 2010, trong một lần đi thăm nhà người quen, thấy họ trồng thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập rất cao, chị Sông đã hỏi cách trồng sau đó về bàn với chồng rồi quyết định bán đàn gà, lợn của gia đình để mua giống về trồng. Khi mới bắt đầu 2 vợ chồng chị Sông trồng được 500 gốc, sau 3 năm, thảo quả nhà chị bắt đầu cho thu hoạch, ngay năm đầu đã thu được hơn 100 triệu đồng. Có vốn, chị Sông lại quyết tâm đầu tư trồng thêm thảo quả, hiện nay số cây thảo quả của gia đình đã phát triển lên hơn 4.000 gốc.
Năm 2013, từ tiền bán thảo quả, gia đình chị Sông xây được nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, mua xe máy để tiện cho việc chở nông sản đi bán. Khi thấy thảo quả mang lại nguồn thu tốt, chị đã tuyên truyền, hướng dẫn cho chị em hội viên hội phụ nữ trong bản trồng thảo quả. Chị Vàng Thị Sông cho biết, bản chị hầu như nhà nào cũng trồng thảo quả, nhà ít thì khoảng 500 gốc, nhà nhiều lên tới 6.000 gốc, thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở việc chăn nuôi và trồng thảo quả, cuối năm 2017, thấy nhu cầu chở hàng của bà con trong bản, trong xã nhiều, chị đã bàn với chồng mua một chiếc ô tô tải trước hết là để chở nông sản của nhà ra huyện, lên tỉnh bán, sau là phục vụ nhu cầu của bà con. Cả bản chỉ có 2 nhà có xe tải nên lúc nào cũng nhiều việc. “Bắt đầu từ tháng 8 đến cuối năm thì bà con thuê nhiều nhất, chuyến ngắn nhất mình cũng lãi được 300.000 đồng, chuyến dài thì cả triệu đồng”, chị Vàng Thị Sông phấn khởi.
Biết tính toán trong phát triển kinh tế, lấy ngắn nuôi dài, từ các nguồn thu, mỗi năm gia đình chị Vàng Thị Sông thu nhập ổn định khoảng trên 500 triệu đồng. Chị là một trong số ít hộ trong bản có thu nhập cao, ổn định. Làm kinh tế giỏi nhưng chị Sông cũng là người chu toàn với công việc gia đình và tham gia các công việc xã hội. Thực hiện các phong trào của Hội phụ nữ phát động “nuôi con khỏe dạy con ngoan”, “5 không, 3 sạch”, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi... chị Sông đã cùng chị em trong bản đoàn kết, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo. Chị là một trong những hội viên tiên phong của Chi hội phụ nữ bản gây dựng quỹ để hỗ trợ hội viên nghèo vốn sản xuất.
Chị Cứ Thị Sầu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Nậm Pha, xã Khun Há cho biết: Chị Vàng Thị Sông là hội viên phụ nữ của bản làm kinh tế giỏi, trong cuộc sống gia đình thì vun vén, lo loan, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Chị cũng là hội viên năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động của chi hội, sẵn sàng giúp đỡ các hội viên khó khăn./.
Công Tuyên/TTXVN