Giữ lời hứa với Bác

Dù trải qua thời gian, song những lời căn dặn của Người khi đến thăm công trình thủy lợi Bắc-Hưng-Hải và thăm tỉnh Bắc Ninh vẫn luôn được lớp lớp người dân Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng khắc sâu ghi nhớ và thực hiện. Nhớ lại những lần Bác về thăm, chúng ta càng thêm nguyện sắt son đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, nguyện cống hiến cho công cuộc dựng xây nước nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Công trình thủy lợi Bắc-Hưng-Hải là công trình mang dấu ấn lịch sử không chỉ tiêu biểu cho ngành thuỷ lợi của miền Bắc, mà còn là của cả đất nước. Đây là một hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát úng nước cho một vùng tứ giác có diện tích tự nhiên gần 214.932 ha được giới hạn bởi sông Hồng ở phía Tây, sông Đuống ở phía Bắc, sông Thái Bình ở phía Đông, và sông Luộc ở phía Nam. Các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đều có một phần địa bàn rộng lớn trong tứ giác đó, vì thế hệ thống thủy nông này được đặt tên là Bắc-Hưng-Hải. Công trình được xây dựng đào đắp từ cuối năm 1958 với tổng chiều dài hơn 200 km. Đây là công trình trị thủy đầu tiên của miền Bắc nước ta, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm là vào ngày 20-9-1958, tại khu vực chuẩn bị thi công cống Xuân Quan- đây là cụm đầu mối của Công trình Đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải, là nơi sẽ dẫn nguồn nước có lượng phù sa quý giá từ sông Hồng vào tưới tiêu cho đồng ruộng của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Người đã xuống sát chân đê Xuân Quan thăm hỏi và nói chuyện với cán bộ, công nhân và dân công đang gấp rút công tác chuẩn bị thi công công trình. Hàng ngàn người vây quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ áo nâu sẫm mầu giản dị và mái tóc bạc phơ, để lắng nghe tiếng nói ấm áp của Người.

Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngày trước, dưới chế độ thực dân và phong kiến, ba tỉnh Bắc-Hưng-Hải mười nǎm chín hạn. Nǎm nào cũng đói kém. Nhân dân cực khổ nghèo nàn. Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, cải cách ruộng đất thành công, đời sống đồng bào ba tỉnh đã được cải thiện ít nhiều. Nhưng mỗi nǎm mỗi tỉnh vẫn phải tốn từ 1 triệu rưởi đến 3 triệu ngày công vào việc khơi mương, đào giếng, tát nước, chống hạn. Tốn nhiều công sức, nhưng vẫn còn nhiều ruộng thiếu nước cấy và thu hoạch vẫn bấp bênh. Nay Đảng và Chính phủ quyết định cùng nhân dân xây dựng công trình thuỷ lợi Bắc-Hưng-Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào”. Người ân cần động viên: “Cán bộ và đồng bào quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt... Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm. Cán bộ cần phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể nhân dân”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải (ngày 25-12-1958). Ảnh Tư liệu

 Người đề nghị phải tổ chức thật tốt, phải lãnh đạo thật tốt, dân công cũng như quân đội phải có kỷ luật chặt chẽ và dụng cụ phải sẵn sàng đầy đủ. Riêng đối với cán bộ, Người yêu cầu: “Phải đồng cam cộng khổ với nhân dân, phải khuyến khích và giúp đỡ nhân dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất”.

 Hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thay mặt Đảng, Chính Phủ và toàn thể nhân dân cảm ơn người dân 2 làng Xuân Quan và Cửu Cao (thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), đã hy sinh hàng trăm tấn lúa đến ngày trổ bông vì quyền lợi của hơn hai triệu nhân dân Bắc-Hưng-Hải; bà con Bát Tràng chấp nhận rời bỏ cơ đồ tổ tiên cả nghìn năm sang làng mới cũng vì vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi tất cả mọi người phải biết ơn bà con các làng chịu phần thiệt thòi và động viên nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương hết lòng hết sức làm thật tốt để đúng ngày 6-1-1959 mở được nước sông Hồng vào đồng.

Kết thúc bài nói chuyện, Người đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của công trình thuỷ lợi này đối với việc chống hạn: “Công trình thuỷ lợi Bắc-Hưng-Hải là một chiến dịch chống giặc hạn. Rất mong đồng bào và cán bộ ba tỉnh cố gắng phát triển truyền thống vẻ vang ấy, tìm tòi mọi sáng kiến, khắc phục mọi khó khǎn, để hoàn thành thắng lợi công trình Bắc-Hưng-Hải”.

Ngày 16-10-1958,Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường thuỷ lợi Bắc-Hưng-Hải lần thứ hai. Trở lại đoạn đê Xuân Quan, Người xuống tận chân công trình thăm anh chị em dân công đang đào kênh dẫn phía ngoài cống Xuân Quan. Nói chuyện với gần 3 vạn dân công, công nhân, cán bộ trên công trường qua loa phóng thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc xây dựng công trình Bắc-Hưng-Hải là một chiến dịch. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến quyết thắng. Các đảng viên, đoàn viên, thanh niên, công nhân, cán bộ phải làm gương mẫu. Phải cố gắng làm thế nào đảm bảo có đủ nước cho vụ chiêm sắp tới được thắng lợi, đem lại ấm no cho đồng bào”.

Khi đi đến đoạn cống sông Đình Dù (xã Đình Dù, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thân mật nói chuyện với đông đảo cán bộ và dân công, Người khen ngợi những đơn vị, cá nhân có thành tích trong lao động; cảm ơn các cụ và đồng bào địa phương đã tận tình giúp đỡ nơi ăn, chốn ở, lại thường xuyên đến thăm hỏi động viên dân công. Sau đó, Người thưởng Huy hiệu của Người cho các đơn vị và cá nhân có thành tích và gửi lại một số Huy hiệu dành cho các đợt sơ kết thi đua cuối tháng. (Từ sau khi hệ thống thủy nông Bắc-Hưng-Hải được khai thủy, nhân dân của làng Đình Dù gọi đây là: nguồn nước Bác Hồ).

Ngày 25-12-1958, lần thứ ba Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Công trường thủy lợi Bắc-Hưng-Hải. Bác xuống thăm công trường cống Xuân Quan và khu vực đào kênh ngoài. Bác đến trong lúc mưa phùn và giá rét, cán bộ và dân công, bộ đội trên công trường vẫn đang hăng hái lao động với quyết tâm rất cao. Người đề nghị Trưởng Ban chỉ huy dẫn đi thăm công trường. Ngại Bác vất vả nên đồng chí Hà Kế Tấn xin khất Bác lần khác vì hôm nay trời mưa rét và đường quá trơn. Nghe đến đó Bác bảo: “Dân công, bộ đội làm việc ngoài mưa rét được! Bác chỉ ra tận nơi thăm hỏi sao lại không được?”. Người đã lên tận nơi anh em công nhân đổ bê tông ca 3 đang tìm cách xử lý mạch nước ở cống Xuân Quan.

Toàn tuyến công trường dài hàng chục cây số bỗng bừng lên rộn rã. Cả công trường sốt ruột chờ đợi, có tiếng loa nhắc nhở: “Bác Hồ tới thăm công trường, gặp gỡ chúng ta, mọi người tập trung trật tự để Bác nói chuyện”.“Bác đến! Bác đến!”. Người nọ truyền người kia, thoáng chốc cả làn sóng người trên công trường chuyển động, cả biển người bất chấp bùn đất, mưa phùn, giá rét... đã đến vây quanh Bác. Tiếng nói cười, tiếng vỗ tay mừng như sấm dậy. Sau lời thăm hỏi ân cần, Bác bắt đầu nói chuyện. Người thông cảm với khó khăn mà công trường đang gặp và động viên mọi người bình tĩnh, sáng tạo và cương quyết vô hiệu hóa các lỗ mạch nguy hiểm. Người khen: “anh em công nhân và dân công địa phương đã có nhiều tiến bộ” và nhắc nhở: “cần cố gắng hơn nữa, cần phát huy nhiều sáng kiến, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời đẩy mạnh việc chống lãng phí, tham ô”. Sau khi thăm cống Xuân Quan, đồng chí Hà Kế Tấn muốn mời Bác nghỉ nhưng Bác gạt đi. Quần xắn cao tới đầu gối dưới làn mưa bụi, chiếc mũ cát trắng của Bác nhấp nhô giữa biển người, kéo một mạch từ Xuân Quan ra Bát Tràng. Chốc chốc Bác lại dừng chân thăm hỏi. Qua những đoạn bùn lầy quá trơn, có người xin cõng nhưng Bác gạt đi, tụt dép cầm tay và cứ thế tiến lên. Tiếng hô: “Hồ Chí Minh muôn năm” vang lên như sấm, hôm đó Bác còn đi thẳng vào làng mới Bát Tràng nơi những hộ di chuyển đến, để thăm hỏi và động viên bà con.

Ngày 20-2-1959, trước khi công trình hoàn thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường lần thứ tư. Người đến và cũng không cho báo trước, Chủ tịch nước đến thăm công trình mà giản dị như người cha đến thăm con cháu đang lao động với một tình yêu thương sâu sắc và sự chỉ bảo ân cần, giúp đỡ giải quyết những khó khăn cụ thể. Đến cống Xuân Quan, Người xem xét từng hạng mục công trình và nghe Ban chỉ huy công trình báo cáo về tình hình thi công. Người thăm hỏi cán bộ, bà con dân công và động viên mọi người quyết tâm vượt qua mọi trở ngại trước mắt, giữ vững ý chí thi đua lao động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên công trường.

Giữ đúng lời hứa với Bác, ngày 1-5-1959, công việc hoàn thành trước khi mùa lũ đến với khối lượng khổng lồ: xây đúc 7.500 m3 bê tông, xây lát 226.000 m3 đá, đào đắp gần 3.000.000 m3 đất... Hệ thống sông chính dài 200km bảo đảm cấp nước tưới cho gần 120.000 ha diện tích cây trồng, tiêu úng cho hơn 192.000 ha. Công trình hoàn thành, cửa cống Xuân Quan mở toang cho nước sông Hồng tuôn về đồng ruộng, giữa tiếng gieo hò của hàng vạn cán bộ công nhân viên và nhân dân ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Đây là hệ thống thủy lợi lớn nhất miền Bắc một thời và từng được gọi là Đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải. Ngay sau khi công trình hoàn thành, cũng năm 1959, bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” được khởi dựng giới thiệu về quá trình xây dựng hệ thống thủy lợi này. Bộ phim đã đoạt giải Giải Bông sen vàng và Huy chương vàng tại Liên hoan phim Matxcơva 1959.

Trận lũ lịch sử năm 1969 đã diễn ra trên diện rộng toàn miền Bắc, nước sông Hồng lên cao gần 14m đe dọa sẽ vỡ đê. Nằm trên giường bệnh, trong khi bệnh tình đang rất nặng Người vẫn lo cho nhân dân. Ba ngày trước khi mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gọi Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn (tháng 1- 1963 ông được Quốc hội bầu cử vào trọng trách Bộ trưởng Bộ Thủy lợi) đến bên giường bệnh dặn dò không được để vỡ đê, phải tìm mọi cách cứu dân. Sau khi đồng chí Phạm Văn Đồng đích thân đi kiểm tra đê và cùng với đồng chí Hà Kế Tấn vào báo cáo Người mới yên lòng. Đến nay đê Xuân Quan vẫn giữ được lời đã hứa với Bác. Cùng với thời gian, Bắc Hưng Hải ngày càng khẳng định vai trò, nhiệm vụ của một “Đại thuỷ nông” đã, đang và sẽ giúp cho hàng triệu nhân dân được hưởng hạnh phúc hàng trăm năm qua nhiều thế hệ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán khi về thăm công trường trước lúc khởi công./.

L.T (Tổng hợp)

Theo http://baobacninh.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website