Ngành y tế Việt Nam 67 năm thực hiện lời Bác dạy

“Lương y như từ mẫu”

Cách đây đúng 67 năm, vào ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị Cán bộ Y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Bác thư có đoạn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Người kết luận: “Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Thực tế, không chỉ trong bức thư ngày 27/2/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nói câu “Lương y phải như từ mẫu”, mà trong suốt thời gian từ năm 1947 đến năm 1967, Người nhắc đi nhắc lại thông điệp này trong hơn 20 bức thư gửi ngành Y tế và rất nhiều bài báo, hay trong những lần đi thăm các cơ sở y tế, bệnh viện. Trong bức thư gửi Hội nghị Quân y, được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 3/1948, Bác viết: “Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”. Tháng 6/1953, cũng nhân dịp Hội nghị Y tế toàn quốc được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư cho ngành Y tế nước nhà, trong thư Người viết: “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. Lương y phải kiêm từ mẫu”. Ngày 20/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là thành phố Hà Nội. Tại đây, người đã căn dặn cán bộ, y bác sỹ của Bệnh xá phải luôn ghi nhớ và thực hiện “Lương y như từ mẫu”. Hay tại bức thư cuối cùng Bác viết gửi ngành Y tế nước ta ngày 31/7/1967, có đoạn: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Trong suốt cuộc đời của mình, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới ngành Y tế, coi trọng các cán bộ, nhân viên Ngành Y. Với cương vị đứng đầu Chính phủ, Người đã chủ tọa nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Y tế. Sau chiến thắng Điện Biên phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 15/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức trở về Hà Nội. Nơi đầu tiên Người đến ở là Nhà thương Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Hữu nghị) để tìm hiểu, theo dõi, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và bộ đội.

Coi trọng công tác Y tế, Người chủ trương xây dựng ngành Y tế không chỉ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, mà còn xây dựng được nền y học của chế độ xã hội mới hướng tới phát triển y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe toàn dân. Người khẳng định: “Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay, chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng”.

67 năm thực hiện lời Bác dạy

Thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 67 năm qua, các thế hệ thầy thuốc và ngành y tế Việt Nam luôn coi đây là phương châm hành động cao cả, là trách nhiệm đối với nhân dân khi được Đảng và Bác Hồ giao cho. Ngành y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng trong công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: baodantoc.vn

Chính sự góp công rất lớn của ngành y tế, những thành tựu của Việt Nam đạt được rất đáng tự hào: từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, tuổi thọ thấp, Việt Nam trở điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, thực hiện vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm về số giường bệnh trên vạn dân và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, tuổi thọ bình quân tăng. Chất lượng dân số cũng từng bước được cải thiện và nâng cao.

Hệ thống tổ chức, bộ máy ngành Y tế được củng cố và hoàn thiện từng bước theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, nhân lực y tế ngày càng được củng cố, tăng cường, nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn. Nước ta có hệ thống y tế hoàn chỉnh với khoảng 700 trung tâm y tế cấp huyện và hơn 11.100 trạm y tế ở cấp xã, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác y tế dự phòng có những bước tiến vượt bậc trong việc kiểm soát, ngăn chặn và khống chế thành công các bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới như Ebola, Mers-CoV; đã chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine phòng bệnh. Ngành Y tế Việt Nam cũng đã làm chủ được ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin, sinh phẩm; làm chủ nhiều kỹ thuật y – dược hiện đại đạt trình độ thế giới.

Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, khi nước ta chiến đấu với đại dịch COVID-19, có vai trò vô cùng to lớn và quan trọng của Ngành Y tế bởi các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời, hiệu quả; giảm thiểu những thiệt hại về người và của mà dịch bệnh gây ra. Có thể kể đến một số kết quả như: Ngành Y tế đã đưa dịch vụ y tế đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả; thành lập hơn 700 trạm y tế xã lưu động; điều động hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội; đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới, số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt… Đặc biệt, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống dịch đã ghi những dấu ấn đậm nét trong lòng mỗi người dân bởi sự quả cảm, trách nhiệm, hy sinh.

Khó khăn phía trước còn nhiều, nhưng những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong những năm qua đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước; đáp ứng được niềm tin, sự kỳ vọng và mong mỏi của nhân dân.

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website