Năm 1949, Đoàn đại biểu Nam Bộ ra thăm miền Bắc,
tới quây quần bên Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.
Ở đời “không ai là thần thánh”
Bác là hiện thân của tinh thần vì nước, vì dân, giản dị, khiêm tốn rất mực và tinh thần lạc quan, niềm tin sâu sắc vào thắng lợi của cách mạng. Cả đời Bác luôn lo cho dân, cho nước. Với Bác, kháng chiến chưa thành công, đồng bào còn nghèo khổ, thì không thể vui cho riêng mình và Bác cũng mong mọi cán bộ, đảng viên như vậy.
Theo Bác, ai cũng là người thường, không có ai là thần thánh cả. Chỉ có rèn luyện, tự rèn luyện, tự thực hành cần, kiệm, liêm, chính một cách bền bỉ, với mục đích, động cơ trong sáng vì nước, vì dân, đặt lợi ích chung của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết, trước hết “dĩ công vi thượng” thì mới có thể tận tâm tận lực trong công tác hằng ngày, không hiếu danh, không ham lợi.
Bản thân Bác là một tấm gương trong sạch, thanh cao về đạo đức, suốt đời tranh đấu cho độc lập tự do, cho hạnh phúc của Nhân dân. 24 năm làm Chủ tịch nước, nhận trọng trách do dân tín nhiệm, ủy thác, Người không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ Nhân dân.
Người căn dặn cán bộ chiến sỹ, nhất là thanh niên, đã làm cách mạng để phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân thì chỉ có một điều ham muốn: ham học, ham làm, ham tiến bộ, ngoài ra không có ham muốn nào khác. Không ham tiền tài, không tham địa vị, không mong hưởng lạc sung sướng cho riêng mình, không sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Bác cho rằng “Cá nhân chủ nghĩa đẻ ra hàng trăm tính xấu như siêng ăn, biếng làm, kèn cựa, nghĩ đến mình không nghĩ đến đồng bào, tham danh lợi, địa vị....”. Chủ nghĩa cá nhân như “giặc nội xâm”, “giặc trong lòng”, nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng. Do cá nhân chủ nghĩa mà cán bộ, đảng viên phạm nhiều sai lầm, cần phải kiên quyết đấu tranh, sửa chữa, quét sạch.
Giản dị mà thanh cao
Bác có lối sống giản dị, khiêm tốn và tiết kiệm, không ham lầu son gác tía. Sau khi tiếp quản Thủ đô, Bác không làm việc trong ngôi nhà cao tầng đồ sộ, mà chọn một căn phòng nhỏ. Bác cũng từ chối đề nghị thay dép mới cho mình, vì thấy dép vẫn dùng được. Nhiều lần đi thăm các địa phương, Bác dặn anh em phục vụ chuẩn bị cơm mang theo, tránh tiệc tùng, gây tốn kém cho dân.
Trước lúc “đi xa”, trong Di chúc để lại, Bác căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...” và “… Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Bác còn là hiện thân của tinh thần lạc quan và niềm tin vào thắng lợi. Khi bị quân Tưởng bắt giam tù đày, chịu bao gian nan, vất vả, đau ốm, nhưng Bác vẫn làm thơ, ngâm thơ. Về nước, phải sống trong hang Cốc Bó, thiếu thốn đủ bề, nhưng Người vẫn lạc quan cách mạng: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang!”.
“Thường xuyên tự soi, tự sửa…”
Ngày nay, chúng ta được sống trong một đất nước hòa bình, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện. Khi phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn giữ được đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ, thì không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền sống xa rời lý tưởng, đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lo vun vén cho bản thân, gia đình và họ hàng.
Trong bối cảnh đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn, hàng triệu nông dân, người lao động, công nhân đang hằng ngày vật lộn với mức lương vài ba triệu đồng thì không ít cán bộ giàu lên nhanh chóng và bất thường. Họ sở hữu nhà lầu, xe hơi, có mức sống phong lưu, cao hơn nữa là ở biệt thự riêng, đi xe siêu sang, có cổ phần lớn, thu nhập vài trăm tỷ đồng mỗi năm.
Cũng còn những cán bộ, đảng viên không còn nhiệt huyết cách mạng, giảm sút niềm tin. Thậm chí, có những đảng viên sau khi nghỉ hưu, lấy lý do vì sức khỏe yếu, ốm đau, bệnh tật hoặc một số lý do khác để xin nghỉ sinh hoạt Đảng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có lối sống hoang phí, xa hoa, dẫn đến vi phạm pháp luật Nhà nước, làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ, đảng viên, giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng.
Kỷ niệm ngày sinh của Bác, nhớ về Bác kính yêu, thấm sâu lời dạy và thực hành của Người về tinh thần vì nước, vì dân, đức tính giản dị, khiêm tốn, tinh thần lạc quan cách mạng và niềm tin sâu sắc, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên, lên trước, biết lo cho nhân dân, cho địa phương, đơn vị trước khi lo cho cá nhân, gia đình.
Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Cán bộ, đảng viên phải sống vì mọi người, luôn khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm, phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bệnh thờ ơ, vô cảm. Cần thực hiện tốt yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Trung ương 6 khóa XII: “Cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng”.
Noi gương Bác, cán bộ, đảng viên cần có cách nhìn, thái độ lạc quan yêu đời, tin tưởng vào tiền đồ tương lai xán lạn của dân tộc, lấy đó làm động lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu cho tương lai của đất nước, dân tộc, để cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn./.
Nguyễn Nhâm